05/06/2016 09:10 GMT+7

Học sinh-sinh viên Nhật đọ sức cùng các tài năng trẻ châu Á

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Nhờ làm tốt thể thao học đường, các học sinh, sinh viên Nhật Bản đủ sức tranh tài cùng những tài năng điền kinh trẻ hàng đầu châu Á tại Giải điền kinh trẻ châu Á 2016 đang diễn ra trên sân Thống Nhất (TP.HCM).

Nỗ lực thi đấu của Obuchi Mizuki (giữa) trên đường chạy 400m - Ảnh: T.P.
Nỗ lực thi đấu của Obuchi Mizuki (giữa) trên đường chạy 400m - Ảnh: T.P.

Khác với xu hướng ồ ạt “nhập” ngoại binh từ châu Phi như Qatar, UAE hay “nuôi gà chọi” để lấy thành tích như Trung Quốc, điền kinh Nhật Bản chọn con đường đẩy mạnh thể thao học đường bởi với họ: thể thao phải là cuộc sống. Dù vậy các VĐV Nhật vẫn đủ sức tranh tài cùng các tài năng trẻ điền kinh hàng đầu của châu lục.

Trưởng đoàn điền kinh Nhật Bản Kazuhiko Yamazaki - người từng đoạt HCĐ châu Á 400m rào nam, hiện là giáo sư chuyên ngành khoa học sức khỏe và thể thao của Trường đại học Juntendo kiêm phó chủ tịch Ủy ban đào tạo VĐV trẻ thi đấu đỉnh cao của Liên đoàn Điền kinh Nhật Bản (JAAF) - nói với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi sang VN lần này với 39 VĐV và tất cả đều là sinh viên hoặc học sinh trung học của 26 trường đại học, cao đẳng và trung học khắp Nhật Bản. Có nhiều sinh viên nhất đến VN lần này là Đại học Tokai (Tokyo, 6 VĐV), tiếp theo là Đại học Toyo (Tokyo, 3 VĐV), Đại học Kyushu Kyoritsu (Fukuoka, 3 VĐV)...”.

Dù không đoạt nhiều HCV nhưng các sinh viên Nhật Bản luôn là nhóm đối thủ mạnh và đã chinh phục đối thủ lẫn người hâm mộ trên sân Thống Nhất bằng phong cách rất riêng của mình. Ở bán kết nội dung 400m nam, VĐV Obuchi Mizuki đã xuất phát không tốt nên bị đối thủ bỏ lại rất xa. Tưởng chừng tuyệt vọng nhưng Obuchi Mizuki vẫn nỗ lực rượt đuổi để giành chiến thắng tại đích đến. Quá mệt, Obuchi Mizuki nhắm mắt mấy giây để lấy lại hơi thở. Vừa mở mắt, anh quay về phía khán đài và cúi người để cảm ơn người hâm mộ cùng ban huấn luyện đã cổ vũ cho mình. Đáp lại là tràng pháo tay vang dội từ khán đài. Sau đó, Obuchi Mizuki mới tất tả đi tìm nước uống để giải cơn khát dưới cái nắng nóng gần 40oC tại TP.HCM.

Ông Kazuhiko Yamazaki khoe Nhật Bản có rất nhiều tài năng ở trình độ trẻ châu Á. Vì thế, tùy thuộc vào tính chất từng giải mà đối tượng triệu tập có khác nhau. Đến VN lần này, điền kinh Nhật Bản triệu tập tất cả VĐV giỏi nhất. Các VĐV Nhật Bản được giáo dục rằng thi đấu là một thành công, cố gắng chiến thắng nhưng không cay cú. Thể thao học đường tại Nhật Bản phát triển rất mạnh. Các học sinh, sinh viên có đam mê chỉ cần tập ở trường ngoài giờ học là đủ tầm dự các giải trẻ hàng đầu châu lục.

Dù mang tính chất nghiệp dư nhưng đoàn Nhật Bản có đến 10 HLV (đa số là HLV điền kinh của các trường đại học, trung học của Nhật Bản), một bác sĩ, hai chuyên gia vật lý trị liệu và hai nhân viên truyền thông chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả, báo cáo hằng ngày. Ngoài việc được JAAF đài thọ chi phí vé máy bay, tiền ăn, ở khách sạn, các VĐV Nhật Bản không có được hỗ trợ gì thêm vì với họ, được thi đấu là một cơ hội rất tốt để học hỏi.

Do không phải là chuyên nghiệp nên VĐV Nhật Bản không bị “gò bó khuôn phép” như các VĐV thực thụ. Ông Kazuhiko Yamazaki nói: “Đây là lần đầu tiên đến VN nên tôi và các thành viên trong đội đã tranh thủ đi tham quan ngay khi vừa đặt chân đến TP.HCM vài ngày trước. Tôi cũng cho các VĐV thoải mái thưởng thức ẩm thực VN, còn chuyện liều lượng thế nào và ra sao để tốt cho sức khỏe là ý thức của mỗi VĐV”.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên