18/01/2020 11:14 GMT+7

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào?

Hoàng Thị Thu Hằng (Trường THPT số 1 Bảo Yên)
Hoàng Thị Thu Hằng (Trường THPT số 1 Bảo Yên)

TTO - Ngày hội "Tết dân tộc" cho học sinh miền núi được các nhà trường tổ chức với nhiều nội dung phong phú, sinh động.

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh chơi trò "bịt mắt bắt vịt" - Ảnh: THU HẰNG

Mùa xuân lại về trên khắp các bản vùng cao. Những cơn mưa phùn lất phất bay trong tiết trời se lạnh. Màn sương buông hòa vào ánh nắng giữa bát ngát mây trời.Trên những cung đường quanh co, uốn lượn là những cánh hoa đào phớt hồng, những đóa mận trắng rung rinh khoe sắc…

Chào đón mùa xuân vùng cao còn là không khí tưng bừng lễ hội, là những nghi lễ độc đáo và những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hòa điệu với xuân mới, giao hòa với muôn sắc thắm thiên nhiên là các chương trình Vui tết cho học sinh dân tộc đầy ý nghĩa ở các điểm trường.

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều học sinh thích thú với trò leo cột - Ảnh: THU HẰNG

Bảo Yên - huyện cửa ngõ phía đông của tỉnh Lào Cai - là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Giáy… Cùng chung sống trên một địa bàn nhưng mỗi dân tộc ở đây đều tạo dựng và gìn giữ cho mình một nét văn hóa riêng, đặc sắc.

Phát huy những nét đẹp truyền thống ấy, ngày hội "Tết dân tộc" cho học sinh miền núi được các nhà trường tổ chức với nhiều nội dung phong phú, sinh động.

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 3.

Thầy trò hào hứng với trò đi cầu tre trên cạn - Ảnh: THU HẰNG

Ngày hội "Tết dân tộc" được diễn ra đầy náo nhiệt và sôi động ở khắp các điểm trường. "Hành trình văn hóa", "Tết trao yêu thương" "Tết vùng cao" là chủ đề được các nhà trường lựa chọn trong hoạt động Vui Tết năm nay.

Với ý tưởng sáng tạo, các thầy cô đã đem đến cho học sinh sự trải nghiệm và khám phá thú vị về những không gian văn hóa của nhiều dân tộc, đồng bào. Những nét văn hóa ấy mang đậm màu sắc và hơi thở của núi rừng vào xuân.

Góc ẩm thực là không gian để học sinh được trổ tài, được thể hiện và quảng bá những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Ẩm thực của bản Tày là rau rừng, măng đắng, là bánh giày, bánh trôi. Ẩm thực của bản Mông là mèn mén, thắng cố.

Và đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở mảnh đất nào cũng rất quen thuộc với bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Bởi vậy, để các em học sinh có sự hiểu biết về nhiều dân tộc và có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, các thầy cô còn hướng dẫn các em gói bánh chưng xanh.

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 4.

Bịt mắt đánh trống - Ảnh: THU HẰNG

Góc văn hóa là nơi các em được khám phá những nét đẹp về trang phục, những màu sắc, họa tiết được trang trí trên các trang phục mang đậm màu sắc núi rừng. Cùng với đó, các em thuyết minh về những lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những lời hát Then, những điệu múa khèn, những bài múa sạp khiến không gian xuân thêm rộn ràng, náo nức.

Góc Trò chơi là không gian để các em được thỏa sức với nhiều hoạt động lý thú: bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt, chuyền bóng nước, ném pao, ném còn, đánh khăng, chơi quay, leo cột, kéo co, nhảy bao bố, đi cầu tre trên cạn, cầu tre trên nước…Tiếng cổ vũ, tiếng hò reo và cả những tiếng cười giòn tan, trong trẻo vọng vào vách núi…

Một số hình ảnh vui Tết của học sinh: 

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 5.

Cô trò cùng gói bánh chưng - Ảnh: THU HẰNG

Học sinh dân tộc vùng cao vui Tết như thế nào? - Ảnh 6.

Và giới thiệu món ăn truyền thống của các dân tộc - Ảnh: THU HẰNG

Hoàng Thị Thu Hằng (Trường THPT số 1 Bảo Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên