14/07/2022 15:12 GMT+7

GS Duncan Haldane: 'Phải tận tụy theo đuổi ý tưởng đến cùng'

DUY THANH
DUY THANH

TTO - "Khi bạn đi trên một con đường bụi bặm, chân bạn đạp vào cát nhưng đôi khi trong đó lại có một viên kim cương. Việc của bạn là phải nhận ra đó là viên kim cương...".

GS Duncan Haldane: Phải tận tụy theo đuổi ý tưởng đến cùng - Ảnh 1.

GS Duncan Haldane trình bày bài giảng khoa học tại Trường đại học Quy Nhơn - Ảnh: LÂM THIÊN

Chiều 13-7, tại Trường ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), GS Duncan Haldane - giải thưởng Nobel vật lý năm 2016, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Princeton, Mỹ - có bài giảng khoa học đại chúng với chủ đề "Vật chất lượng tử Tôpô: vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai" cho trên 300 bạn trẻ là sinh viên, học sinh và một số thầy cô giáo.

GS Đàm Thanh Sơn - giải thưởng Dirac năm 2018, giảng dạy tại Trường ĐH Chicago, Mỹ - là người chuyển ngữ ra tiếng Việt cho bài giảng nêu trên. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ XVIII với chủ đề "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện" đang diễn ra tại TP Quy Nhơn, do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.

Tại buổi nói chuyện, GS Duncan Haldane nêu những phát hiện về lượng tử Tôpô đã giúp ông đoạt giải Nobel vật lý năm 2016 cùng việc xuất hiện những kết quả nghiên cứu khoa học mới đáng kinh ngạc trong vật lý lượng tử của thế giới đã tạo ra một cuộc cách mạng mới về lượng tử. Những kết quả nghiên cứu khoa học mới này có thể dẫn đến khả năng hình thành các kỹ thuật mới, như chế tạo được máy tính lượng tử...

Truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam, GS Duncan nói rằng nhiều người hỏi ông làm thế nào để được giải thưởng Nobel. Câu trả lời của ông là các bạn không cần là một thiên tài như Einstein, mà cái bạn cần nhất là gặp may trong việc tìm ra được cái gì đó mà không ai chờ đợi.

"Khi bạn đi trên một con đường bụi bặm, chân bạn đạp vào cát nhưng đôi khi trong đó lại có một viên kim cương. Việc của bạn là phải nhận ra đó là viên kim cương. Nếu các bạn không nhận ra thì sẽ có người tiếp theo nhặt được viên kim cương đó. Các bạn cần có sự chuẩn bị để nhận ra cái mình tìm ra, phải có sự tận tụy theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng. Khi tìm ra được ý tưởng mới, sẽ có những người chống lại ý tưởng đó, thì bạn cần đấu tranh để bảo vệ cho ý tưởng của mình" - GS Duncan nói.

Ông cũng nói rằng trong nghiên cứu khoa học luôn có những tranh cãi, tranh luận giữa những người làm lý thuyết với nhau và sau đó được giải quyết bằng thực nghiệm. "Thường là sự đấu tranh giữa các tư tưởng khác nhau luôn dẫn đến chân lý, đó là động lực để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học. Trường hợp của tôi đã dẫn đến những kỹ thuật mới kể cả trong lý thuyết và thực nghiệm" - GS Duncan cho biết.

Sau bài giảng, GS Duncan còn trả lời một số câu hỏi của học sinh, sinh viên, giảng viên về những lợi ích mà vật lý lượng tử mang lại cho nhân loại, khả năng ứng dụng vật lý lượng tử vào thực tiễn cuộc sống, giảng dạy vật lý lượng tử trong trường đại học...

GS Nobel vật lý 2016: ‘Làm khoa học, phải biết nhận ra viên kim cương trong cát bụi’ GS Nobel vật lý 2016: ‘Làm khoa học, phải biết nhận ra viên kim cương trong cát bụi’

TTO - GS Duncan Haldane - giải thưởng Nobel vật lý năm 2016, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Princeton, Mỹ - có bài giảng khoa học đại chúng và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên