08/02/2010 06:17 GMT+7

Học làm bảo mẫu

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Dẫu biết thực tế không phải lúc nào cũng đầy màu hồng như trong ca khúc nổi tiếng Cô đi nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhưng nghề nuôi dạy trẻ vẫn là lựa chọn của không ít phụ nữ.

xfTB5OBU.jpgPhóng to
Một giờ lý thuyết tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cô nuôi dạy trẻ ở Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: N.Hùng

“Làm gì khi trẻ không nghe lời?”, “Làm sao để trẻ nhanh biết tên cô?”, “Làm sao để trẻ chịu ăn đúng bữa?”... Những “bí quyết” tưởng chừng ai cũng biết được lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cô nuôi dạy trẻ - do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức vào chủ nhật hằng tuần - đem ra bàn bạc, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

Đối với nghề nuôi dạy trẻ, kiến thức lớn nhất chính là kinh nghiệm “lăn lộn” với nghề. Chính vì vậy, các cô bảo mẫu ở đủ mọi lứa tuổi, có người đã chăm trẻ được cả chục năm, có người mới chập chững vào nghề, tìm đến lớp học này để hệ thống hóa những kiến thức nuôi dạy trẻ và cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề.

Kinh nghiệm 10 năm vẫn đi học

Họ đến lớp để học từ những kiến thức chăm trẻ đơn giản nhất. Mọi tình huống đều được đặt trong trường hợp bạn phải phụ trách một lớp học 20-30 bé, trong đó một nửa là lười ăn và hay nhè. Rồi những tình huống trẻ bị ốm, ứng xử với phụ huynh khó tính, giải quyết một vụ... đánh nhau tập thể trong lớp học. Chị Uyên - cô bảo mẫu ở Bình Tân lớn tuổi nhất lớp học, đã có hơn mười năm trong nghề - chia sẻ những kinh nghiệm “thương đau” khi bị trẻ “tấn công” bằng các ngón đòn cào, cấu, cắn.

Cô bảo mẫu người Nghệ An tên Linh cho rằng: “Nếu trong lớp có hai cô, phải tạo cho trẻ thói quen yêu quý hai cô đều nhau, tránh tình trạng trẻ chỉ quý một cô, nếu cô kia cho ăn thì không chịu”. Những tiết học xoay quanh chuyện vệ sinh cho trẻ, làm cho trẻ thích thú với bữa ăn, gạt bỏ thói xấu của trẻ... với không khí sôi nổi khiến các cô bảo mẫu thường ngày chỉ loay hoay cho ăn, dọn rửa... cũng trở nên hoạt bát, cởi mở đối với một chủ đề mà cô nào cũng quan tâm.

Chỉ với 1.020.000 đồng, lớp học cấp tốc sáu tháng dành cho bảo mẫu này luôn thu hút đối tượng học viên là những phụ nữ muốn theo nghề bảo mẫu tại các trường mầm non. Thủ tục ghi danh để trở thành học viên lớp đào tạo bảo mẫu cũng rất đơn giản: chỉ cần nộp một văn bằng chứng minh người đăng ký đã học xong THCS hoặc THPT.

Không chỉ là chuyện “hợp thức hóa” tấm chứng chỉ nuôi dạy trẻ để dễ bề xin việc, lớp học còn là nơi các cô xả “xì trét” về những lo lắng, băn khoăn trong nghề, cùng với những “tiểu xảo” mà chỉ có “dân trong nghề” mới biết.

Nghề chọn người

Tại phòng ghi danh, chúng tôi gặp cô bảo mẫu tương lai tên Tô Linh Phương. Phương năm nay đã 35 tuổi, có hai con. Trước chị ở nhà nội trợ và buôn bán nhỏ, đến khi gia đình đã tạm ổn mới tính đến chuyện tìm cho mình một công việc.

Chị P. kể: “Mình đã có kinh nghiệm với hai đứa nhóc ở nhà. Chăm con một thời gian bỗng thấy thích hợp với nghề này. Đây cũng là niềm ao ước từ hồi nhỏ là được làm cô nuôi dạy trẻ. Nhiều người nói nghề này rất khổ, một lúc phải chăm mấy chục đứa, mỗi đứa mỗi tính, lương cũng chỉ được hơn triệu, nhưng cơ bản là mình thấy thích nghề này. Đã thích chắc sẽ làm được. Rồi biết đâu sau này có vốn, mình mở trường cho các bé tới học...”.

Chị P. kể chị nghỉ học từ rất sớm để bươn chải nuôi gia đình, hiện nay kinh tế tuy vẫn còn chật vật nhưng chị muốn có một công việc ổn định, hợp với sở trường, cũng là ước nguyện của chị cách đây nhiều năm.

Đến với lớp học này còn có khá nhiều sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong thành phố. H. đang là sinh viên năm 4 khoa sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn. Sắp trở thành giáo viên mầm non nhưng H. vẫn đóng tiền tham gia khóa học làm bảo mẫu cấp tốc, vì: “Từ giờ tới lúc thực tập, ra trường còn hơn một năm nữa, vẫn phải kiếm tiền để đi học. Mình kiếm tấm chứng chỉ nuôi dạy trẻ để xin làm một buổi ở trường mầm non tư thục gần nhà”.

Trước khi là sinh viên, H. đã là bảo mẫu của một vài nhóm trẻ gia đình. Dồn được ít tiền đi học, một buổi đến lớp, một buổi H. xin làm “chân sai vặt” ở một nhà trẻ. Nhà trẻ cũ giải tán, H. đi xin việc ở nơi mới nhưng không có chứng chỉ nuôi dạy trẻ thì không ai nhận...

Trong mắt cô sinh viên này, hai chữ “mầm non” dường như đã trở thành cái gì đó gắn bó sâu đậm. H. kể đã từng chăm trẻ khuyết tật, làm bảo mẫu ở nhiều nhóm trẻ, công việc cực khổ vô cùng nhưng không muốn đổi nghề.

Nguyễn Thị Kim Thanh (trưởng phòng mầm non - Sở GD-ĐT TP.HCM):

Nghề bảo mẫu không sợ thất nghiệp

Hiện nay yêu cầu về số lượng bảo mẫu rất lớn (cứ hai lớp cần một cô bảo mẫu) nên Sở GD-ĐT đã thống nhất với các trường sư phạm (ĐH Sài Gòn, Cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM) về việc tăng cường các lớp bảo mẫu để cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn TP.

Nghề bảo mẫu ở trường mầm non cần sự kiên nhẫn và lòng yêu trẻ. Tuy hơi vất vả nhưng đó là công việc ổn định, không bao giờ sợ thất nghiệp. Nếu làm lâu bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc trẻ em cho công việc gia đình sau này.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên