23/08/2023 23:20 GMT+7

Giá tôm đang xuống đáy: Cách nào để cứu người nuôi tôm?

"Tôm nuôi dịch bệnh khá nhiều, đẩy giá thành lên cao, nhưng giá bán dưới đáy nên khó khăn cho người nuôi tôm hiện nay và sắp tới vô cùng lớn".

Tôm được một doanh nghiệp trưng bày tại Triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam 2023 - Ảnh: N.TRÍ

Tôm được một doanh nghiệp trưng bày tại Triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam 2023 - Ảnh: N.TRÍ

Nhận định được ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - đưa ra tại "Hội thảo quốc tế ngành tôm" chiều 23-8.

Kỳ vọng khởi sắc nhưng khó khăn còn kéo dài

Theo ông Lực, lượng và giá tôm xuất khẩu giảm từ cuối năm ngoái đến nay, và 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 20 - 35% so với cùng kỳ 2022 ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... nên ngành tôm đang và sẽ gặp nhiều thách thức.

Đặc biệt, hiện người nuôi tôm đối mặt nhiều rủi ro khi tỉ lệ tôm nuôi bị dịch bệnh đến trên dưới 50%, giá thức ăn cho tôm chiếm 60% chi phí sản xuất tôm lại đang neo cao, đẩy giá thành lên cao, nhưng giá bán lại đang dưới đáy.

"Giá thành chăn nuôi tôm Việt Nam hiện gần như đứng đầu thế giới nên khó khăn vô cùng lớn, nhiều người nuôi chịu thua lỗ nặng, dẫn đến lượng tôm thả nuôi có thể giảm mạnh đến 50% so với cao điểm", ông Lực nói.

Đồng quan điểm đó, phát biểu tại hội thảo, ông Jesper Clausen - chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (FAABS) của EuroCham - cho rằng so với năm ngoái, sản lượng tôm nuôi tại Việt Nam từ đầu năm đến nay có thể giảm 32%, Indonesia giảm 13%, Ecuador tăng 14% và Ấn Độ 2%.

Theo ông Jesper Clausen, khó khăn ngành tôm vẫn còn do khả năng châu Âu, Trung Quốc vẫn giảm nhập khẩu trong thời gian tới vì lượng tôm tồn kho còn do đã nhập số lượng lớn trong năm 2022.

Ngoài ra, giá thức ăn cho tôm có thể sẽ còn neo cao trong thời gian tới vì nhiều quốc gia không có đủ nguyên liệu để chế biến bột cá và dầu cá.

Làm gì để cứu người nuôi tôm?

Theo nhiều doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ tôm hiện phụ thuộc nhiều yếu tố vĩ mô như phục hồi nền kinh tế thế giới, khả năng cung ứng tôm nguyên liệu, hàng tồn kho, dự trữ... Do đó, thị trường tiêu thụ tôm và giá tôm hiện khó nhận định khi nào phục hồi, thậm chí với tình trạng hiện nay, việc phục hồi tốt trở lại như trước dịch COVID-19 có thể phải cần thời gian dài.

Để kéo ngành tôm đi lên, các doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường khai thác thị trường tiêu thụ nội địa nhằm hạn chế áp lực từ việc xuất khẩu giảm sút ở các thị trường lớn như Mỹ, EU...

Để tiếp sức người nuôi, ông Lực cho rằng bắt buộc doanh nghiệp phải tăng chế biến sâu, tìm thêm sản phẩm mới cho mặt hàng tôm để gia tăng lợi nhuận, từ đó chia sẻ lợi nhuận lại với người nuôi tôm bằng cách tăng giá mua, có như thế mới giúp chuỗi giá trị ngành tôm bền vững.

Ngoài ra, theo ông Lực, con giống đóng vai trò quyết định đến tỉ lệ nuôi tôm thành công, giá thành nuôi nhưng nguồn tôm giống trong nước đang thiếu chất lượng, nhiễm bệnh xảy ra diện rộng. Do đó, Nhà nước phải có giải pháp siết chặt khâu quản lý chất lượng giống, tăng trách nhiệm đối với các công ty sản xuất và bán giống.

Tốn trung bình 3,7 USD để sản xuất ra 1kg tôm

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho biết giá thức ăn cho tôm neo cao, thêm tỉ lệ tôm nuôi sống sót trung bình ở châu Á chỉ 55 - 60%, đẩy chi phí sản xuất tăng mạnh.

Cụ thể, năm 2022, người nuôi Việt Nam và châu Á nói chung phải tốn trung bình 3,7 USD để sản xuất ra 1kg tôm loại 60 con/kg; chưa kể sắp tới giá điện còn tăng, đẩy chi phí nuôi tăng.

C.P. Việt Nam khởi động dự án trồng cây bảo vệ đa dạng sinh học trang trại nuôi tômC.P. Việt Nam khởi động dự án trồng cây bảo vệ đa dạng sinh học trang trại nuôi tôm

Ngày 10-8, C.P. Việt Nam cùng Nichirei Fresh Inc đã khởi động dự án trồng cây nhằm xử lý nước bằng phương pháp sinh học tại vùng nuôi tôm thương phẩm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên