06/11/2016 10:00 GMT+7

HANIFF 2016: Dành nhiều cổ vũ cho người trẻ làm phim

MINH TRANG - ĐỨC TRIẾT
MINH TRANG - ĐỨC TRIẾT

TTO - Không chỉ có khán giả được mãn nguyện với các tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh thế giới, mà những người trẻ theo đuổi điện ảnh cũng được “hưởng lợi” rất nhiều từ HANIFF 2016.

Các gương mặt trẻ được kỳ vọng tại buổi trao giải trại sáng tác trẻ và chợ dự án của HANIFF 2016 - Ảnh: NAM TRẦN
Các gương mặt trẻ được kỳ vọng tại buổi trao giải trại sáng tác trẻ và chợ dự án của HANIFF 2016 - Ảnh: NAM TRẦN

Họ đã được “vẫy vùng” thỏa thích, tiếp tục vun đắp ước mơ của mình qua những ngày tham gia trại sáng tác, chợ dự án của HANIFF đầy cạnh tranh, sôi động.

Cơ hội đến từ “va chạm”

Lần thứ hai được “mở”, chợ dự án năm nay mở rộng phạm vi đầu tư, không chỉ dành cho phim dài mà còn tạo cơ hội cho các nhà làm phim ngắn, phim tài liệu và cùng nhiều dự án xuyên quốc gia.

Hơn 10 dự án phim Việt và 6 dự án phim quốc tế đã được gửi về chợ - một con số khá ấn tượng so với chợ dự án có phần... eo sèo năm trước. “Không có một sự ưu ái nào dành cho các dự án nội địa cả. Bởi đây đã năm thứ tư HANIFF diễn ra, các nhà làm phim trẻ quốc tế cũng đã biết đến chợ và các bạn phải chấp nhận sự cạnh tranh này” - đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, một trong những giám khảo của chợ dự án, chia sẻ.

Buổi thuyết trình dự án phim vì thế đã là một buổi “chào hàng” đầy cảm hứng, thậm chí... nghẹt thở! Nữ đạo diễn người Singapore Marrie Lee đem đến một câu chuyện kịch tính và hấp dẫn mang tên Bảy viên đạn (7 bullets).

Trong khi đó, nhà sản xuất Aiess Alonso của Myanmar thuyết phục các nhà đầu tư bằng One summer day - một dự án đầy khả thi với tổng số tiền đầu tư chỉ gần 224.000 USD. “Đây là lần thứ ba tôi đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội cho những bộ phim của mình. Tham gia một chợ dự án mà các đối thủ đều mạnh như ở HANIFF năm nay thực sự là một điều phấn khích” - Aiess Alonso giải thích.

Còn đạo diễn Jonathan Foo - giám khảo của chợ dự án - đánh giá: “Một phim đơn giản nhưng khắc họa được đầy đủ bối cảnh chính trị phức tạp và số phận của những con người trong hoàn cảnh ấy”.

“Đường đua” càng trở nên kịch tính hơn khi một trong những đại diện của Việt Nam, Phạm Ngọc Lân (nhà làm phim trẻ tạo được tiếng vang tại LHP Berlin, LHP ngắn Uppsala với Thành phố khác) mang đến dự án phim dài Cu li không bao giờ khóc gây được chú ý tại buổi giới thiệu.

Lân còn làm ngỡ ngàng khi mời mọi người cùng xem một đoạn giới thiệu ngắn mà nhóm sản xuất của anh đã chuẩn bị cho buổi “chào hàng” này. Hình ảnh bà M. thất thểu trở về Việt Nam, trên vai là con cu li - một trong hai thứ tài sản mà chồng bà để lại - cùng với tro cốt của ông đã thực sự để lại ấn tượng mạnh với người xem.

Sau buổi thuyết trình, Phạm Ngọc Lân chia sẻ: “Tính đa dạng, sự khác nhau trong những hướng đi của các nhà làm phim là điều tạo nên sức hấp dẫn của các chợ dự án, và của cả nền công nghiệp điện ảnh nói chung. Tôi không quá chú trọng vào giải thưởng vì dù có thắng ở HANIFF (giải nhất trị giá 5.000 USD), chúng tôi vẫn phải tiếp tục tìm rất nhiều nguồn tài trợ khác nữa để thực hiện dự án này. Nhưng đây là sự ủng hộ rất lớn về mặt tinh thần cho những người mới bắt đầu như tôi”.

Trước chợ dự án lần này, Lân đã đem Cu li không bao giờ khóc đến LHP quốc tế Busan 2016 và “chiến lợi phẩm” mang về với anh là những đầu mối rất quan trọng để bắt tay vào thực hiện các dự án phim.

Rõ ràng những bài học, sự “va chạm” không chỉ tạo hứng khởi cho những nhà làm phim trẻ, mà còn mang đến cho họ những cơ hội tiếp nối.

Biên kịch Nguyễn Mỹ Trang, học viên biên kịch xuất sắc nhất tại trại sáng tác 2014, quay trở lại HANIFF 2016 trong vai trò mới: nữ đạo diễn của dự án XXYY - một trong những dự án vào top 4 dự án Việt Nam ở chợ dự án lần này. Hai năm sau khi nhận giải thưởng tại HANIFF, Trang đã có một phim ngắn đầu tay và là nhà biên kịch đứng sau thành công của nhiều bộ phim thương mại.

“Thực tế chúng tôi không có quá nhiều sân chơi như thế này, thậm chí trại sáng tác và chợ dự án tại HANIFF cũng hai năm mới có một lần nên trở thành cơ hội hiếm hoi cho những người trẻ theo đuổi điện ảnh được cơ hội cọ xát, hiểu rõ mình là ai, và mình có thể làm được gì” - Trang chia sẻ.

Nhiều lời mời gọi cho người trẻ muốn làm phim

Không chỉ tổ chức ba lớp học (biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn) dành cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh như các mùa liên hoan trước, trại sáng tác HANIFF năm nay còn tổ chức hẳn một tọa đàm độc lập mang tên Việt Nam, cơ hội và thách thức đối với phim ngắn và phim dài trong bối cảnh toàn cầu.

Nghe tên thì có vẻ “to tát” nhưng thực ra đây là buổi gặp gỡ mở rộng giữa các đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất.... và các sinh viên đang theo học về điện ảnh để mách nhỏ và mời gọi những người trẻ...

Trước băn khoăn muôn thuở “tiền đâu?”, những chuyên gia quốc tế đều khích lệ rằng: Khó về tiền ư? Ở đâu mà chẳng thế, lĩnh vực nào mà chẳng vậy. Cốt là niềm đam mê của bạn đến đâu, có đủ sức thôi thúc bạn dấn bước. Mà đừng tham, hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ rồi hẵng đến việc lớn...

Đạo diễn tài năng của Hàn Quốc Jo Sung Hee có một mở ngoặc là “phải tạo sự khác biệt thì mới có thể vào “mắt xanh” nhà sản xuất. Lúc đó không còn phải lo chuyện tiền nữa mà chỉ lo làm thôi...”.

Bà Maika Mie - chuyên gia tuyển chọn cho hạng mục Phim ngắn của LHP Berlin, giám khảo của nhiều LHP quốc tế - gợi ý: “Không nhất thiết phải là máy xịn mà chỉ cần một chiếc điện thoại di động cũng có thể làm thành một bộ phim. Nhưng, khi xem người ta phải à lên: đây là câu chuyện của Việt Nam - điều chúng tôi luôn tìm kiếm. Thế nên dù là phim ngắn hay cực ngắn, các bạn cần phát triển ngôn ngữ riêng trong mọi thứ giống nhau, biết kể câu chuyện trên truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước mình”.

Bằng sự “mở lòng” chân thành, nhà sản xuất Bebe Phạm mời gọi: “Trong điều kiện ở Việt Nam không có hệ thống studio, những trường đào tạo dẫn đường thì các em hãy mạnh dạn tìm đến các nhà sản xuất - như chúng tôi đây - để gửi đề cương, ý tưởng. Chúng tôi thực sự muốn tìm kiếm tài năng để cùng thực hiện mong muốn làm 3-4 phim mỗi năm”.

Đạo diễn người Nhật Hiroki Hayashi - người mang bộ phim Gia đình nở hoa đến tranh giải phim dài tại HANIFF lần này - cũng chia sẻ: bộ phim được thực hiện bởi một êkip “đặc biệt” phần lớn là những người trẻ.

“Tất nhiên cũng do kinh phí hạn hẹp nhưng có sao đâu khi chúng tôi vừa làm phim vừa đào tạo và chỉ dẫn làm nghề cho những người trẻ. Họ được gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau. Dù bộ phim làm có lâu hơn dự kiến một chút, nhưng với tôi một bộ phim không chỉ làm ra để xem mà còn để xây dựng tương lai, kết nối với những thế hệ sau” - đạo diễn Hiroki Hayashi nói.

HANIFF ngày càng uy tín, hấp dẫn

Cả tuần qua (từ ngày 1 đến 5-11), Hà Nội trở thành tâm điểm được nhiều người quan tâm khi sự kiện văn hóa HANIFF diễn ra. Với gần 1/2 kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa, liên hoan đã có hàng loạt hoạt động sôi nổi như thảm đỏ, chiếu phim - trình diễn thời trang ngoài trời, trại sáng tác, chợ dự án, tọa đàm, ra mắt, giao lưu các đoàn làm phim... và hoạt động quan trọng nhất là chiếu phim (146 phim chọn lọc từ hơn 500 phim của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn - thành viên ban giám khảo phim truyện dự thi - chia sẻ: “Rất dễ nhận thấy cái “gu” của HANIFF trong những nỗ lực tìm kiếm các tác phẩm điện ảnh vừa đạt tính nghệ thuật cao vừa kể được những câu chuyện độc đáo về mỗi vùng đất, mỗi con người trong sự đa dạng của thế giới. 12 phim dài dự thi là 12 câu chuyện như thế. Đấy là hướng đi đúng và chắc chắn sẽ thành công”.

Việt Nam tham gia Quỹ Film ASEAN

Một tin vui đối với điện ảnh Việt Nam mới được bà Ngô Phương Lan - cục trưởng Cục Điện ảnh, giám đốc HANIFF - tiết lộ là Bộ VH-TT&DL vừa có quyết định chấp nhận Cục Điện ảnh là thành viên Quỹ Film ASEAN.

“Năm tới, Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động của quỹ để quảng bá điện ảnh Việt Nam tại các LHP và chợ phim lớn như Cannes, Berlin, Hong Kong, chợ phim Mỹ AFM... hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” - bà Lan cho biết.

Trúng số, “Taxi”, “Hoa vàng” cùng có giải

Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL trao giải thưởng lớn cho phim Hồi ức của điện ảnh Canada - Ảnh: NAM TRẦN

Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 đã diễn ra tối 5-11 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội với giải thưởng quan trọng nhất thuộc về điện ảnh Canada.

Phim Hồi ức của đạo diễn Atom Egoyan (Canada) đoạt giải Phim dài xuất sắc nhất và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên từng đoạt giải Oscar Christopher Plummer.

Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho nữ diễn viên Hasmine Kilip với vai diễn trong phim Gia đình của Philippines. Đây cũng là phim mang về giải Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất cho đạo diễn Eduardo Roy Jr.

Điện ảnh Hàn Quốc đã được xướng tên ở giải thưởng Ban giám khảo dành cho phim dài với bộ phim Ngày tươi đẹp của đạo diễn Choi Jeong-yeol.

Giải Phim dài dự thi hay nhất do khán giả bình chọn là giải thưởng mới xuất hiện lần đầu tiên tại HANIFF năm nay, cho thấy sự quan tâm của ban tổ chức đến sự đánh giá của khán giả. Năm nay giải thưởng này đã thuộc về phim Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn. Trong khi đó, giải Phim dài Việt Nam hay nhất do khán giả bình chọn thuộc về Taxi em tên gì? của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh và Đinh Tuấn Vũ.

Việt Nam còn được xướng tên với Biểu dương đặc biệt (Special Mention) của ban giám khảo dành cho bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ.

Về phim ngắn, giải thưởng Ban giám khảo dành cho phim ngắn xuất sắc thuộc về Trái tim của đất (Phần Lan). Phim Ba thay đổi của Ofelia (Mexico) đoạt giải Phim ngắn xuất sắc nhất. Giải thưởng Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất được trao cho Phạm Ngọc Lân - phim Thành phố khác.

M.TRANG

MINH TRANG - ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên