Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 9 - TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Còn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do chờ điều chỉnh vốn đầu tư nên đứng trước nguy cơ mất vốn vay ODA theo các hiệp định vay đã ký trước đó.
Thiếu tiền, chậm tiến độ
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), từ tháng 9-2016 đến hết năm 2017, ngân sách trung ương cấp vốn cho dự án không đủ theo kế hoạch thi công. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Kế hoạch - đầu tư không cấp vốn cho dự án do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Trước tình hình thiếu vốn (dẫn đến nguy cơ nhà thầu dừng thi công vì chậm trả tiền), UBND TP.HCM đã tạm ứng vốn từ tháng 9-2016 đến nay cho dự án là 3.273 tỉ đồng để trả cho các đơn vị thi công.
Robot TBM đang đào hầm tại nhà ga Ba Son - Video: QUANG ĐỊNH
Mới đây, trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: dự án cần bổ sung 20.500 tỉ đồng.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, thực hiện dự án từ năm 2008) mới giải ngân vốn vay ODA 1.463,2 tỉ đồng, chiếm khoảng 5,6% tổng mức đầu tư 26.166 tỉ đồng (đang đề xuất điều chỉnh lên 47.891 tỉ đồng).
Có thể nói việc triển khai dự án tuyến metro số 2 quá chậm. Năm 2010, Chính phủ VN ký hiệp định vay với Ngân hàng Đầu tư châu Âu, vay 150 triệu euro. Năm 2011 hai lần ký hiệp định vay với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổng cộng vay 540 triệu USD. Cũng năm 2011, Chính phủ VN hai lần ký hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức 240 triệu euro.
Công nhân đang thi công nhà ga Ba Son của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nguy cơ không được cho vay
Theo các ký kết này, các nhà tài trợ sẽ đóng các khoản vay vào năm 2017 và năm 2018, các cam kết đến thời điểm này sẽ hết hiệu lực. Đứng trước nguy cơ TP sẽ mất nguồn vốn vay từ các nhà tài trợ, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng xin gia hạn thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 2.
Giữa năm 2017, Chính phủ ban hành quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án vay vốn ADB, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết Đức đến ngày 13-2-2020.
Dù vậy, ngày 5-11-2018, trong tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án tuyến metro số 2, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết các khoản vay với ADB được tài trợ theo phương thức tài trợ đa ngạch (MFF) có hiệu lực tối đa là 10 năm kể từ ngày phê duyệt.
Do đó, khoản vay MFF sẽ có hiệu lực tối đa đến ngày 13-12-2020. ADB đã nhiều lần đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn hiệu lực các khoản vay đến ngày 13-12-2020 và Bộ Tài chính cũng ghi nhận vấn đề này.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng đã có ý kiến chính thức đến Bộ Tài chính về việc chỉ có thể xem xét gia hạn khoản vay đến tháng 8-2020. Riêng Ngân hàng Tái thiết Đức cũng đồng thuận gia hạn đến năm 2020, nhưng có thể xem xét gia hạn tiếp tùy vào tình hình thực tế của dự án.
Hầm metro chuẩn bị thông tuyến đầu tiên - Video: TTO
Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết xét tình hình thực tế, đang chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư với thời gian hoàn thành đến năm 2024. Các nhà tài trợ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, UBND TP cũng đã nhiều lần trao đổi về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án và gia hạn các hiệp định vay.
Tuy nhiên, việc đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2024 trước khi hoàn tất công tác điều chỉnh dự án là chưa đủ cơ sở. Đồng thời các nhà tài trợ cũng không đồng thuận gia hạn các hiệp định vay đến năm 2024.
Cũng trong công văn khẩn này, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết mốc thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 2 là năm 2017-2018 tổ chức đấu thầu các gói thầu. Song song đó trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Năm 2019 tiến hành khảo sát thiết kế kỹ thuật.
Năm 2020-2023 tổ chức thi công. Năm 2024 sẽ kiểm tra, hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến metro số 2.
Tạm ngưng hoặc hủy triển khai sẽ gây nhiều hệ lụy
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho rằng việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM là phù hợp yêu cầu phát triển và đáp ứng mục tiêu quy hoạch được duyệt; đáp ứng yêu cầu vận tải ngày càng tăng, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Do đó, việc sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án này, nhất là trong điều kiện các dự án đã được ký kết các hiệp định vay vốn ODA, các hợp đồng xây dựng với nhà thầu và đang triển khai thi công (như tuyến số 1), hoặc các gói thầu đang được tổ chức đấu thầu, công tác giải phóng mặt bằng đang thực hiện thu hồi trên toàn tuyến (như tuyến số 2) là rất cần thiết.
Việc tạm ngưng hoặc hủy triển khai các dự án này sẽ gây ra các hệ lụy như: hủy các hợp đồng đã ký, gói thầu đang đấu thầu do không đảm bảo các điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu xây dựng; giảm uy tín đối với các nhà tài trợ; tăng phí cam kết đối với các khoản vay chưa được giải ngân; ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của người dân (đặc biệt là các hộ dân bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất phục vụ dự án)...
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, có ý kiến thống nhất về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị số 1 và số 2 của TP.HCM làm cơ sở để Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận