Phóng to |
Ngay một năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, tôi đăng ký học lấy bằng MPC (toán, lý, hóa) trước khi học lấy bằng cử nhân khoa học và thi vào Trường kỹ sư điện tử ở Đại học Bordeaux. Năm 1955 đầu tiên tôi thi hỏng, sau đó buộc phải nghỉ hè ba tháng trước khi học lại MPC. Thường thường trong ba tháng hè như thế, sinh viên VN ở Bordeaux đăng ký đi hái nho (vì vùng này nổi tiếng rượu vang đỏ) để dành tiền đi học vào năm tới cũng như để tiêu pha trong ba tháng hè. Còn tôi, bị khuyết tật một chân thì làm được gì. Chạy bàn trong các quán ăn chưa nổi, nói gì chuyện đi hái nho...
Cũng may, tôi quen được một vị linh mục Công giáo ở Fribourg, Thụy Sĩ. Ông chuyên kiếm những gia đình Thụy Sĩ tốt bụng chịu chấp nhận cho sinh viên nước ngoài du học ở châu Âu đến nghỉ hè miễn phí tại gia đình họ. Thế là tôi cũng được một chỗ ở và ăn uống miễn phí trong ba tháng hè tại một làng quê, tên Kussnacht am Rigi, gần thành phố du lịch Luzern, Thụy Sĩ.
Tôi được tiếp đón rất tử tế, có một căn phòng riêng. Đúng giờ sáng, trưa và chiều là tôi đến ăn cơm chung với cả gia đình. Sau đó họ để tôi tự do làm gì thì làm, họ rất ít tò mò. Hai ông bà gia đình này có đến bảy người con, ba trai bốn gái. Ông chồng làm nghề mổ heo, bò và chế biến thực phẩm như làm xúc xích đủ loại, hoặc giăm bông (jambon). Có hai cửa hàng bán thực phẩm, một nhà hàng nhỏ và hai tòa nhà cho thuê. Nghĩa là một gia đình giàu có kinh doanh ăn uống.
Sau một thời gian nghỉ hè tại nhà hai ông bà này, tôi mới bạo gan hỏi bà vợ thắc mắc của mình: “Hai ông bà giàu có như thế, sao không thấy ông bà cho con đi học đại học mà để mấy đứa nhỏ chọn những nghề như học làm đồ tể (cậu anh cả), học phụ bếp nhà hàng, đi bán hàng thực phẩm...?”. Bà trả lời không một chút phật lòng rằng ở Thụy Sĩ không có nghề nào là nghèo hèn, chỉ có những người hèn là không chịu đi kiếm việc khi có sức lực. Vì phần lớn dân Thụy Sĩ là dân Thiên Chúa giáo nên họ thực hành câu Kinh thánh: “Mi phải đổ mồ hôi trán để kiếm miếng ăn”, do đó họ cho mọi sức lao động chân tay hay trí óc, miễn là có đổ mồ hôi trán, đều bình đẳng, không có chuyện phân giai cấp sĩ nông công thương như bên ta.
Bà Dober, tên bà chủ nhà, bảo tôi rằng ở Thụy Sĩ, điều quan trọng là mỗi người phải làm đúng phận sự và nhiệm vụ của mình đối với nghề đã chọn. Ngoài ra, bà còn cho biết nghề gì cũng phải qua đào tạo, nghĩa là phải có văn bằng nghề và giấy phép hành nghề. Bà nói làm nghề đồ tể như chồng bà cũng phải đi học để có văn bằng. Mà trường dạy nghề ở Thụy Sĩ cũng rất độc đáo. Trường dạy phần lý thuyết buổi sáng, còn thực hành ở một cơ sở thuộc nghề đó vào buổi chiều.
Các cơ sở thương mại, kinh doanh, phục vụ... khi muốn mở cơ sở phải có giấy phép hành nghề, và phải ký một cam kết hằng năm chấp nhận tập sự một số lượng học viên nào đó. Nếu không chịu thi hành cam kết thì rút giấy phép kinh doanh. Rất đơn giản và không có chuyện cha truyền nghề cho con. Ông Dober phải cho thằng con trưởng qua học nghề đồ tể nơi một ông bạn đồ tể, và ông ta chấp nhận một đứa nào đó làm tập sự do ai đó gửi tới.
Cách cấp phép hành nghề ở Thụy Sĩ cũng rất đặc biệt. Ở ta, khi người nào đó mở cơ sở kinh doanh một nghề nào đó, chẳng hạn cửa hàng thịt chó. Thấy cửa hàng này ăn nên làm ra thì một người khác bắt chước mở cửa hàng cạnh bên với cái tên gì đó kèm theo chữ “truyền thống” chẳng hạn. Vài năm sau bạn thấy cả một loạt hàng bán thịt chó sát bên nhau với những quảng cáo xô bồ, hỗn loạn. Ta gọi là “buôn có bạn, bán có phường”.
Ở Thụy Sĩ không được như thế. Người ta chia khu phố lớn thành những block nhỏ bị cắt bởi 3, 4, 5 con đường. Trong mỗi block chỉ cho phép hành nghề một loại nào đó. Thí dụ, một tiệm ăn, một hàng bán thực phẩm, một tiệm thuốc tây... Và những tiệm cùng ngành nghề trong các block khác nhau phải cách xa bao nhiêu mét. Sở dĩ người ta đặt ra luật lệ như thế là vì muốn khi một cơ sở được phép hành nghề thì doanh thu của họ phải đủ nuôi sống họ và khấu hao được chi phí đầu tư ban đầu.
Cuối cùng, bà Dober cho tôi biết là ở Thụy Sĩ, một kỹ sư điều khiển mười chuyên viên, và một chuyên viên điều khiển mười thợ lành nghề. Cách biệt lương bổng không quá 20% giữa các cấp, nên nhiều gia đình nghèo bằng lòng mức lương bổng không khác nhau nhiều quá để đầu tư cho giáo dục con cái.
Bạn đọc chịu khó suy nghĩ thêm, so sánh chuyện người ta với chuyện mình.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tôi muốn con sau này đi chăn bòChăn bò có học chẳng tốt hơn sao?!Đại học không là con đường duy nhấtCho con đi chăn bò hay thi vào đại học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận