25/12/2018 08:14 GMT+7

Giải pháp nào để thôi đào đường?

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Sẽ không còn chuyện đào đường nham nhở, bới tung vỉa hè khắp nơi là chuyện ai cũng mong. Nhưng giải pháp nào khả thi và ít tốn kém nhất? Tuổi Trẻ Online giới thiệu đề xuất giải pháp của bạn đọc Trần Văn Tường về vấn đề này.

Giải pháp nào để thôi đào đường? - Ảnh 1.

Công trình điện thi công trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM (ảnh chụp ngày 23-12) - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Thi công nham nhở, tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng nhưng mức phạt hiện nay còn quá thấp. Có những gói thầu hàng chục tỉ đồng nhưng tiền phạt chỉ vài triệu thì ít quá nên không đủ răn đe

Cuối năm, khắp nơi lại đào đường. Mặt đường, vỉa hè lại thêm những "miếng vá" mới.

Vẫn sẽ "mạnh ai nấy đào"...

Tại TP.HCM, không chỉ có các tuyến đường cũ, hàng loạt tuyến đường mới làm xong và vỉa hè khắp nơi cũng liên tục bị đào lên, lấp lại. 

Trên một mặt đường, vỉa hè có thể có công trình đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, viễn thông... với nhiều đơn vị chủ quản. Dự án ai nấy làm, khi có nhu cầu là xin đào đường. Công tác phối hợp giữa các bên chưa tốt từ khâu lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công. Điều này chưa có sự phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý cơ sở hạ tầng, mặt đường, vỉa hè, không chủ động dự trù trước nên dẫn đến đào đường và vỉa hè.

Mỗi đơn vị làm mỗi kiểu, khác thời điểm, hết đơn vị này tới đơn vị kia! Lắm khi đơn vị thi công chỉ  tái lập sơ sài cho có, không đảm bảo chất lượng dẫn tới nhanh xuống cấp, biến dạng cục bộ mặt đường và vỉa hè. 

Thực tế, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi tái lập mặt đường, vỉa hè. Trong khi bộ phận giám sát tái lập mỗi nơi, mỗi đơn vị lại khác nhau, nhiều khi thiếu kinh nghiệm chuyên ngành, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kịp phát hiện để bắt buộc khắc phục.

Tuổi Trẻ ngày 24-12 nêu vấn đề ứng dụng khoan kích ngầm để thay thế đào mở truyền thống với các tuyến đường ở đô thị vừa giảm ùn tắc giao thông, thời gian thi công nhanh, độ an toàn cao, hạn chế xung đột với công trình xung quanh, ít gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đời sống người dân. 

Tuy nhiên, chi phí đầu tư kích ngầm khá cao so với đào mở. Phương pháp này thường sử dụng trong các công trình ngầm có quy mô lớn như metro hay tuyến cống có đường kính lớn như kích ống băng qua quốc lộ, đường cao tốc, vượt sông. Nếu mỗi doanh nghiệp tự thực hiện ngầm hóa riêng công trình kỹ thuật do mình quản lý sẽ tốn kém rất lớn so với đào mở. Hiện nay đơn vị có chức năng khoan kích ngầm rất ít so với nhu cầu thực tế.

Nên hướng đến hào kỹ thuật

Ngầm hóa toàn bộ những công trình kỹ thuật sao cho khoa học, bài bản, lâu dài nhằm hướng tới một đô thị hiện đại và văn minh là công việc trước sau gì cũng phải làm, làm càng sớm càng lợi. Nếu để mỗi đơn vị tự khoan ngầm chôn ống trực tiếp vừa tốn kém và không hiệu quả về lâu dài, khó sửa chữa khi hư hỏng hay thay thế vật tư khi gặp sự cố, hoặc đến lúc có nhu cầu phát triển mạng lưới dịch vụ thì lúc đó cũng lại phải khoan tiếp.

Cung cấp dịch vụ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông là bộ phận không thể tách rời trong quá trình quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, vì lợi ích lâu dài. Hào kỹ thuật là loại công trình đa năng, không gian ngầm rộng lớn được các thành phố lớn trên thế giới tập trung đầu tư bởi sự hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội. 

Đây là giải pháp để giảm thiểu cảnh đào đường hay khoan ngầm. Trong mở rộng nâng cấp các tuyến phố, công trình giao thông đều có thiết kế hào kỹ thuật thường đặt hai bên vỉa hè với kết cấu chắc chắn, không thấm nước, kích thước dự trù sẵn cho phát triển tương lai và cho người công nhân lên xuống thao tác vận hành sửa chữa.

Và việc đầu tư hào kỹ thuật để kết nối hệ thống cáp là chuyện các nước đã làm. TP.HCM từng đầu tư hào kỹ thuật bằng vốn ngân sách trên một số trục đường lớn đã gần chục năm nay ở đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ. Đầu tư hào kỹ thuật đòi hỏi kinh phí lớn, không thể phụ thuộc hết vào ngân sách.

TP.HCM với dân số hơn 10 triệu người, nhu cầu cung cấp dịch vụ điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước sẽ ngày càng tăng, hẳn nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra và nhắm đến việc đầu tư hào kỹ thuật để cho thuê. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cho công trình là khá lớn. Sau đó việc cho thuê, khai thác thu hồi vốn cũng là một trở ngại khi hiện nay chưa có hành lang pháp lý để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Cần chính sách thu hút vốn đầu tư

Cần một đồ án quy hoạch chi tiết với lộ trình thực hiện ngầm công trình kỹ thuật đầy đủ khu vực nội thành và ngoại thành, trung tâm hành chính, khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi thành phố... Theo đó, hành lang pháp lý rõ ràng về mức phí thuê bao sử dụng, chính sách hỗ trợ ưu đãi nhà đầu tư sẽ thu hút vốn tư nhân đầu tư hào kỹ thuật.

Đã đến lúc có đơn vị quản lý tổng thể với chức năng đại diện làm đầu mối thu thập dữ liệu phát triển nhu cầu cung cấp điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước để kêu gọi đầu tư hào kỹ thuật cho thuê khai thác. Nên quy định khi mở rộng đường, ngõ hẻm, chỉnh trang đô thị, lập dự án phân lô bán nền đều có thiết kế hào kỹ thuật để ngầm hóa.

Đào đường tan nát, tái lập sơ sài Đào đường tan nát, tái lập sơ sài

TTO - Cuối năm, tình trạng đào đường lại rộ lên ở hàng loạt tuyến đường TP.HCM. Dọc các tuyến đường Phạm Thế Hiển, Cao Lỗ... (Q.8), Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng (Q.1), Bến Vân Đồn (Q.4)... "lô cốt" rào chắn khắp nơi, công trường thi công ầm ĩ.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên