22/04/2019 19:08 GMT+7

Hai nửa thế giới: Hé lộ góc khuất cộng đồng người Việt tại Mỹ

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Phim tài liệu VTV đặc biệt 'Hai nửa thế giới' đã chạm đến khoảng tối và những câu chuyện ít được biết tới của cộng đồng người Việt tại Mỹ…

VTV đặc biệt tháng tư 'Hai nửa thế giới' phát sóng 20h10 ngày 24-4 trên kênh VTV1 - Video: VTV

Đề tài chiến tranh chưa bao giờ cũ. Mỗi người có một góc nhìn về cuộc chiến: là sự ám ảnh, là sự hối lỗi, là sự hận thù, là chiến thắng hay thất bại... Từ những chia sẻ, tôi hiểu và trân quý giá trị của hòa bình. Tôi kể chuyện với góc nhìn của thế hệ hậu chiến. Ở đó có sự hàn gắn, có con người và có cái tình.

Nhà báo Trần Thu Hà - tác giả Hai nửa thế giới

Năm 5 tuổi, giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde cùng gia đình di cư sang Mỹ (năm 1975). Suốt tuổi ấu thơ sống trong sự kì thị chủng tộc, lớn lên Kiều Linh quyết tâm tìm hiểu về nguồn gốc Việt của mình.

Chị nhận thấy cộng đồng người Việt tại Mỹ có rất ít thông tin. Thế hệ người Việt thứ hai sinh ra ở Mỹ gần như không biết đến nguồn cội Việt Nam của mình. Bản thân thế hệ trước di cư đến Mỹ cũng có nhiều nghi ngại về cố hương.

Hai nửa thế giới: Hé lộ góc khuất cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh 3.

Êkip Hai nửa thế giới ghi hình giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde tại Trường đại học UC Davis, bang California (Hoa Kỳ) - Ảnh: VTV

Khi Kiều Linh bày tỏ ý định về Việt Nam, nhiều người ngăn cản vì cho rằng về Việt Nam chị sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng chị vẫn quyết về. Càng tìm hiểu, Kiều Linh không chỉ hiểu thêm về nguồn cội của mình mà còn nhận ra rất nhiều vấn đề tồn tại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Ngoài Kiều Linh, bộ phim tài liệu Hai nửa thế giới còn tiếp cận được những nhân vật đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Trọng Đức, từng du học Mỹ trước năm 1975, sau đó ở lại Mỹ, phấn đấu trở thành một người có địa vị trong xã hội.

Hai nửa thế giới: Hé lộ góc khuất cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trọng Đức tại TP.HCM - Ảnh: VTV

Đã có một thời gian ông Đức tham gia các đảng phái của người Việt ở Mỹ, biểu tình chống đối Nhà nước Việt Nam. Sau nhiều lần quay trở lại Việt Nam, ông mới thấy sự vô nghĩa của những gì từng theo đuổi.

Ông đã từ bỏ con đường đã làm ông mất đi cả một tuổi trẻ, tập trung làm kinh tế tại Mỹ với mong muốn quay trở lại làm cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Hoàng Duy Hùng - nguyên chủ tịch cộng đồng người Việt tại Houston (bang Texas) cũng từng chọn hình thức chống đối Chính phủ Việt Nam bằng việc khủng bố.

Nhưng chính ông Hùng cũng tự đặt câu hỏi vì sao mình làm công việc này? Cách làm này có thay đổi được gì hay không, hay làm liên lụy đến nhiều người khác?

Đó là những năm 1990, khi Việt Nam và Mỹ đang nỗ lực bình thường quan hệ. Ông Hùng đã thay đổi vào phút chót và quyết định trở về Mỹ.

Những năm sau này trở thành nghị viên thành phố Houston, tiểu bang Texas, ông Hùng có cơ hội trở lại Việt Nam, trực tiếp quan sát những đổi thay và sự phát triển của Việt Nam. Trở về Mỹ, ông Hùng đã thay đổi quan điểm và nỗ lực đóng góp cho đất nước bằng con đường hòa bình thay vì chống đối cực đoan.

Hai nửa thế giới: Hé lộ góc khuất cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh 5.

Nhóm làm phim đã chọn phương thức làm phim không lời bình và tôn trọng những suy nghĩ, chia sẻ của nhân vật - Ảnh: VTV

Nhà báo Trần Thu Hà, người lên ý tưởng kịch bản, đã đi đi về về giữa Hai nửa thế giới cho biết quá trình làm phim không khác gì một "cuộc đuổi bắt", bởi không dễ gì tiếp cận được với những nhân vật như thế.

Từ năm 2015, khi làm phim tài liệu VTV đặc biệt Kỷ vật chiến tranh: Hành trình trở về, nhà báo Trần Thu Hà cùng đồng nghiệp của mình đã ấp ủ làm Hai nửa thế giới.

Hai nửa thế giới: Hé lộ góc khuất cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh 6.

Từ trái qua: BTV Lê Minh, BTV Thu Hà và quay phim Trọng Đức tác nghiệp tại Mỹ - Ảnh: VTV

"14 năm làm về đối ngoại, tôi gặp rất nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ, nghe nhiều câu chuyện của họ và nhận thấy có rất nhiều khía cạnh về đời sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà không phải ai cũng biết.

Có những vấn đề rất cần đề cập tới, nhưng khó có thể tiếp cận với nhân vật. Dẫu vậy, tôi vẫn ấp ủ ý định làm bộ phim về đề tài này. Không từ bỏ, suốt nhiều năm, tôi vẫn tự tìm đọc nhiều tài liệu và khi có cơ hội, chúng tôi sẽ làm phim.

Đến tháng 3-2018, tôi có dịp quay trở lại Mỹ. Trong chuyến đi này, tôi đã kết hợp với cơ quan thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Mỹ để ghi hình bộ phim. Đặc biệt, nhà báo Lê Minh, người đã giúp tôi rất nhiều trong việc kết nối với các nhân vật", nhà báo Thu Hà cho biết.

Ra mắt cuốn Mỹ thuật VN hiện đại: Chương riêng về họa sĩ Việt kiều Ra mắt cuốn Mỹ thuật VN hiện đại: Chương riêng về họa sĩ Việt kiều

Dày hơn 400 trang khổ lớn, cuốn Mỹ thuật Việt Nam hiện đại (MTVNHĐ) của Viện Mỹ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội ra mắt cuối tuần này tổng hợp khá đầy đủ về lịch sử Mỹ thuật Việt, từ những tiếp xúc ban đầu với văn hóa nghệ thuật phương Tây cho đến nay.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên