09/05/2016 12:10 GMT+7

Gửi đơn xin được làm bị cáo

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Điều ngược đời bởi đã được đình chỉ vụ án lại muốn phục hồi điều tra để xét xử đang được ông Hồ Thanh Hải khẩn thiết gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng.

Ông Hải đang trình bày về những uẩn ức ông phải chịu khi bị kết tội mà không có bản án của toà. 
Ảnh: Gia Minh
Ông Hải đang trình bày với Tuổi Trẻ những uẩn ức ông phải chịu 

Lý do để ông Hồ Thanh Hải - 63 tuổi, trú phường 22 quận Bình Thạnh, TP.HCM tha thiết đưa yêu cầu này bởi theo ông Hải, ông đã bị truy tố oan.

Đình chỉ vì hành vi không còn nguy hiểm

“Tôi khẩn thiết xin được làm bị cáo, ra trước vành móng ngựa để tòa xử xem tôi có tội hay không”. Ông Hải nói.

Dù thời gian bị bắt tạm giam đã trôi qua gần 10 năm, đến nay, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hải vẫn còn nguyên nỗi đau đớn, uất ức khi kể lại những ngày tháng bỗng dưng bị khởi tố, bắt tạm giam hơn 28 tháng.

Theo ông Hải, ông là quân nhân, từng tham gia chiến tranh và bị thương. Đến năm 1990 ông bắt đầu kinh doanh hải sản. Năm 1999 thành lập DNTN và Công ty TNHH chuyên kinh doanh lĩnh vực thuỷ, hải sản.

"Vậy mà bỗng dưng tôi bị khởi tố, bị bắt tạm giam trong hơn hai năm ròng. Giờ tôi lại phải mang danh người phạm tội, nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Kinh tế gia đình tôi đã suy kiệt, công nhân tứ tán khắp nơi, nhà xưởng bỏ hoang…”, ông Hải nói.

Ông Hải bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam vào ngày 29-7-2004. Sau khi điều tra, vụ án của ông được chuyển cho công an TP.HCM tiếp tục xử lý. Trong quá trình điều tra, ngày 11-12-2006, ông Hải được thay đổi biện pháp tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sau khi hoàn tất điều tra, Viện KSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố ông và nhiều bị can khác về các tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lưu hành giấy tờ có giá giả khác. 

Theo kết luận, từ tháng 12-1999 tới tháng 8-2001, để có hoá đơn chứng từ kê khai khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT, ông Hồ Thanh Hải đã chỉ đạo cho các nhân viên hợp thức chứng từ bằng cách ký hợp đồng mua hải sản tay ba với các đơn vị khác, từ đó lấy hoá đơn của các đơn vị này hợp thức hoá đầu vào cho số hải sản đã mua trôi nổi.

Trong các năm 2000 và 2001 doanh nghiệp của ông Hải đã ký các hợp đồng xuất khẩu hải sản và dùng các hóa đơn GTGT để hợp thức hóa chứng từ đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế tổng cộng gần 6,9 tỷ đồng. Cáo trạng xác định đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Hải.

Ngoài ra, cáo trạng còn xác định ông Hải đã ký nhiều hợp đồng mua bán hàng hoá giả để các doanh nghiệp xuất nhiều hoá đơn GTGT cho ông Hải nhằm hợp thức hoá số hải sản mua trôi nổi, bán nội địa và dùng các hoá đơn này để khấu trừ thuế, trốn thuế với số tiền gần 16 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định đây là hành vi trốn thuế.

Khi thụ lý hồ sơ do Viện KSND TP.HCM chuyển đến, TAND TP.HCM đã nhiều lần hoàn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Là người nắm khá rõ vụ việc, thẩm phán Vũ Phi Long - phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết tòa thụ lý hồ sơ và cáo trạng truy tố ông Hải lần đầu tiên vào tháng 5-2006.

Sau khi nghiên cứu, nhận thấy các bằng chứng được thu thập không thể kết tội ông Hồ Thanh Hải, do đó TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Từ đó đến tháng 9-2008, vụ án đã qua 4 lần trả hồ sơ và nhiều cuộc họp bàn đều có quan điểm cho rằng các chứng cứ buộc tội ông Hải không đủ căn cứ. Các giám định tư pháp về thuế cùng kết luận việc mua bán và xuất khẩu hải sản của ông Hải cho thấy nhà nước chưa bị thất thu về thuế GTGT.

Sau nhiều lần điều tra bổ sung, tháng 5-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra với ông Hải. 

Theo quyết định đình chỉ điều tra này, hành vi trốn thuế của Hồ Thanh Hải xảy ra từ năm 1999 tới 2001. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ án có vướng mắc về giám định tư pháp về thuế nên vụ án kéo dài hơn 10 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sử dụng hoá đơn chứng từ bất hợp pháp vào việc kê khai hoàn thuế GTGT của Hồ Thanh Hải xảy ra từ năm 2000 và 2001. Luật quản lý thuế có hiệu lực từ năm 2007, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung thì quy định về việc truy thu thuế do hoàn thuế sai có lợi hơn so với các quy định trước đây.

Do đó, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc kê khai hoàn thuế GTGT của Hồ Thanh Hải không còn nguy hiểm cho xã hội, vì vậy ông Hải được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo.

Chỉ mong được minh oan, không đòi bồi thường

Khi bị bắt, ông Hải cũng bị tịch thu số tiền 1,8 tỉ đồng, sau khi cơ quan đình chỉ điều tra, số tiền này đã chuyển sang cho cơ quan thuế.

Mặc dù kết luận giám định về thuế khẳng định nhà nước không bị thất thu về thuế từ hành vi của ông Hải, nhưng với quyết định đình chỉ điều tra bị can của cơ quan điều tra, thì ông Hải vẫn phải nộp lại số thuế đã chiếm đoạt.

“Tôi nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can, nhưng là miễn trách nhiệm hình sự, nghĩa là tôi vẫn là người có tội. Thực sự thì tôi không có tội. Do đó, tôi cần phải được các cơ quan tố tụng xác định lại hành vi không phạm tội. Nếu không, dù có làm người tự do thì tôi cũng vẫn có tội”.

Ngoài lý do trên, ông Hải cũng cho biết, đến nay, khi cơ quan điều tra xác định ông chiếm đoạt tiền thuế, nên doanh nghiệp của ông  vẫn bị coi là chiếm đoạt thuế và có nghĩa vụ phải trả.

“Tôi chỉ cần minh oan cho tôi, xác định tôi không có tội và trả lại tiền đã thu của tôi, tôi hứa không đòi bồi thường, không yêu cầu xin lỗi”, ông Hải nói.

Làm rõ trách nhiệm truy tố oan sai ông Hải

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Vân - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội (khóa 13) cho biết, trong nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của mình ông Vân đã nhận được đơn khiếu nại của ông Hải. 

Sau khi xem xét kỹ đơn và các bằng chứng đính kèm, ông Vân đã gửi công văn đến Viện trưởng Viện KSND Tối cao. 

Công văn gửi đến Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng việc bắt tạm giam ông Hồ Thanh Hải hơn 2 năm để điều tra về hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở. Các kết luận giám định của cơ quan thuế đã chứng minh điều này. 

Tại công văn này, ông Vân cũng đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao rút hồ sơ để nghiên cứu, làm rõ trách nhiệm của cá nhân tổ chức trong việc truy tố oan sai ông Hải, trả lại số tiền đã thu giữ và bồi thường trách nhiệm cho ông Hải theo quy định của pháp luật.

Quyết định đình chỉ nhiều lỗi, có hiệu lực?

Điều đáng nói là trong quyết định đình chỉ điều tra với ông Hải, thay vì nêu ông được miễn trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì quyết định lại ghi tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài dản”.

Lỗi thứ hai nghiêm trọng hơn là ngày sinh của ông Hải là 15-6-1953 nhưng trong quyết định lại ghi ông “sinh ngày 15 tháng 6 năm 1053”.

Theo ông Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa Hình sự TAND tối cao, đây là văn bản tố tụng liên quan thân phận pháp lý của một con người nhưng cả về tội danh và nhân thân của ông Hải cùng bị nhầm lẫn (lỗi đánh máy), nên cần phải được đính chính.

Ông Quế cho rằng có thể coi đây là lỗi nghiêm trọng, nếu cơ quan ban hành quyết định đó nhận sai thì thì văn bản có giá trị pháp lý, còn nếu cơ quan ban hành không nhận đó là lỗi sai thì không có giá trị pháp lý!

 

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên