Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng tại Hải Dương khiến 8 người chết, 8 người bị thương - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ba ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ phản hồi về tai nạn giao thông ở Hải Dương.
Bạn đọc Trịnh Minh Giang: Siết khâu đào tạo
Theo thống kê, số người chết vì tai nạn giao thông năm 2018 thấp hơn những năm trước. Nhưng những vụ tai nạn gần đây có dấu hiệu phức tạp, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng diễn ra khá dày gần đây không chỉ là rủi ro, mà có đồng thời nhiều lỗi vi phạm...
Những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đúng vào thời điểm Chính phủ có chỉ đạo phải quyết liệt bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2019.
Nỗi âu lo lớn hơn khi tết cận kề, người về quê, xe chở hàng hóa nhiều, giao thông phức tạp hơn ở khắp các cung đường.
Cần những giải pháp kiểm soát tình hình giao thông, đặc biệt là những "điểm đen" hoặc có nguy cơ trở thành "điểm đen".
Cần phân luồng, phân tuyến hợp lý, hệ thống biển báo, dải phân cách hợp lý, xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm. Giải pháp quan trọng cần thực hiện chặt chẽ hơn bao giờ hết là việc đăng kiểm xe và kiểm tra sức khỏe tài xế.
Siết chặt công tác đăng kiểm để hạn chế đưa vào lưu thông những ôtô không bảo đảm an toàn, đồng thời quản lý chặt chẽ các trung tâm sát hạch, các cơ sở đào tạo lái xe, đặc biệt với các hạng D, E, F.
Tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh vận tải về việc tuyển dụng, quản lý, chế độ làm việc... của tài xế.
Bạn đọc Tấn Khôi: Chấn chỉnh việc kiểm tra sức khỏe tài xế
Tai nạn tang thương ở Hải Dương, chỉ vài tuần sau tai nạn tại Long An, đều giống nhau: xe lao vào đám đông và tài xế dương tính với ma túy.
Ma túy đã góp tay tạo nên hiểm họa trên đường khi tài xế không làm chủ được tay lái. Đây là kết quả không mong đợi từ thông tin đã có từ lâu: 30% tài xế container sử dụng ma túy.
Sự thật rùng mình. Câu hỏi đặt ra: chủ xe có biết hay không chuyện tài xế sử dụng ma túy, có men bia rượu trong khi cầm vôlăng? Và việc kiểm tra sức khỏe tài xế như cách làm lâu nay có tác dụng đến đâu?
Cần có quy định mới về việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe tài xế, kèm theo đó là hình thức xử phạt, chế tài vi phạm đủ sức răn đe.
Việc thanh tra, kiểm tra tài xế đã được thực hiện tại TP.HCM những ngày qua. Việc này cần được làm thường xuyên, chứ không phải có tai nạn mới giật mình.
Thiết nghĩ để có đội ngũ tài xế giỏi nghề, không nhiễm thói xấu, khâu đào tạo bằng lái xe cần quy trình kỹ hơn, ngoài dạy kỹ thuật lái xe thì cần nhiều hơn là văn hóa tham gia giao thông.
Song song đó, tước bằng vĩnh viễn như nói trên cũng là giải pháp tích cực. Khi đánh vào chuyện miếng cơm manh áo, bắt buộc tài xế phải tự sửa mình để tồn tại trong nghề.
Bạn đọc Hữu Thắng: Đi bộ cũng phải đúng luật
Tai nạn nhiều khi không hoàn toàn do "xe lớn". Mỗi người dân cần những thông tin về an toàn giao thông để giữ an toàn cho mình. Người đi bộ, xe đạp hay xe máy cũng cần chấp hành đúng pháp luật giao thông, sẽ giảm bớt rủi ro mỗi ngày ra đường.
Hầu hết người đi xe đều có bằng lái, nhưng không phải ai cũng học kỷ luật giao thông, thậm chí chưa quan tâm luật giao thông có gì trong đó. Nhiều người đi xe máy rất vô tư, không quan tâm đến thông tin từ các loại biển báo trên đường, thậm chí không hiểu biển báo.
Trên đường đầy các kiểu lạng lách, lấn trái, leo lề, chạy quá tốc độ, cúp ngang đầu xe khác... nhìn rợn người. Nếu như ở những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mọi người sợ hung thần xe tải, xe ben, container thì ở phố thị tài xế ôtô "sợ" các kiểu xe máy chạy ẩu trên đường.
Trách người cũng cần nhìn lại mình, nhắc người thân mình, nhất là những ngày năm hết tết đến, giữa những tất bật, hối hả, tiệc tùng các kiểu. Từ tai nạn ở Hải Dương, nghĩ về chuyện đi bộ băng qua đường, chuyện tưởng đơn giản nhất cũng cần cẩn trọng hơn bao giờ hết. Đi bộ cũng phải đúng luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận