31/07/2007 07:20 GMT+7

"Giằng co" với dịch heo tai xanh

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Trong khi Quảng Nam, Đà Nẵng có vẻ đã khống chế được dịch heo tai xanh thì ở hai đầu - Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế dịch vẫn lan rộng. Cuộc chiến dập dịch vẫn đang ở thế “giằng co”.

4vHnEHw0.jpgPhóng to
Heo được kiểm dịch thì an toàn nhưng người dân vẫn... sợ (ảnh chụp tại Huế) - Ảnh: th.lộc
TT - Trong khi Quảng Nam, Đà Nẵng có vẻ đã khống chế được dịch heo tai xanh thì ở hai đầu - Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế dịch vẫn lan rộng. Cuộc chiến dập dịch vẫn đang ở thế “giằng co”.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ông Võ Văn Tám, tổ trưởng tổ phòng chống dịch tai xanh (Sở Thủy sản - nông lâm Đà Nẵng), cho hay trong hai ngày qua, trên địa bàn Đà Nẵng đã không phát sinh thêm ổ dịch nào mới. Hiện dịch tai xanh chỉ còn tại bốn phường, xã là Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Xuân và Hòa Thọ Tây.

Như vậy tính đến ngày 30-7, toàn TP đã tiêu hủy gần 100 con heo, hơn 431 con đã được điều trị khỏi bệnh. Cũng theo ông Tám, với tình hình khả quan như vậy, trong một vài ngày tới, các lò giết mổ heo trên địa bàn sẽ hoạt động trở lại.

Quảng Nam: đã khống chế được dịch bệnh

Từ 88 xã của 11 huyện có dịch với hơn 29.696 con heo mắc bệnh, nay Quảng Nam chỉ còn 20 xã của bốn huyện còn heo bệnh (Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên và Điện Bàn) với 2.119 con. Bà Lương Thị Thủy - chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Nam - cho biết hai ngày qua, trạm thú y các địa phương kiểm tra toàn bộ số heo còn bệnh và đã tiêu hủy những con không có khả năng điều trị khỏi, nên số heo còn bệnh đã giảm mạnh.

Việc cấm giết mổ, vận chuyển heo được thực hiện nghiêm nên tình hình dịch bệnh chững lại ngay. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã huy động toàn bộ lực lượng thú y cơ sở tiếp tục tiêm phòng ba loại văcxin (dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn) cho đàn heo khỏe mạnh ở những thôn, xã chưa có dịch.

Quảng Ngãi: khuyến khích ăn thịt heo đã qua kiểm dịch

Trước tình hình người dân lo sợ “tẩy chay” thịt heo, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang khuyến khích các bếp ăn tập thể và nhân dân trong tỉnh sử dụng thịt heo đã qua kiểm dịch. Tỉnh chỉ cấm mua bán và dùng sản phẩm thịt heo trong vùng xảy ra dịch, còn ngoài vùng dịch người dân vẫn có thể sử dụng thịt heo nếu rõ nguồn gốc và đã qua kiểm dịch.

Đến chiều 30-7, dịch heo tai xanh tiếp tục lan rộng tại huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa. Tại huyện Mộ Đức, dịch bệnh đã lan ra các xã Đức Tân, Đức Nhuận và Đức Hòa với tổng số 304 con heo của 116 hộ dân. Tại huyện Tư Nghĩa, dịch bệnh xuất hiện ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung đã lan ra xã Nghĩa Hòa với tổng gia súc mắc bệnh ở huyện này là 119 con của 22 hộ dân.

Thừa Thiên - Huế: dịch trong thành phố

Đó là ổ dịch vừa xuất hiện trên đàn heo 15 con của hai hộ dân tại phường Thuận Lộc, TP Huế. Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều qua 30-7 cho biết lực lượng thú y đã tiến hành tiêu hủy hết số heo mắc bệnh nói trên. Như vậy tại Thừa Thiên - Huế, số địa phương có dịch gồm năm xã, phường: Phú Mỹ (huyện Phú Vang); Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Phương (huyện Hương Thủy) và Thuận Lộc, TP Huế.

Trong khi đó tại TP Huế, phần đông các hàng quán đều chủ động ngừng mua thịt heo. Một chủ quán cơm trên đường An Dương Vương cho biết “sợ tiếp xúc với thịt”.

Trước tình hình trên, ngành y tế và thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về thực phẩm thịt heo thuộc diện an toàn khi đã qua kiểm dịch cũng như với heo không bị nhiễm bệnh. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết tại lò mổ Bãi Dâu - một lò mổ lớn của TP Huế - nhiều ngày qua chỉ mổ trên dưới 10 con heo, nhưng tối 29-7 lò mổ này đã mổ đến 60 con heo đã qua kiểm dịch.

ĐBSCL: không nhập heo từ miền Trung

Ông Đặng Châu Kỳ, trưởng trạm kiểm dịch động vật Cầu Bắc (phà Hậu Giang, Cần Thơ), cho biết các trạm kiểm dịch đã hạn chế và gần như từ chối hẳn lượng heo nhập về từ miền Trung vào thành phố Cần Thơ và các tỉnh. Ông Kỳ còn cho biết ngày 28-7 đã có trường hợp một xe tải chở 200 con heo loại 10 - 40kg đã qua kiểm dịch từ Bình Định về tỉnh Hậu Giang nhưng bị trạm kiểm dịch thú y Hậu Giang từ chối không cho nhập.

Sau đó chủ xe tải tiếp tục chuyển heo về tỉnh Sóc Trăng và trạm kiểm soát thú y tỉnh này cũng từ chối không cho nhập với lý do sợ phát tán mầm bệnh. Trạm kiểm dịch thú y Sóc Trăng đã áp tải xe về trạm kiểm dịch Cầu Bắc và từ đây chiếc xe tải chở heo được tải ngược về hướng TP.HCM.

Trong khi đó, theo kỹ sư Nguyễn Trọng Huyền, trưởng trạm thú y liên quận Ninh Kiều - Bình Thủy (Cần Thơ), số lượng thịt heo vào các chợ lớn như: Cái Khế, An Nghịêp... đã giảm dần, giá thịt heo đang có chiều hướng khựng lại 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Long An: đàn heo bệnh dương tính với PRRS

Chiều qua (30-7), ông Đinh Văn Thế, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết mẫu huyết thanh trên đàn heo 32 con của hộ ông Nguyễn Văn Ngôi (ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bị mắc bệnh chết vào ngày 20-7 do Cơ quan thú y vùng VI xét nghiệm. Kết quả cho dương tính với PRRS, đã bị nhiễm bệnh tai xanh.

Chi cục Thú y Long An đã khẩn cấp triển khai công tác phòng chống dịch đồng loạt trên toàn tỉnh. Trước mắt tỉnh Long An có chủ trương hỗ trợ mức 10.000 đồng/kg đối với heo bị bệnh tai xanh và heo nghi nhiễm bệnh đã tiêu hủy.

Được biết, tỉnh Long An hiện có đàn heo hơn 330.000 con, tập trung nhiều nhất ở huyện Bến Lức, Cần Đước và Châu Thành.

Nhanh chóng dập tắt dịch

* Thêm 2 người nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn nhập viện

(Hà Nội) - “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt, có ngay các biện pháp hiệu quả, nhanh chóng bao vây, dập tắt dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc...”. Hôm qua 30-7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng như trên.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống dịch tai xanh ở heo, văcxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng bệnh liên cầu lợn có khả năng lây lan sang người, Phó thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, sớm có kết luận khoa học công bố công khai để người dân chủ động phòng tránh.

* Hôm qua 30-7, Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia cho biết đã có thêm hai bệnh nhân nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn từ Hà Tây và Hà Nam nhập viện. Hiện tại viện này có tổng số sáu bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm liên cầu lợn, một người trong số đó (nhập viện từ 27-7) bệnh tiến triển nặng, suy đa phủ tạng và từ hôm qua suy hô hấp nặng, bắt đầu phải thở máy.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên