20/06/2006 21:32 GMT+7

Họa sĩ Phạm Lực: "Tôi muốn vẽ vì một lý tưởng nhân đạo"

Theo Nhân dân
Theo Nhân dân

Tại buổi khai trương bữa ăn trưa miễn phí cho người bệnh nghèo tại Bệnh viện Xanh Pôn và tặng quà cho các cháu bị nhiễm chất độc da cam vào đầu tháng 5 vừa qua, có một người lông mày rậm vắt trên đôi mắt sâu, thoáng ngơ ngác lại thoáng thiết tha, đằm thắm khi nhìn vào các cháu mang trên mình những thương tật.

qF2VGgFg.jpgPhóng to

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà 175 Nghi Tàm, Hà Nội, cả ba tầng chất đầy tranh, họa sĩ Phạm Lực cho biết: Ông sinh ra ở Huế, nhưng ba tuổi lại về sống ở quê ngoại: làng Tiên Ðiền, Hà Tĩnh (mẹ ông là chắt ruột của đại thi hào Nguyễn Du).

Ông đến với hội họa rất sớm. "Bút vẽ" của ông lúc đó là những mẩu than, viên gạch vụn, que tre và vẽ lên bất kỳ chỗ nào có thể vẽ được, nhiều khi bị đánh đòn vì vẽ lên cả tường nhà hàng xóm. Thế rồi cậu bé Phạm Lực nảy "sáng kiến" chọn bờ cát dọc sông Lam làm trang giấy vẽ cho mình. Tại đây cậu thả sức vẽ, không gian bao la, cái gì đập vào mắt Lực là cậu vẽ, dần dần những tác phẩm của cậu cũng lớn lên theo năm tháng và cảnh làng quê nghèo, con đò, bờ sông, cảnh người mẹ tần tảo... được Phạm Lực thể hiện khá thành công.

Tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật Hà Nội năm 1963, ngay năm sau Phạm Lực khoác ba-lô nhập ngũ. 35 năm trong quân đội, ông đã sống một cuộc đời nghệ sĩ - chiến sĩ, rong ruổi khắp các vùng đất, các chiến trường. Năm 1977, ông tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật. Tình yêu nghệ thuật khiến ông say vẽ đến quên ăn, quên ngủ. Với đủ các chất liệu: sơn dầu, sơn mài, thuốc nước, tranh lụa, khắc gỗ...

Ðến nay Phạm Lực không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh, triển lãm bao nhiêu cuộc trong và ngoài nước. Tranh của ông đã có mặt ở Pháp, Mỹ, Ðức, Nga, Italy, Nhật Bản... Nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng lớn, trong đó giải thưởng mà ông tâm đắc nhất là về đề tài Chiến tranh cách mạng và người lính của Bộ Quốc phòng.

Phạm Lực tâm niệm: Tranh phải đi vào cuộc sống, phải phục vụ rộng rãi người Việt Nam, vẽ tranh không phải là xuất khẩu mà để quảng bá, đưa nghệ thuật hội họa đến mọi người, từ đó nâng cao trình độ, thị hiếu thẩm mỹ của người xem. Bởi thế ông luôn hăm hở truyền nghề miễn phí cho những người yêu hội họa, nhất là các đối tượng thương binh, người tàn tật, học sinh nghèo, kể cả người nước ngoài.

Ông kể: Ông rất dễ xúc động trước những đau khổ của các gia đình nghèo khó, của các cháu côi cút, tàn tật. Ông không chỉ chọn những nhân vật ấy làm đề tài cho mình vẽ, mà mỗi khi bán được tranh ông còn rất muốn được góp phần cải thiện đời sống cho họ. "Họ đã mang lại cho tôi cuộc sống, tôi phải biết ơn họ. Tôi muốn vẽ vì một lý tưởng nhân đạo".

Họa sĩ Phạm Lực suy nghĩ và làm được như thế. Ông đã dành một phần thu nhập của việc bán tranh để làm từ thiện. Năm 2005 ông đã tặng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hai bức tranh trị giá 14.000 USD. Năm trước tặng 60 bức tranh cho tổ chức "Ðồng bào" để xây dựng một căn nhà trị giá 70 triệu đồng.

Ông còn góp tranh ủng hộ các tổ chức từ thiện như: Bác sĩ không biên giới (phẫu thuật nụ cười), Tầm nhìn khác (mổ mắt), Trẻ em tàn tật. Rồi góp tiền xây ba cơ sở dạy nghề cho trẻ em tàn tật tỉnh Ninh Bình; tặng ba máy thu hình cho Trung tâm mồ côi huyện Bình Lục (Hà Nam), may 50 bộ quần áo cho trẻ em nghèo ở đây.

Từ tháng 4-2005 và từ tháng 5-2006, ông ký hợp đồng vô thời hạn với hai cơ sở dạy nghề của tỉnh Hà Nam và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, mỗi nơi góp một triệu đồng/tháng.

Ông nói: "Ðến nay tôi đã vẽ hàng nghìn bức tranh nhưng vẫn thấy chưa đủ, chưa bằng lòng với sự sáng tạo của mình. Tôi nghĩ phải vẽ được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, để đem đến cho cuộc đời nhiều niềm vui hơn"...

Theo Nhân dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên