14/03/2019 13:33 GMT+7

Học nghề - chọn lối phù hợp

MINH GIẢNG ghi
MINH GIẢNG ghi

TTO - Các trường trung cấp, cao đẳng nghề cho biết nhu cầu tuyển dụng người học nghề rất lớn nhưng trường không đủ cung cấp.

Học nghề - chọn lối phù hợp - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10A1 trường CĐ Quốc Tế TPHCM trong giờ thực hành Nhà hàng - khách sạn. Ngành này có nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo và có tỷ lệ việc làm rất cao - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau câu chuyện Phân luồng sau THCS: nói mãi mà vẫn dồn cục và Về đâu hơn 30.000 học sinh lớp 9?, nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm vẫn băn khoăn về việc làm, hướng phát triển tương lai sau khi học trung cấp, cao đẳng nghề.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, các trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) cho biết "nhu cầu tuyển dụng người học nghề rất lớn nhưng trường không đủ cung cấp" cùng một số gợi mở khác.

* Ông Phạm Hữu Lộc (hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng): 

100% có việc làm

Học nghề - chọn lối phù hợp - Ảnh 2.

Trong những năm vừa qua, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp của trường liên tục tăng. Năm 2018, trường tuyển 1.400 học sinh. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi nhận thức của phụ huynh đã có sự chuyển biến đáng kể.

Ngoài chính sách chung thì trường cũng bố trí cán bộ tư vấn đến các trường THCS làm công tác tư vấn và định hướng. Ngoài những em không vào được lớp 10 trường công, không ít em đậu nhưng vẫn theo học nghề tại trường.

Đối với bậc học này, thời gian học ngắn, chủ yếu thực hành nghề nên phù hợp với các em không thực sự mặn mà với học văn hóa, giảm thiểu tình trạng bỏ học do chán nản trong khi có thể nhanh chóng đi làm, có thu nhập cho bản thân và gia đình. 

Trường đảm bảo 100% các em học nghề ra trường có việc làm. Các doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng rất lớn nhưng trường không đủ nguồn cung cấp. Lương bình quân của các em ở mức 8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên cũng có những lấn cấn khi các em có nhu cầu học cao hơn. Việc liên thông lên CĐ khá dễ dàng khi chương trình đào tạo nhất quán, trong khi để liên thông lên ĐH, nhiều trường vẫn chưa trả lời có chấp nhận hay không. Nếu giải quyết được vấn đề liên thông ĐH, phụ huynh sẽ đỡ lấn cấn hơn, người học cũng thuận lợi hơn khi lựa chọn.

* Ông Phạm Đức Khiêm (hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM): 

Cầu nhiều, cung không đủ

Học nghề - chọn lối phù hợp - Ảnh 3.

Chỉ tiêu tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS của trường hằng năm dao động từ 800 - 1.000. Năm nào trường cũng tuyển đủ, riêng năm 2018 tuyển vượt. 

Để có kết quả này, trường phối hợp chặt chẽ với phòng GD-ĐT các quận huyện đưa các em về trường tham gia ngày hội hướng nghiệp được tổ chức vào tháng 3 hằng năm. Tại đây học sinh được tham quan xưởng trường, giới thiệu ngành nghề, định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. 

Nhu cầu tuyển dụng học sinh nghề rất lớn và trường không đủ nguồn để cung cấp cho doanh nghiệp. Lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Quan niệm xã hội hiện nay cho rằng những em tốt nghiệp THCS vào học nghề là những học sinh có học lực kém, điều này cũng tác động không tốt đến các em khi theo học. 

Chúng tôi muốn thay đổi điều này. Hiện trường đã ký kết với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện chương trình thực tập sinh. Học sinh sẽ được đào tạo tăng cường tiếng Anh, tiếng Nhật để có thể tham gia chương trình thực tập sinh ở một số nước, trong đó có Nhật. 

Đối với các doanh nghiệp Nhật, các em tham gia chương trình thực tập sinh trong ba năm với mức lương 1.200 USD/tháng. 

Chúng tôi đẩy mạnh chương trình này để đến một lúc nào đó vào học nghề phải trải qua thi tuyển, lúc đó nhận thức và định hướng của các em sẽ rõ ràng hơn, quan niệm xã hội cũng sẽ thay đổi.

* Bà Phạm Quang Trang Thủy (hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương): 

Phải thay đổi nhận thức phụ huynh

Học nghề - chọn lối phù hợp - Ảnh 4.

Phải thẳng thắn thừa nhận những em học sinh lớp 9 đi học nghề là những bạn không còn hứng thú với việc học văn hóa. Xác định điều này để thấy rằng việc phân luồng các em vào học nghề là điều phù hợp. 

Tất nhiên, ở độ tuổi này các em vẫn chưa nhận thức rõ ràng về định hướng nghề nghiệp cũng như việc lựa chọn con đường học tiếp theo. Do đó, điều đầu tiên là phải "đánh" vào phụ huynh, thay đổi nhận thức của họ. Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con làm thầy, không muốn con làm thợ. Với họ, làm thợ sẽ cực nhọc, thu nhập thấp, tương lai không sáng sủa.

Ngoài các buổi sinh hoạt dưới cờ với học sinh, trường còn phối hợp với các trường bố trí người tham gia các buổi họp phụ huynh của lớp. Những buổi họp này, trường sẽ có những chia sẻ, định hướng giúp phụ huynh có cái nhìn tổng quan hơn về học nghề và những định hướng việc làm, học lên sau này. 

Học nghề không phải là đường cùng mà đó chỉ là khởi đầu để đi đến nhiều con đường khác rộng mở hơn như đi làm, tiếp tục học liên thông. Chính điều này đã giúp số lượng học sinh lớp 9 vào trường hiện ngang bằng với học sinh tốt nghiệp THPT.

Các nghề kỹ thuật hiện nay nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Rất nhiều học sinh khi thực tập tại doanh nghiệp đã được nhận vào làm. Các em có thể vừa đi làm vừa học liên thông nếu muốn.

* TS Vũ Xuân Hùng (vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): 

Tạo thuận lợi cho người học

Học nghề - chọn lối phù hợp - Ảnh 5.

Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đang được đẩy mạnh thông qua các quy định cụ thể về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cũng như các chính sách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, năm nay quy định về tuyển sinh mở rộng hơn, thí sinh có thể đăng ký học giáo dục trực tuyến ở bất kỳ đâu, không nhất thiết phải đến trường. 

Đối tượng đầu vào CĐ mở rộng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS chứ không chỉ THPT như trước đây. Thực tế đây là việc học liên thông, học sinh học chương trình trung cấp và văn hóa trước khi học chương trình CĐ.

Sự vào cuộc của UBND các tỉnh cũng mạnh mẽ hơn. UBND các tỉnh chỉ đạo sở GD-ĐT, sở LĐ-TB&XH tổ chức các ngày hội tư vấn hướng nghiệp để tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh THCS có sự lựa chọn phù hợp. 

Việc tạo điều kiện thuận lợi trong đăng ký, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp kết hợp với đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cũng là một trong những giải pháp thu hút học sinh.

Học nghề và đại học, lương bên nào cao hơn? Học nghề và đại học, lương bên nào cao hơn?

TTO - Rất nhiều câu hỏi thể hiện nỗi lo thiết thực của học sinh Nghệ An tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019, đó là cơ hội việc làm sẽ như thế nào?

MINH GIẢNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên