17/02/2014 09:07 GMT+7

Học ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp có thể làm gì?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Em định đăng ký dự thi ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp nhưng em vẫn chưa rõ lắm về ngành này. Thầy có thể cho em biết thêm về ngành và cơ hội nghề nghiệp ra sao? Em xin cảm ơn! (aventador…@yahoo.com.vn)

7NBy43kB.jpgPhóng to
Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (KTCN) là một chuyên ngành kỹ thuật rất phổ biến, lâu đời tại các nước phát triển và hiện đang có nhu cầu lớn tại các nước đang phát triển.

Trọng trách của kỹ sư KTCN là giải quyết các vấn đề trong sản xuất và điều hành doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ở đầu ra bằng năng lực vận dụng một cách hệ thống, sáng tạo các mô hình và công cụ toán học, máy tính, kiến thức về hành vi con người (ergonomics) trong các hệ thống công nghiệp cũng như kiến thức về môi trường, kinh tế-xã hội có liên quan đến hoạt động sản xuất và điều hành doanh nghiệp nhằm đạt được những giải pháp hiệu quả.

Tại Việt Nam, ngành KTCN với tên gọi kỹ thuật hệ thống công nghiệp (KTHTCN) đã bắt đầu đào tạo được khóa đầu tiên vào năm 2001 tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tới nay đã có khoảng 500 sinh viên tốt nghiệp và từng bước khẳng định vai trò của ngành trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng.

Có thể giới thiệu tóm tắt các vấn đề mang tính hệ thống của doanh nghiệp mà kỹ sư KTHTCN có thể giải quyết như sau:

- Dự báo nhu cầu dài hạn về sản phẩm và xác định nguồn lực (nguyên liệu, nhân công, năng lực sản xuất…) với chi phí tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đó

- Giảm chi phí tồn kho và bảo đảm đáp ứng nhu cầu của sản xuất về vật tư (hoạch định nhu cầu vật tư)

- Giảm thiểu lãng phí trong sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm (kiểm soát quá trình, kiểm soát quá trình đầu vào…)

- Giảm thiểu thời gian dùng máy và giảm thiểu chi phí bảo trì, sửa chữa máy móc (quản lý bảo trì)

- Giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng nguồn lực, lập kế hoạch sản xuất hiệu quả (hoạch định năng lực sản xuất, đo lường năng suất và hiệu quả nguồn lực…)

- Tăng cường thời gian đáp ứng đơn hàng và thời gian giao hàng với giá cả cạnh tranh

- Tăng cường hiệu quả đầu tư và phát triển cả về sản phẩm lẫn quy trình công nghệ (thiết kế và phát triển sản phẩm, quản lý dự án)

- Cải tiến quy trình và cải thiện phương pháp làm việc (đo lường lao động và thiết kế công việc)

- Xem xét tới việc phát triển, thực thi, cải tiến và đánh giá những hệ thống tích hợp bao gồm con người, ngân sách, kiến thức, thông tin, công cụ, năng lượng, nguyên vật liệu và quá trình

- Kỹ sư KTHTCN có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất và cả trong dịch vụ.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    aventador\u2026@yahoo.com.vn)" />