Một quán ăn bày bàn ghế trên vỉa hè Hội An, Quảng Nam - Ảnh: T.L.
Người Hội An quê tôi rất mến khách, phố cổ là điểm đến du lịch thân thiện nhưng lắm lúc người Hội An cũng ngán phải ra đường lúc hè về, tết đến.
Vỉa hè phố du lịch rộng có thể cho phép buôn bán nhưng chừa lối cho người đi bộ. Rất cần ban hành nguyên tắc sử dụng vỉa hè, trong đó nêu những quy định cụ thể, phạt nặng các trường hợp vi phạm.
Vỉa hè bị "đánh cắp"
Cùng dòng du khách nô nức đổ về phố cổ, tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm ngày càng trầm trọng. Bởi các đường trục chính tại Hội An nhỏ hẹp vốn được xây dựng để đảm bảo lượng lưu thông cho vài chục nghìn dân. Sau đại dịch, quán ăn, tiệm trà sữa, gánh thịt nướng từ hẻm ra đường lớn, từ góc sân nhà có mặt tiền đến vỉa hè dọc bờ sông.
Có thể hiểu đây là chuyện chẳng đặng đừng vì suy thoái kinh tế và thất nghiệp sau dịch nên người dân phải tự xoay xở. Ở khía cạnh nào đó, hoạt động kinh tế vỉa hè cũng tạo nên đặc trưng riêng của không chỉ Hội An mà nhiều thành phố du lịch khác và góp phần giải quyết một phần những vấn đề của nền kinh tế cho dân địa phương. Nhưng không thể biến vỉa hè từ khu vực dành cho người đi bộ, một phần bộ mặt cảnh quan và trình độ văn minh phát triển của một thành phố thành nơi kinh doanh kiếm sống bát nháo khắp mọi nơi được!
Không khó để nhìn thấy hình ảnh du khách đi từng hàng dưới lòng đường các tuyến phố giáp ranh khu vực phố cổ bởi vỉa hè đã đậu kín xe máy, bày san sát những bàn ghế, bảng hiệu. Rác rến theo đó mà vương vãi khắp nơi. Việc chào mời khách giữ xe của những bãi xe tự phát trên vỉa hè làm chính người ngồi trên xe còn phải né huống hồ người đi bộ!
Tình trạng này tôi cũng thấy ở Đà Lạt. Vỉa hè đã "biến mất" tại nhiều tuyến phố ở khu vực trung tâm, du khách không có chỗ để đặt chân nếu muốn đi dạo mát. Lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông là cảnh tượng trước mắt mọi người. Bạn bè chúng tôi từ nước ngoài đến với Đà Lạt cũng thường lắc đầu với những đoạn đường chỉ vài trăm mét nhưng họ buộc phải đi xuống lòng đường đến 5 - 6 lần. Và họ rất khó chịu vì điều này.
Thành phố Hạ Long, Vũng Tàu và nhiều điểm đến du lịch khác cũng có tình trạng nhà hàng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh... tranh thủ từng centimet vỉa hè để phục vụ du khách.
Học cách nước bạn trả lại vỉa hè
Kinh tế vỉa hè không chỉ có riêng ở Việt Nam. Nhiều đô thị lớn trên thế giới cũng kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Điển hình gần nhất là Bangkok (Thái Lan) hay Singapore. Cái khác là những quốc gia này đã quy hoạch bài bản từng khu vực riêng biệt và tổ chức không gian vỉa hè hài hòa với cảnh quan đô thị để đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút khách du lịch nhưng vẫn đảm bảo công năng sử dụng chính của nó.
Thái Lan ban hành nguyên tắc quản lý và sử dụng vỉa hè rất linh hoạt: kiên quyết tháo dỡ phần cơi nới lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè phải chừa ít nhất là một lối đi đủ rộng cho hai người tránh nhau. Tùy theo vỉa hè mà chỉ cho phép buôn bán vào ban đêm từ 18h30 đến 5h hôm sau. Người dân mưu sinh trên vỉa hè được quy hoạch vào một khu vực và đóng thuế để làm sạch và bảo trì đường phố với mức khoảng 300 baht/tháng/m2 (200.000 đồng).
Tương tự, ở Singapore, vỉa hè được thiết kế thành hành lang di chuyển an toàn cho người đi bộ, cấm đỗ xe ở vỉa hè hoặc bên đường. Các trung tâm ẩm thực luôn đặt ra những quy định nghiêm ngặt và những người bán hàng phải tuân thủ. Lòng đường hoàn toàn thoáng đãng, đáp ứng đủ cho các phương tiện lưu thông. Tại một số tuyến phố được quy định là phố du lịch có quy hoạch dành riêng cho người đi bộ. Các hàng quán không được phép buôn bán hay để cho thực khách ngồi ở vỉa hè.
Tại Úc, chính phủ quy định chiều rộng vỉa hè để trưng bày hàng hóa hay bàn ăn/uống tối thiểu là 1m, còn lại ít nhất 1,5m dành cho người đi bộ. Nhờ đó, không gian vỉa hè được sử dụng đa dạng với nhiều hoạt động khác nhau, vẫn đảm bảo gọn gàng, ngăn nắp và đúng luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận