23/12/2013 11:08 GMT+7

Hồi hộp với rau sạch

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TT - Cùng với nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng tăng, các cửa hàng kinh doanh rau sạch cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Nhưng với hiện tượng bày bán tràn lan các loại rau không bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận như hiện nay, người tiêu dùng khó nhận diện được đâu là rau sạch hay chỉ “treo đầu dê bán thịt chó” của các cửa hàng.

NSW1gfNB.jpgPhóng to
Khách chọn mua rau củ tại một cửa hàng rau sạch ở TP.HCM - Ảnh: N.T.

Tại cửa hàng rau củ V trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, dù có hơn 60 chủng loại rau củ được bày bán nhưng chúng tôi không thấy một giấy tờ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn được trưng ra. Theo người bán tại đây, mỗi ngày cửa hàng bán cho hàng trăm khách và khẳng định là rau sạch, có chứng nhận được trồng ở Đà Lạt, Củ Chi, nếu khách hàng thắc mắc về chất lượng sẽ tự kiểm tra lấy.

Tương tự, tại cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), quan sát thấy một số sản phẩm không có nhãn mác, giấy chứng nhận an toàn. Khi được hỏi, chủ cửa hàng khẳng định “bán vì uy tín với khách hàng, tự khách hàng sẽ phán xét chất lượng, cửa hàng không quan trọng việc có giấy chứng nhận hay nhãn mác”. Cũng theo vị chủ này, có giấy chứng nhận hay không thì việc trộn hàng chợ vào cũng dễ dàng như nhau, quan trọng là ở lương tâm người bán (!?).

Nhiều người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng móc hầu bao mua với giá cao gấp 3-4 lần so với giá rau chợ miễn đó là rau sạch. Nhưng không ít trường hợp người mua bị mất tiền oan vì cửa hàng rau sạch lấy rau từ chợ đầu mối.

Bà Lâm Minh Hương (đường Lý Chính Thắng, Q.3) cho biết ba tháng nay gia đình bà chuyển sang mua rau tại một cửa hàng rau sạch gần nhà cho tiện, nhưng gần đây bà tá hỏa khi phát hiện rau sạch gia đình bà mua toàn rau chợ đầu mối. “Giá cao gấp ba lần rau chợ, cứ nghĩ rau sạch đảm bảo rồi nên tôi chủ quan không ngâm nước muối trước khi chế biến như mọi lần. Nhưng sau thời gian nghe bạn bè rỉ tai nhau là rau tại cửa hàng này lấy toàn ở chợ đầu mối, tôi bất an nên theo dõi thì đúng thật. Vậy mấy tháng nay nhà tôi ăn toàn rau chợ nhưng phải trả tiền theo giá rau sạch” - bà Hương bức xúc.

Theo ông Võ Thành Dương - phó chủ nhiệm HTX rau an toàn Phước An (Bình Chánh, TP.HCM), để giảm tình trạng rau chợ giả mạo rau Phước An, HTX phải tự thiết kế cộng dây buộc riêng cho từng chủng loại, khối lượng rau khi giao cho cửa hàng. Tuy nhiên vừa qua vẫn có khiếu nại về chất lượng, khi HTX làm việc thì đơn vị này thừa nhận do để lộn rau chợ vào rau Phước An nên không kiểm soát được.

“Thử kiểm tra lấy mẫu đột xuất ở cửa hàng kinh doanh rau sạch là biết ngay cửa hàng nào “treo đầu dê bán thịt chó”. Tôi dám chắc không ít cửa hàng kinh doanh rau sạch hiện nay lấy nguồn rau chợ để móc túi người dùng” - ông Dương nói. Theo ông Dương, mặc dù hô hào nông dân nâng cao diện tích rau an toàn, rau sạch nhưng quản lý thị trường thả nổi như hiện nay thì không chỉ người tiêu dùng bị lừa dối, mà nông dân cũng không có động lực gắn bó với rau an toàn khi sản phẩm họ làm ra bị đánh đồng.

Tại nhiều cuộc hội thảo về an toàn thực phẩm, không ít chuyên gia nông nghiệp đề nghị phải phát triển nhiều địa điểm kinh doanh thực phẩm sạch tập trung, có kiểm soát càng tốt, có như vậy người tiêu dùng có nơi đặt niềm tin, dễ tiếp cận thực phẩm sạch. Ngoài ra, các đơn vị đăng ký vào khu kinh doanh thực phẩm sạch thì sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác ghi đầy đủ về xuất xứ và thông số tiêu chuẩn an toàn, nếu đơn vị nào không đáp ứng được cần phải loại bỏ. Tuy nhiên trong khi việc kinh doanh rau sạch đang bị buông lỏng quản lý, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch từng được các địa phương cam kết xây dựng đến nay chỉ mới nằm trên giấy.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên