11/04/2015 15:27 GMT+7

Giúp con chơi Internet an toàn

ĐINH THANH PHƯƠNG
ĐINH THANH PHƯƠNG

TTO - Với sự bùng nổ của thiết bị điện tử cá nhân (smartphone, iPad, tablet…), cha mẹ thường cho con tự do với Internet để đổi lấy sự yên tĩnh và rảnh rang cho chính mình.

Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi nhiều trò chơi trên iPad - Ảnh: Châu Anh

Không khó để thấy hình ảnh trẻ đi ăn tiệc cùng bố mẹ, sau khi ăn xong mỗi bé cầm một cái iPhone hoặc iPad và cắm cúi chơi game, lên Facebook.

Không khó để thấy hình ảnh buổi tối về nhà, mỗi thành viên trong gia đình ôm một thiết bị điện tử và cha mẹ say mê với Facebook, đọc báo và con cũng say sưa với game, Facebook…

Việc để trẻ tự do quyết định mình xem gì, chơi gì trên Internet và thiếu sự giám sát của cha mẹ về thời lượng chơi dễ dàng dẫn đến tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội.

Trẻ nghiện game luôn trong trạng thái lờ đờ vì bị các nhân vật, tình huống trong game ám ảnh, trẻ nghiện Facebook luôn háo hức check in, chụp ảnh đăng lên tài khoản của mình, chờ đợi đếm lượt người like, trả lời bình luận của người khác ngay lập tức, vui buồn theo từng lời bình luận, khao khát được khen ngợi, tung hô trên mạng ảo, xa rời cuộc sống với các hoạt động hiện thực như chơi thể thao, chơi đùa, chuyện trò với bạn bè và gia đình.

Cha mẹ cần định hướng, giám sát con cái

Chị L, có con học cấp II mê mẩn vì game online, sau khi tự tìm ra giải pháp giúp con thoát khỏi mê cung máy tính đã đúc kết như sau: để có thể giúp con khai thác được tốt tài nguyên sẵn có trên Internet và bảo đảm an toàn cho con khi tham dự đời sống ảo, cha mẹ nên có cái nhìn đúng đắn về các thiết bị điện tử cũng như vai trò định hướng, hướng dẫn, giám sát của mình đối với con.

Chị nói chuyện với con về vai trò của thiết bị điện tử (phương tiện sử dụng phổ biến với ba mục đích chính: trang bị kiến thức, rèn kỹ năng và giải trí), về thời lượng sử dụng hợp lý (không quá 30 phút mỗi lần sử dụng để bảo vệ thị lực và độ tỉnh táo của não bộ) và điều kiện để được phép sử dụng thiết bị là sau khi con hoàn thành hết tất cả nhiệm vụ bắt buộc (làm bài tập về nhà, học bài, chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, tập đàn, giúp việc nhà).

Đồng thời, chị và chồng chị rà soát các chương trình, ứng dụng đã cài vào máy, thậm chí anh còn chơi thử để xem trò chơi đó có phù hợp với độ tuổi của con mình.  Anh chị quy định luôn con chỉ được phép chơi khi có mặt ba mẹ bên cạnh và ba mẹ được quyền người ngồi gần con để có thể biết con xem gì, chơi gì, chơi với ai… trên thiết bị.

Điều này thật sự rất cần thiết vì ngay cả kênh thông tin phong phú như YouTube cũng không thiếu những hình ảnh, clip, phim không phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ bên cạnh kho kiến thức khổng lồ YouTube cung cấp.  

Các trang con hay truy cập, anh chị đều biết và thường xuyên truy cập cùng con để có thể chia sẻ và thảo luận với con về đề tài vừa tham khảo.

Nhiều gia đình coi việc trẻ có tài khoản mạng xã hội (Zingme, Facebook…) từ sớm là cơ hội cho con mình tiếp xúc sớm với cộng đồng mạng, điều này không hẳn đã đúng. Nhà cung cấp dịch vụ quy định độ tuổi được phép tham gia mạng xã hội vì họ lo ngại khi chưa đủ tuổi, trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt được đúng sai, thật giả trên mạng ảo và có thể gặp những hậu quả không lường được từ việc tham gia cộng đồng mạng.

Anh K., kỹ sư tin học, cho biết dù các bạn cùng lớp có tài khoản Facebook từ lớp 5, nhưng con anh chỉ được phép tạo tài khoản khi cháu tròn 14 tuổi theo đúng quy định của Facebook. Khi giúp con tạo tài khoản, anh hướng dẫn con những thông tin nào được phép đăng tải, những thông tin nào về nhân thân hoặc gia đình con cần giữ kín, mật khẩu không được chia sẻ với bất kỳ ai khác ngoài bố mẹ, phạm vi người được phép xem những gì con viết, những hình ảnh con đăng tải, những điều cần thận trọng khi đăng tải lên mạng xã hội, nhất là khi để ở chế độ công cộng, mọi người đều có thể xem bài viết cũng như hình ảnh của con, có thể lưu lại hoặc phát tán, những kiểu trạng thái nào, bình luận nào có thể gây hại cho chính con hoặc bạn bè thì phải hết sức cân nhắc khi đăng tải…

Anh chị kết bạn với con và một số bạn con hay chơi chung, một phần là để hiểu tâm tình, mối quan tâm của con mình và bạn bè của con, một phần để có cơ hội quan sát thế giới của con, bạn bè của con để có thể góp ý để con rút kinh nghiệm cũng như chia sẻ với các bạn về điều gì nên và không nên.

Bố mẹ phải làm gương cho con

Chị M., giảng viên đại học, lại cho rằng quan trọng nhất là bố mẹ phải làm gương cho con về việc sử dụng các thiết bị điện tử: giờ nào việc nấy, không sử dụng thiết bị điện tử trong giờ ăn, giờ sinh hoạt chung của cả gia đình, khi chia sẻ hình ảnh của con lên mạng xã hội phải cân nhắc và hỏi ý kiến xem con có đồng ý cho bố mẹ đăng lên hay không, giới hạn đối tượng có thể xem hình ảnh riêng tư, cá nhân hay các trạng thái của mình.

Trẻ nghiện game, nghiện cuộc sống ảo đa số do cảm thấy mình bơ vơ, cô đơn trong đời sống thật, không thấy mình là quan trọng và được cần đến bởi một ai đó thật ngoài đời. Vì vậy, bên cạnh việc định hướng, hướng dẫn và giám sát con chơi trên Internet, điều quan trọng nhất mà bố mẹ phải làm là giúp con cảm thấy mình bình yên và đủ đầy yêu thương trong gia đình. 

Vợ chồng chị C., nhân viên văn phòng, tâm sự: anh chị luôn dành khoảng thời gian nhất định trong ngày cho con, có hôm bận quá thì chỉ là 15 phút trước khi đi ngủ, nhưng thật sự là thời gian không thiết bị điện tử, không công việc, không lo toan, toàn tâm toàn ý lắng nghe con, nhìn vào mắt con, chia sẻ những câu chuyện trường lớp, bạn bè của con để con thấy mình là tất cả tình yêu thương của bố mẹ, để con được cảm thấy mọi thành viên trong gia đình đều gắn bó với nhau sau khi hoàn tất việc của mỗi người chứ không phải mỗi người gắn bó với thiết bị riêng của mình.

ĐINH THANH PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên