14/04/2018 11:19 GMT+7

Hiệu ứng giả dược: liệu pháp tâm lý góp phần điều trị bệnh

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Cần xem chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho tất cả các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.

Hiệu ứng giả dược: liệu pháp tâm lý góp phần điều trị bệnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: vox.com

Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng lại có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc chữa bệnh, dùng chất đó và khỏi bệnh, đó là hiệu ứng placebo.

Hiệu ứng placebo

Có một phương thức điều trị không dùng thuốc dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định... để ổn định tâm lý. Nếu stress đã được chứng minh là làm giảm sức đề kháng thì ngược lại những biện pháp giúp ổn định tâm lý, sảng khoái về mặt tinh thần sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. 

Người ta ghi nhận các rối loạn liên quan đến triệu chứng cơ năng (như bệnh suy nhược thần kinh) rất dễ chữa khỏi bằng các biện pháp tác động đến yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, cần xem chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho tất cả các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.

Đối với ngành dược, các dược sĩ có thể tác động đến yếu tố tâm lý trong việc dùng thuốc. Ở nhà thuốc, khi tiếp xúc với người bệnh đến mua thuốc, lời hướng dẫn dùng thuốc tận tình của dược sĩ có thể khơi dậy niềm tin ở người bệnh vào tác dụng chữa bệnh của thuốc. 

Còn ở các công ty, xí nghiệp sản xuất dược phẩm, các dược sĩ không chỉ quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng thuốc mà còn chú ý hoàn thiện những chi tiết tác động đến tâm lý của người dùng thuốc.

Thuốc được chứa trong bao bì trình bày đẹp mắt, sáng sủa bao giờ cũng dễ tạo mối thiện cảm, làm người dùng thuốc có ấn tượng thuốc được sản xuất trong điều kiện tốt nhất. Dạng thuốc bào chế tiện sử dụng, bảo quản được lâu, được áp dụng kỹ thuật bào chế hiện đại sẽ có tính thuyết phục. 

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm và sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuốc. 

Vì sao như vậy? Bởi vì theo định nghĩa, thuốc là những chất có tác dụng thực sự dùng để điều trị, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh. "Có tác dụng" có nghĩa là thuốc có tác động vật chất vào cơ thể, sau khi được hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết để có hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán chứ không phải chỉ vì có sự tin tưởng nào đó mà khỏi bệnh. 

Khi nghiên cứu tác dụng của một thuốc mới để loại trừ yếu tố tâm lý, người ta sử dụng phương pháp mù đôi.

Trong phương pháp mù đôi, người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm ngẫu nhiên và giống nhau ở một số đặc điểm (tuổi tác, điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm lâm sàng, có khi là giới tính...). 

Một nhóm sẽ được điều trị bằng thuốc thật cần được thử nghiệm trong nghiên cứu, nhóm thứ hai được điều trị bằng placebo có hình dạng, kích cỡ, màu sắc, mùi vị giống y như thuốc thật. Thuốc mới được đánh giá là có tác dụng thực sự khi nhóm thứ nhất có tỷ lệ tính theo thống kê là khỏi bệnh trong khi nhóm thứ hai có tỷ lệ được xem là không khỏi bệnh. 

Gọi là mù đôi vì cả người bệnh lẫn bác sĩ chỉ định và theo dõi điều trị đều "mù", không biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo (vì người bệnh nhóm hai không được cho biết là dùng placebo, cứ đinh ninh là dùng thuốc thật).

Cần phải loại bỏ yếu tố tâm lý của cả bệnh nhân dùng thuốc và bác sĩ chỉ định thuốc thì việc nghiên cứu tác dụng của thuốc mới thật khách quan. 

Trước khi có phương pháp mù đôi, người ta dùng phương pháp mù đơn không loại yếu tố tâm lý của bác sĩ. Bác sĩ biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo. Chỉ cần nhận định của bác sĩ ảnh hưởng bởi tâm lý của chính ông ta có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu.

Giao tiếp tốt cũng là "liều thuốc vô giá" cho bệnh nhân

Trong lĩnh vực y học, các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, bệnh tật là do hệ thống miễn dịch (hệ thống bảo vệ) bị suy yếu trước các tác nhân gây bệnh. Khi bệnh tật xảy ra sẽ làm rối loạn chức năng của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. 

Như chúng ta đã biết, tất cả các hệ thống cơ quan trong cơ thể đều chịu sự chi phối của hệ thần kinh. Vì vậy, trấn an thần kinh là liệu pháp hết sức cần thiết trong điều trị bệnh.

Trong thực tế có rất nhiều bệnh nhân khi bị bệnh họ chỉ đến một bác sĩ nào đó để điều trị và chỉ có bác sĩ đó mới điều trị khỏi mặc dù đơn thuốc của bác sĩ này hoàn toàn không khác đơn thuốc của bác sĩ kia. 

Điều này phần nào chứng minh được yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng trong điều trị. Bởi khi người bệnh tin tưởng, họ sẽ phối hợp nhịp nhàng với thầy thuốc trong quá trình trị liệu và có lẽ với tâm trạng thoải mái, hệ thống bảo vệ của cơ thể được thức tỉnh và phát huy tác dụng. 

Các chất giảm đau, các hóa chất trung gian hướng thần kinh được tiết ra kích thích các hệ cơ quan tăng cường hoạt động góp phần đẩy lùi tác nhân gây bệnh.

Từ những đặc điểm tâm sinh lý của người bệnh, khi tiếp xúc với bệnh nhân, người thầy thuốc phải có cách giao tiếp tốt để cho người bệnh mau chóng lành bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần hết sức nhẹ nhàng, cởi mở, phải thực sự cảm thông sâu sắc với bệnh nhân, xem đau đớn của người bệnh cũng như đau đớn của mình để chia sẻ nỗi đau đó. 

Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, không được dùng các từ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho bệnh nhân như: "Bệnh của ông, bà quá nặng", "Sao vào viện muộn vậy, sao giờ mới tới bệnh viện", "Chỉ có trời mới cứu được"... vì những lời nói này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý bệnh nhân.

Chính thái độ, sự tận tâm, tinh thần phục vụ hết mình của người thầy thuốc là liều thuốc vô giá để điều trị bệnh nhân.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên