11/09/2013 07:55 GMT+7

Gặp nhau và mở ra những kết nối

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - 1.Festival các trường sân khấu quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa kết thúc vào tối 10-9 tại Trường Múa TP.HCM, sau năm ngày dày đặc các buổi biểu diễn, hội thảo, tập huấn, giao lưu.

Liên hoan các trường sân khấu quốc tế lần 1

Điều đáng nói, đây là một festival sân khấu quốc tế do Trung tâm sân khấu Mỹ Phát - một đơn vị tư nhân - đã xung phong đứng ra tổ chức chứ không phải của một hội chuyên ngành hay cơ quan đoàn thể nhà nước nào.

"Đây là một liên hoan các trường sân khấu quốc tế tuyệt vời nhất mà tôi từng được tham dự"

Ông Tobias Biancone(tổng giám đốc Học viện Sân khấu quốc tế ITI)

Điều thu hoạch được sau một liên hoan học thuật “kín” (không mở cửa rộng rãi cho khán giả) tất nhiên là những kiến thức chuyên môn về sáng tác, đạo diễn, diễn xuất, thiết kế, âm thanh, ánh sáng, sản xuất...

Nhưng bên cạnh đó, liên hoan đã bắc được những nhịp cầu cần thiết để kết nối các nền sân khấu lại với nhau - một điều dường như rất khó làm được khi sân khấu lâu nay vốn luôn cô độc trong biên giới lãnh thổ của mình, không như phim ảnh hay âm nhạc chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được những gì đang diễn ra ở bên kia bán cầu.

Sự kết nối này được đạo diễn Đăng Nhân - giảng viên khoa đạo diễn Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM - xem là một cơ hội vàng để học. Từ cách diễn chi tiết với đạo cụ của hí kịch Trung Quốc hay một cảnh dựng hơi vội của kịch Mông Cổ đều trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá mà ông cùng học trò của mình sẽ ghi nhớ.

Ông bảo: “Ngày xưa thế hệ của tôi, Hoa Hạ muốn xem và học cách dàn dựng kịch Nga thì phải trốn trong nhà vệ sinh của nhà hát vì không có tiền mua vé. Giờ các em sinh viên có được một liên hoan như vầy để học quả là may mắn!”.

2 Buổi hội thảo về vấn đề đào tạo sân khấu của Học viện Sân khấu quốc tế ITI trong khuôn khổ festival trở nên sôi nổi sau câu hỏi của ông Jeff Janisheski - trưởng khoa diễn xuất Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Úc (NIDA) - rằng: “Bao lâu thì các bạn nhìn vào chiếc điện thoại thông minh của mình một lần? Và bao lâu thì các bạn đến nhà hát một lần?”.

Tất cả mọi người có mặt trong hội thảo, đặc biệt là các bạn trẻ đến từ Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines... đều cho biết thời gian họ xem điện thoại nhiều hơn gấp mấy lần thời gian họ đến nhà hát. Nhưng rồi ai cũng phải công nhận rằng dù một chiếc điện thoại thông minh có thể là cả một nhà hát thu nhỏ với rất nhiều tính năng vượt trội giúp con người giải trí, nhưng một buổi trình diễn “sống” trên sân khấu trong một thánh đường nhà hát thật sự vẫn luôn là điều cần có cho một thế giới đủ văn minh.

Vấn đề là, theo ông Arsenio Nick J.Lizaso - giám đốc điều hành Đại học Sân khấu quốc tế Philippines, sân khấu phải làm sao để khán giả không cảm thấy lãng phí tiền mua vé khi lẽ ra họ sẽ dùng số tiền đó để đi ăn với bạn bè, rồi bật điện thoại thông minh để xem một chương trình biểu diễn và có thể tắt nếu thấy không hay. Sân khấu dù là ở dạng thức khác biệt nào, ở quốc gia đặc biệt nào cũng không được lỗi thời và đắc thắng.

3 Trong liên hoan, có một tác phẩm bỗng trở nên phù hợp và ý nghĩa hơn rất nhiều khi nó đã di chuyển một chặng đường dài để đến nơi cần diễn.

Đó chính là vở kịch Nhớ về chiến tranh của các sinh viên khoa nghệ thuật Trường đại học Hoseo (Hàn Quốc). Nội dung vở kể về câu chuyện buồn của một người lính Nam Hàn từng tham gia vụ thảm sát thường dân vô tội trong chiến tranh VN.

Người đàn ông giờ ở tuổi trung niên, đối diện với nỗi ân hận của mình và sự thất vọng của con gái khi cô phát hiện sự thật. Câu hỏi của ông: “Tôi phải làm gì để xin lỗi họ?” trở thành một lời thoại đầy ám ảnh. Và quả thật là nó đã ám ảnh toàn bộ êkip những người tham gia vở kịch gồm nhóm bảy sinh viên và thầy giáo của họ, khi họ bắt đầu lên đường sang VN để tham dự festival.

Trước buổi diễn, cả nhóm rủ nhau đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và đã rơi nước mắt khi nhìn thấy những hình ảnh đau lòng ở đó. “Chúng tôi thật sự muốn xin lỗi vì những gì cha ông chúng tôi đã làm ở VN. Chúng tôi là nghệ sĩ nên không biết làm gì ngoài việc diễn kịch để xin lỗi, như vậy có được không?” - cả nhóm bạn trẻ đến từ Hàn Quốc này - những người không hề liên quan gì đến cuộc chiến và những thảm kịch ngày xưa - lại cứ thi nhau hỏi người viết như thể nếu không làm được điều này thì họ sẽ không thể bình yên. Và sân khấu hôm đó đã thật sự mở ra những kết nối đẹp khi gửi đi và nhận lại những thông điệp chân thành.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên