14/04/2018 08:01 GMT+7

'Điểm danh' những nghề dễ kiếm việc

P.V.
P.V.

TTO - Học nghề là một hướng đi để những học sinh không trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy tiếp tục con đường học tập và lập nghiệp. Xã hội đang rất cần nhân lực có tay nghề cao.

Học nghề nào dễ kiếm việc? - Ảnh 1.

Học sinh Trường trung cấp Công nghệ bách khoa trong một giờ thực hành

Hiện nay, số lượng nghề các đơn vị đào tạo khá phong phú, đa dạng, đủ cấp độ và có nhiều nghề đào tạo theo chuẩn quốc tế mang lại cơ hội làm việc ở nước ngoài cho người học nghề. 

Người học có thể học các khóa sơ cấp nghề từ 3 đến dưới 12 tháng, hoặc học nghề dài hạn từ 12 đến dưới 36 tháng, nơi đào tạo từ các cơ sở dạy nghề, trung tâm dạy nghề đến các trường trung cấp, CĐ nghề.

Học nghề hội nhập quốc tế

Việt Nam (VN) đang hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo nên nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài cho các bạn trẻ. Tại các trường nghề, nhiều năm nay đã triển khai các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN, hay theo tiêu chuẩn một số nước trên thế giới như Úc, Đức.

Gia nhập AEC có 8 nhóm ngành nghề cho phép người lao động được tự do di chuyển trong khu vực để tìm kiếm việc làm. 8 nhóm ngành nghề đó là: du lịch, kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên. 

Với AEC, lao động VN có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhưng đồng thời, đất nước chúng ta cũng sẽ tiếp nhận nhiều lao động chất lượng cao từ các nước bạn tới làm việc. Vì vậy đòi hỏi lao động Việt ngoài việc vững tay nghề cần phải có vốn ngoại ngữ tốt mới có thể cạnh tranh được.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết trường có đào tạo một số nghề trong 8 nhóm ngành nghề hội nhập AEC như: xây dựng, hướng dẫn viên du lịch, dược… "Để giúp sinh viên có thể hội nhập với lao động thế giới, một số năm qua trường đã đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tăng thời lượng thực hành, thực tế cho sinh viên, thời lượng học tiếng Anh cũng tăng lên", ông Lý nói.

Trong khi đó, từ năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định phê duyệt nghề trọng điểm khu vực ASEAN và thế giới. Theo đó, khu vực ASEAN có 30 nghề, thế giới có 26 nghề. Ở khu vực ASEAN có các nghề được nhiều trường đào tạo như: bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, ứng dụng phần mềm, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn… Ở cấp độ thế giới có các nghề như: cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, ứng dụng phần mềm, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, điện công nghiệp…

Theo thạc sĩ Trần Kim Tuyền - hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, học các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn nghề của nước đó nên khi ra trường các em sẽ có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ngoài. Ví như học các nghề theo tiêu chuẩn của Úc thì sau khi hoàn thành chương trình (2 năm rưỡi) và đạt yêu cầu, sinh viên được cấp 2 văn bằng: bằng CĐ nghề do trường nghề tại Việt Nam cấp và bằng Diploma (hoặc Advance Diploma) do Học viện Chisholm (Úc) cấp và sẽ được giới thiệu để các doanh nghiệp của Úc sang tuyển dụng. 

Được biết, hiện nay để có thể đi làm việc tại Úc, các học viên phải đảm bảo 5 điều kiện: kinh nghiệm làm việc 2 năm trở lên, tiếng Anh IELTS 5.0, đậu kỳ thi kiểm tra tay nghề theo tiêu chuẩn Úc, được doanh nghiệp Úc tuyển dụng và sức khỏe tốt. Khi đảm bảo 5 yếu tố trên thì học viên mới được Bộ Di trú Úc cấp visa để sang làm việc và sinh sống.

Học nghề nào dễ kiếm việc? - Ảnh 2.

Học sinh Trường trung cấp Công nghệ bách khoa trong một giờ thực hành

Nghề ngắn hạn hái ra tiền

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu nhân lực để phục vụ cho các lĩnh vực cũng đòi hỏi nhiều, đặc biệt là những nhóm nghề phục vụ, đáp ứng theo yêu cầu của thực tế. Hiện nay, hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm ăn uống đang nở rộ và nhu cầu nhân lực nghề bếp rất cao. Ngành công nghiệp ăn uống luôn mang lại siêu lợi nhuận, thu nhập của bếp trưởng là những con số đáng mơ ước.

Tại Trung tâm dạy nghề ẩm thực Netpace mới đây tổ chức ngày hội tuyển dụng nghề bếp, tuy nhiên "cung không đủ cầu". Trong nghề bếp, nghề quản trị bếp (chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, đào tạo Chief Cook) được xem là một nghề "hot" hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Y, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm dạy nghề ẩm thực Netpace, cho biết mức thu nhập nghề bếp vẫn ở mức trung bình, khá (phổ biến 5-8 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, thời gian làm việc trong nghề bếp khá dài so với các nghề khác.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, hiệu trưởng Trường CĐ An ninh mạng iSpace, cho hay hằng năm các doanh nghiệp đặt hàng nhân sự nghề liên quan đến sửa chữa, bảo trì, lập trình điện thoại di động rất nhiều nhưng ít có người học nên không đủ cung cấp cho doanh nghiệp. 

Ông Hoàng Anh cho biết thêm theo Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông, nguồn nhân lực làm việc trong ngành công nghệ thông tin luôn tăng không ngừng qua các năm. Trong thời đại số hóa, khối ngành công nghệ thông tin luôn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ: Quản trị mạng, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông, Thiết kế đồ họa... Trong đó, "sốt" nhất là nghề lập trình trên thiết bị di động và an ninh mạng đang là nhu cầu trọng tâm của nhiều doanh nghiệp, kể cả các cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, nhu cầu rèn luyện sức khỏe, chăm sóc sức khỏe của xã hội ngày càng cao. Nghề quản trị dịch vụ giải trí và thể thao được xem là một nghề "hot" của lĩnh vực này. Ngành dịch vụ - giải trí - thể thao là ngành không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng nó chiếm một tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. 

Ở các nước phát triển, các ngành này chiếm trên 70% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), trên 50% ở các nước đang phát triển, trung bình quy luật chung là 45%, ở VN các ngành này chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 35% GDP. Vì thế, đây là một ngành tạo sức hấp dẫn rất lớn về thu nhập và nguồn nhân lực trong tương lai.

P.V.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên