13/01/2019 09:37 GMT+7

Gây tai nạn nghiêm trọng thế nào thì bị tước vĩnh viễn bằng lái?

B.NGỌC - T.THẮNG  - ÁI NHÂN - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG - BÌNH AN ghi
B.NGỌC - T.THẮNG - ÁI NHÂN - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG - BÌNH AN ghi

TTO - Đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc tước vĩnh viễn bằng của tài xế gây tai nạn nghiêm trọng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều phía, song cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Gây tai nạn nghiêm trọng thế nào thì bị tước vĩnh viễn bằng lái? - Ảnh 1.

Các lực lượng tham gia cứu nạn đưa người ra khỏi vực trên đèo Hải Vân ngày 8-1 - Ảnh: V.D.

Đây là vấn đề cần tiếp tục phân tích để tìm một giải pháp hữu hiệu và cấp bách cho vấn đề tài xế liên tục gây tai nạn nghiêm trọng thời gian qua.

Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận thêm các quan điểm khác nhau bàn về vấn đề này và mong nhận thêm ý kiến khác từ bạn đọc.

Sớm cụ thể hóa thành quy định

Tôi đồng tình việc xem xét tước bằng lái vĩnh viễn đối với những tài xế ôtô gây ra tai nạn nghiêm trọng. Hơn ai hết tài xế hiểu, chăm sóc xe của mình như những người bạn đồng hành. Hơn nữa hiện nay quy trình kiểm định xe bằng các thiết bị điện tử nên quá trình kiểm định rất chuẩn... Vì vậy đa số các vụ tai nạn giao thông rất ít xảy ra lỗi kỹ thuật, khách quan, chủ yếu lỗi của con người.

Đặc biệt, những trường hợp tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy... nhiều khả năng bị mất kiểm soát dẫn đến những tai nạn. Trong đó, ma túy đã dính vào rất khó bỏ được, nguy cơ dẫn đến tai nạn rất cao cần phải được xử lý triệt để. Không chỉ tài xế, cả doanh nghiệp cũng phải bị xử lý khi thuê tài xế nghiện ma túy lái xe. Việc loại được những tài xế chơi ma túy ôm vôlăng trên những cung đường cũng sẽ góp phần hạn chế được những tai nạn đáng tiếc. Nghĩa là chúng ta phòng trước, đừng để khi xảy ra tai nạn chết người rồi mới tước bằng lái, bởi khi đó hậu quả đã xảy ra không khắc phục được.

Còn một số trường hợp ít thuộc lỗi khách quan dẫn đến tai nạn nên được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng trong hướng xử lý từng vụ việc.

Nhưng quan trọng là tất cả các vấn đề này cần phải được cụ thể hóa bằng quy định cụ thể để áp dụng chung toàn quốc, tránh trường hợp tranh cãi và góp phần răn đe, hạn chế được những tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra.

Ông Tô Xuân Thái (tài xế quận Tân Phú, TP.HCM)

Không thể áp dụng như giải pháp hạn chế tai nạn

Có hai vấn đề, một với mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại, lái xe không chỉ là một nghề mà là một kỹ năng không thể thiếu của mỗi người. Ai cũng cần được cấp bằng lái xe là nhu cầu thiết yếu, hơn nữa có bằng lái xe là quyền pháp lý để người ta sử dụng tài sản xe cộ và quyền được đi lại bằng xe họ muốn.

Nếu vì hành vi vi phạm pháp luật mà tước vĩnh viễn hai quyền trên là vấn đề rất nghiêm trọng, nên ý tưởng chính sách đó cần bàn rất cẩn thận và hạn chế đến mức tối thiểu. Về lý thuyết có thể áp dụng giống như án tử hình, chung thân một con người, cần hạn chế đến mức tối thiểu chứ không thể áp dụng như một giải pháp hành chính để xử lý tai nạn giao thông.Hơn nữa, trong mọi trường hợp áp dụng hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn, không cấp lại thì đó phải là một quyết định của tòa án, căn cứ vào luật được Quốc hội ban hành.

Về tính khả thi, giải pháp chính sách này nếu vì mục đích xử lý tai nạn giao thông thì ý nghĩa như một giải pháp chính sách vĩ mô, giống như tăng án tử hình, chung thân không làm tội phạm giảm đi. Xét về mặt đạo đức, chỉ vì gây một tai nạn mà cả đời có đạo đức xấu, không có năng lực lái xe là không được, vì nếu quy định không được lái xe có nghĩa người đó cứ lái xe là phạm tội, coi xe là phương tiện phạm tội là không được.


Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư Hà Nội)

Nên quy định rõ như thế nào là tai nạn nghiêm trọng

Gây tai nạn giao thông nghiêm trọng nhưng vẫn cần phải xem xét trong bối cảnh, nguyên nhân nào để có thể tước bằng vĩnh viễn. Cụ thể, nguyên nhân chủ quan do tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy... thì nên tước bằng vĩnh viễn, bởi đã là tài xế chuyên nghiệp thì phải biết việc sử dụng những chất kích thích như vậy là gây nguy hiểm không chỉ với bản thân mà còn nhiều người khác trên đường.

Tuy nhiên, có thể có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng là do chủ quan nhưng mức độ chủ quan "nhẹ hơn" như trong một khoảnh khắc bất chợt tài xế bị buồn ngủ hoặc vấn đề đột xuất, xử lý không đúng... thì chỉ nên tước bằng trong khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, cũng có thể là tai nạn giao thông nghiêm trọng nhưng lại có nguyên nhân khách quan, ví dụ như họ bị người khác đâm vào hoặc trong một bối cảnh bất ngờ khiến việc xử lý là bất khả kháng.

Ông Lê Thành Long (giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Trung Thành)

Cần kiểm tra cả chủ doanh nghiệp

Tôi đồng ý cần xem xét tước bằng lái vĩnh viễn để đủ sức răn đe với tài xế với các lỗi sử dụng rượu bia, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu... chứ không cần phải gây ra tai nạn với hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ những lỗi đó thể hiện đạo đức, thái độ coi thường an toàn tính mạng của bao nhiêu người khác khi tham gia lưu thông.

Tôi biết áp lực với những tài xế xe container, xe tải đường dài... hiện nay rất lớn. Vì vậy, khó tránh khỏi sự cố tai nạn vì lý do quá mệt mỏi, buồn ngủ, không làm chủ được tay lái. Đương nhiên tai nạn và hậu quả xảy ra chẳng ai muốn, cơ quan chức năng có thể xem xét tước giấy phép có thời hạn.

Bên cạnh đó, chủ sử dụng tài xế và bản thân tài xế cũng cần kiểm soát, kiểm tra về tinh thần, sức khỏe có bảo đảm an toàn trước từng chuyến xe hay không.

Bà Nguyễn Thị Quý An (chủ tịch hội đồng quản trị Siwin Group)

Quy định nhiều, nhưng không ai chịu trách nhiệm

Việc tước bằng lái vĩnh viễn lái xe gây tai nạn nghiêm trọng trước đây cũng đã từng bàn. Năm 2013 khi xây dựng dự thảo nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cơ quan công an cũng từng đề xuất biện pháp này. Nhưng ngược lại có ý kiến của tổ chức bảo vệ người lao động cho rằng bằng lái xe là giấy phép hành nghề, vi phạm đến mức nào thì xử phạt đến mức đó chứ không nên tước vĩnh viễn làm họ mất công ăn việc làm.

Việc sửa luật để ra quy định tước bằng lái vĩnh viễn hay cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, Quốc hội sẽ quyết. Nhưng trước mắt, để hạn chế tai nạn giao thông, trong đó có xe kinh doanh vận tải, cần có giải pháp tổng thể toàn diện có thể thực hiện được ngay dựa trên những quy định pháp luật hiện có.

Trước hết Chính phủ, Bộ GTVT phải xây dựng đề tài giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng do xe vận tải lớn gây ra từ việc đào tạo, quản lý, khám sức khỏe, giờ giấc làm việc của lái xe. Những cái này trong các quy định hiện tại cũng đã có nhưng không được thực thi nghiêm túc.

Trách nhiệm để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan là của lái xe nhưng trong đó trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng rất lớn khi Nhà nước đã đổ nhiều tiền của thực hiện các giải pháp nhưng tai nạn vẫn tăng, vẫn xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải chịu một phần trách nhiệm khi xảy ra tai nạn. Khi để tai nạn xảy ra, phải truy ngược trở lại trách nhiệm các cơ quan liên quan đến an toàn giao thông từ cảnh sát giao thông, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và tỉnh, thành phố.

Đặt vấn đề như thế bởi vì quy định pháp lý hiện nay có nhiều nhưng không ai chịu trách nhiệm từng vấn đề cụ thể.

Ông Bùi Danh Liên (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)

Dự án điểm xấu tại Úc

Tại Úc đang thực hiện một chương trình quốc gia có tên dự án điểm xấu, theo đó sẽ trừ điểm đối với một loạt vi phạm khi lái xe, nhằm để các tài xế lái xe an toàn và có trách nhiệm.

Về quy định tước bằng lái xe, một số bang của Úc căn cứ vào dự án này cũng như các quy định cụ thể tại mỗi bang để áp dụng.

Từ 1-7-2018, bang New South Wales của Úc đã áp dụng các sửa đổi về mức phạt đối với trường hợp lái xe bị ảnh hưởng của rượu bia và ma túy. Theo trang rms.nsw.gov.au, trước hết nếu tài xế vượt quá mức điểm xấu quy định trong khoảng 3 năm, tài xế sẽ bị giam bằng lái.

Ngoài ra, cảnh sát sẽ giam bằng hoặc tước bằng lái ngay tức khắc nếu tài xế vi phạm các quy định cụ thể như: vi phạm nghiêm trọng gây chết người hoặc thương tích trầm trọng cho người khác, lái xe khi có sự tác động của rượu và ma túy, đua xe trên đường phố…

Trong khi đó từ 31-1-2018, tại bang Victoria, những người có giấy phép lái xe của bang này nếu bị bắt gặp lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức cho phép thì có thể đối mặt với các hình phạt như: phạt hành chính nặng, bị tước bằng lái xe và nặng nhất là có khả năng ngồi tù. Mức phạt đối với các vụ say xỉn khi lái xe sẽ khác nhau tùy vào loại vi phạm, thời gian vi phạm, độ tuổi, loại bằng lái.

Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không? Tước vĩnh viễn bằng lái xe được không?

TTO - Tước vĩnh viễn bằng của tài xế lái xe kinh doanh vận tải gây tai nạn nghiêm trọng là đề xuất do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại hội nghị triển khai công tác của ngành năm 2019 diễn ra ngày 11-1.

B.NGỌC - T.THẮNG - ÁI NHÂN - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG - BÌNH AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên