19/09/2019 10:56 GMT+7

Giám định ADN cho… trâu

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trâu bò thả rông rồi đi lạc, dẫn đến tranh chấp giữa những người nuôi với nhau. Kéo nhau ra tòa, tòa cho giám định ADN con vật, thế là có ngay đáp án.

Giám định ADN cho… trâu - Ảnh 1.

Tỉnh Điện Biên là vùng có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống, tập quán chăn thả rông gia súc còn rất phổ biến nên việc tranh chấp trâu, bò đi lạc cũng xảy ra nhiều.

Dường như các cấp tòa ở địa phương này có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xét xử bởi các vụ án sau khi tuyên xong thì cả nguyên đơn và bị đơn đều… hài lòng.

Một trong những biện pháp được áp dụng để hỗ trợ việc phân định đó chính là giám định gen cho... gia súc.

Một con trâu, hai người giành

Trong đơn khởi kiện đề ngày 10-10-2017, nguyên đơn là ông Lường Văn Hoa (ngụ tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) có nêu: Vào tháng 2-2017, gia đình ông có thả đàn trâu gồm 6 con vào khu vực trại bò trong huyện.

Một tuần sau, gia đình ông có lên tìm và phát hiện trong đàn trâu bị thiếu con trâu đực đen khoảng 6 tuổi. Con trâu này có những đặc điểm riêng, trong đó vành tai trái có vết sẹo do gia đình ông cắt để đánh dấu.

Đến tháng 7-2017, ông có nhận được tin là gia đình ông Quàng Văn Tơ có chăn dắt một con trâu có đặc điểm như trên do ông Tơ nhận từ bản Ló, xã Thanh Luông về. Sau khi xem xét con trâu, ông Hoa khẳng định đó là con trâu của gia đình ông đã bị thất lạc.

Gia đình ông Hoa xin ông Tơ trả lại trâu nhưng ông Tơ không trả nên ông Hoa nhờ công an xã giải quyết. Tuy nhiên, xã hòa giải không thành vì ông Tơ cũng khẳng định con trâu đó là trâu của mình đã bị thất lạc. Vì không tìm được tiếng nói chung nên ông Hoa khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Tơ trả lại con trâu tranh chấp.

Trong văn bản phản tố và các văn bản ghi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tơ khẳng định con trâu đực này là của mình.

Do gia đình ông Tơ thả cùng đàn trên rừng nên con trâu đực này đi lạc theo đàn trâu của ông Tòng Văn Sú ở bản Ló, con trai ông Sú đã đề nghị UBND xã thông báo cho gia đình nào mất trâu thì đến nhận.

Hay tin, ngày 2-6-2017, ông Tơ đã đến nhận trâu và trả tiền công chăn dắt là 1,5 triệu đồng. Thế nhưng gần 3 tháng sau, ông Lường Văn Hoa đến nhà ông Tơ đòi trả lại.

Xét nghiệm ADN

Do ai cũng khẳng định con trâu là của mình nên tòa đã ra quyết định xem xét thẩm định tại chỗ và quyết định trưng cầu giám định ADN.

Theo đó, tòa án đã trưng cầu Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật (Viện Chăn nuôi) xác định huyết thống con trâu đang tranh chấp với các con trâu mẹ mà các bên đưa ra làm mẫu đối ứng. Kết quả giám định cho thấy con trâu đực đang tranh chấp và con trâu mẹ trong đàn trâu của ông Hoa có quan hệ huyết thống mẹ - con.

Sau khi có kết quả giám định ADN, ông Hoa nhất trí trả cho ông Tơ số tiền 1,5 triệu đồng công chăm sóc trâu mà ông Tơ đã cho ông Sú trước đó. Còn tiền công chăn dắt thì ông Hoa chỉ trả một phần vì cho rằng yêu cầu của ông Tơ là quá cao.

Đến đây, tòa án phải đi xác minh tại địa phương xem tập quán, phong tục trả tiền công chăn dắt và tiền công lao động phổ thông trên địa bàn là bao nhiêu. Sau khi khảo sát, tính toán, tòa thấy rằng số tiền 9,8 triệu đồng mà ông Tơ đề nghị là phù hợp nên tuyên buộc ông Hoa phải trả số tiền này.

Tòa cho rằng việc gia đình ông Tơ đi tìm và nhận con trâu từ ông Sú là hoàn toàn ngay tình vì nghĩ đó là con trâu của gia đình bị thất lạc.

Ngoài ra, trong phiên tòa, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc ông Tơ và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lại tài sản là con trâu cho ông Hoa. Sự thỏa thuận trên là tự nguyện và phù hợp với quy định tại điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, sự thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Do đó, tòa tuyên con trâu tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Hoa. Ông Hoa phải trả cho ông Tơ một phần tiền công chăm sóc. Ông Tơ bị thua kiện nên phải thanh toán án phí và toàn bộ chi phí giám định ADN.

Giám định ADN: chính xác nhưng chi phí cao

Ông Phạm Văn Nam - chánh án TAND tỉnh Điện Biên - cho biết Điện Biên là tỉnh miền núi nên tình trạng chăn thả gia súc tự do khá phổ biến. Thông thường đàn trâu, bò vẫn nhớ đường về nhà nhưng thỉnh thoảng cũng có con đi lạc, dẫn đến việc tranh chấp.

Theo tập tục tại địa phương, mỗi nhà có trâu thường để máng muối cho trâu ăn. Vậy nên dù có thả rông thì trâu vẫn về nhà mình để ăn muối ở chỗ quen thuộc. Các con vật đều có sẵn các đặc điểm tự nhiên như xoáy, màu lông, đốm...

Ngoài ra, các gia đình cũng có cách đánh dấu riêng như: cắt lông đuôi, cắt một chỗ bí mật trên cơ thể hoặc đeo thêm các khuyên kim loại cho trâu. Nếu trâu đi lạc mà xảy ra tranh chấp thì tòa thường căn cứ vào các dấu hiệu riêng này mà phân xử.

Tuy nhiên, từ năm 2014, TAND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các thẩm phán khi xét xử các vụ tranh chấp gia súc đi lạc thì buộc phải cho giám định ADN. Việc giám định ADN thường cho kết quả chính xác gia súc thuộc quyền sở hữu của bên nào nhưng chi phí giám định thường rất cao, khoảng từ 7 triệu đồng trở lên.

Số tiền này chiếm từ 20 - 30% giá trị con trâu nên nhiều vụ người dân tự rút đơn kiện và tự thỏa thuận, bởi người bị thua kiện ngoài việc phải trả án phí còn phải trả tiền giám định ADN. Do đó, chỉ những vụ nào cả hai bên cùng hết sức tự tin rằng đó là gia súc của mình thì mới theo kiện đến cùng.

Tìm mẹ cho trâu lạc

TAND thị xã Mường Lay (Điện Biên) vừa đưa ra xét xử vụ tranh chấp con trâu đi lạc giữa ông Mào Văn Tiến (bản Bắc, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay) và ông Vàng Văn Nguyên (ngụ cùng xã).

Theo nội dung vụ việc thì ông Tiến mua con trâu đực của ông Lò Văn Muôn (phường Na Lay, thị xã Mường Lay) với giá 21 triệu đồng hồi tháng 9-2017. Sau khi mang về nuôi thì đến tháng 10-2017, con trâu đi lạc. Khi cả nhà đi tìm thì thấy nó ở trong đàn trâu của nhà ông Vàng Văn Nguyên. Ông Tiến định dắt trâu về thì ông Nguyên không cho, ông Nguyên khẳng định con trâu này là con trâu bị thất lạc của mình từ đầu năm 2017.

Quá trình thu thập chứng cứ, tòa xác định gia đình ông Tiến và ông Nguyên đều có một con trâu đực bị mất. Do đó, tòa đã cho giám định ADN để xác định xem con trâu tranh chấp là do con trâu mẹ của nhà ông Nguyên đẻ ra hay do con trâu mẹ của nhà ông Muôn (người bán cho ông Tiến) đẻ ra.

Để chứng minh mình là chủ con trâu, ông Tiến đã tìm đến nhà ông Muôn xin đưa con trâu mẹ đi giám định. Ông Nguyên cũng đồng ý cho giám định gen với con trâu mẹ trong đàn của mình. Kết quả giám định ADN cho thấy con trâu tranh chấp là con của trâu mẹ nhà ông Muôn. Vì vậy, ông Tiến được tòa tuyên thắng kiện.

Từ chuyện giám định ADN cho trâu Từ chuyện giám định ADN cho trâu

TTO - Trong số 18 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được TAND tối cao lựa chọn đưa vào dự thảo án lệ, có một bản án liên quan đến vấn đề tranh chấp tài sản là một con trâu.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên