Phóng to |
Tại buổi đối thoại, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết học sinh đều đề nghị: “Cần tăng cường những tiết học kỹ năng sống cho chúng em”.
Muốn học giáo dục giới tính
Sang đề xuất: “Em mong ước học sinh chỉ học tập trung một số môn nhất định chứ không học tràn lan như hiện nay. Thêm vào đó, cái chúng em cần hiện nay là kỹ năng sống. Tính ra cả lớp chỉ có 5-6 bạn có thể đứng lên nói trước đám đông. Mà trong số đó chỉ 3-4 bạn tự nói được, số còn lại thì phải cầm giấy đọc. Chúng em cần nhiều hơn những tiết học thuyết trình, cách làm việc nhóm…”.
Học sinh Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Phạm Văn Sáng, lại đề xuất: “Chúng em muốn đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy chính khóa để hiểu, biết và phòng tránh các tệ nạn xã hội”.
Minh Quân, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, cũng đánh giá: “Mình vẫn chưa thể làm được điều mà các trường ở nước ngoài đang làm: học sinh thực hành theo những gì lý thuyết đã học. Điều này khiến sự yêu thích học tập của chúng em giảm đi. Thời gian dành cho thực hành, thí nghiệm không nhiều trong khi thời gian học lý thuyết, làm bài tập lại chiếm số lượng lớn khiến việc sinh hoạt rèn luyện kỹ năng và phát triển các mối quan hệ xã hội của học sinh bị hạn chế”.
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại các học sinh cũng bày tỏ tâm tư về việc giáo viên không ủng hộ và không tạo điều kiện cho học sinh hoạt động phong trào. Một học sinh ở Trường Tân Phong, quận 7 kể có lần em đã bị thầy mắng: “Học không lo học, lo phong trào làm gì”.
Ý kiến của các học sinh cho thấy nhiều trường THPT hiện nay đều đặt nặng kiến thức, trong khi những kỹ năng sống lại không có một môn học hay những chương trình ngoại khóa. Các học sinh đang thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm. Ngoài việc học, học sinh THPT thích tham gia những hoạt động Đoàn, những hoạt động cộng đồng.
Vấn đề chửi tục, xem ảnh nóng, ném đá nhau ở trên mạng Internet hiện nay phổ biến rất nhiều trong giới học sinh. Khi tức nhau chuyện gì, nhiều học sinh thường lên mạng xã hội chửi thề nhau hoặc nói xấu nhau.
Theo lời kể của bạn Nguyễn Kim Hòa, Trường THPT Hiệp Bình: Các bạn trong lớp chửi thề nhau rất nhiều, hơn 50% học sinh trong lớp thường xuyên chửi thề, lên mạng chửi nhau. Nhiều bạn không chửi trực tiếp mà lên mạng xã hội để chửi.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM, cho biết: Việc chương trình học ở khối THPT, Việt Nam cũng áp dụng theo những chương trình dạy và học như nước ngoài. Học để biết tất cả mọi lĩnh vực, những môn học sinh cho rằng không cần thiết nhưng trên thực tế lại áp dụng được phần nào trong cuộc sống. Sở sẽ cố gắng cho các em thực hành nhiều hơn và trang bị thêm cho các em những kỹ năng sống. Tuy nhiên, điều kiện của Việt Nam đang còn nghèo nên chỉ đáp ứng được một phần nào đó. Còn nhiều đề xuất sở sẽ báo cáo lên cấp trên, tìm cách giải quyết tốt nhất.
Còn vấn đề chửi thề, chửi tục nhau, theo ông, đây là vấn đề thuộc về xã hội. Khi nào những người lớn trong gia đình, trong xã hội không chửi thề nữa, luôn giáo dục con trẻ thì lúc đó học sinh mới không chửi tục. Còn nhà trường sẽ rèn luyện các em qua những lời nói chuẩn mục, rèn giũa để các em khắc phục dần.
Những ý kiến đóng góp của các học sinh sẽ được sở tổng hợp lại rồi giải đáp thắc mắc kỹ hơn. Sở GD- ĐT sẽ tiếp thu những ý kiến đó và cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất cho các em học sinh THPT TP.HCM.
Đây là buổi đối thoại lần thứ năm giữa lãnh đạo Sở GD - ĐT với học sinh THPT TP, nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ Đoàn được gặp gỡ và nói lên những suy nghĩ của thanh niên học sinh thành phố với các vị lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM.
Một số đề xuất của các em học sinh THPT - Giảm tải những môn học không cần thiết và thay vào đó là những buổi học kỹ năng sống. - Trợ giá vé xe buýt tốt hơn nữa - Tổ chức các diễn đàn thanh niên trong trường học - Tăng số lượng các trường đại học tuyển sinh khối D3 - Xem xét, đánh giá lại môn thể dục. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận