Cảnh sát chống bạo động phong tỏa một con đường trước thềm G20 ở Buenos Aires, Argentina trong bối cảnh nhiều người biểu tình chống những chính sách có lợi cho đế quốc - Ảnh: Reuters
Hội nghị (diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12) có bảo vệ được chủ nghĩa đa phương - nền tảng cốt lõi của G20 - hay không khi thế giới đang trong bối cảnh biến động khó kiểm soát từ sự rạn nứt trong quan hệ giữa các cường quốc và sự nổi lên của chủ nghĩa biệt lập?
Liệu chúng ta có thể ra tuyên bố chung? Đó thực sự là một câu hỏi mở
Nhà nghiên cứu THOMAS BERNES của Trung tâm Đổi mới quản lý quốc tế Canada nhận định
Đầy căng thẳng
Tại G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ Nga bắt giữ các tàu và thủy thủ của Ukraine.
"Do các tàu và thủy thủ Ukraine vẫn chưa được Nga thả, tôi quyết định tốt nhất là hủy cuộc gặp theo kế hoạch trước đó với tổng thống Nga" - ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter, chỉ một giờ sau khi khẳng định cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra.
Ngoài ra, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không gặp tổng thống Nga do căng thẳng Ukraine và cũng sẽ không gặp ông Trump sau những chỉ trích của tổng thống Mỹ về kế hoạch Brexit.
Với cuộc gặp Nga - Mỹ bị hủy, mọi chú ý sẽ dồn về cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà dù thành công hay thất bại cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ.
Một trong những kết quả được trông đợi là Mỹ sẽ ngưng kế hoạch đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc để đổi lại cam kết từ Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách kinh tế, tăng cường mua hàng hóa của Washington, mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc gặp này khó có thể giải quyết ngay lập tức những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Hiện tại, các nhóm kinh tế hai nước đang tiếp xúc chặt chẽ để hiện thực hóa tinh thần nhất trí mà hai lãnh đạo đạt được trong cuộc điện đàm ngày 1-11. Chúng tôi hi vọng Mỹ có thể thể hiện sự chân thành" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắn gửi trước thềm cuộc họp.
Trước đó, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại APEC đã khiến diễn đàn không thể đưa ra được tuyên bố chung.
Trật tự thế giới mới?
Ngoài ra, giải pháp cho biến đổi khí hậu cũng sẽ gặp khó khăn, khi AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận thương mại với khối Mercosur của Nam Mỹ nếu Brazil rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cũng sẽ đối mặt với áp lực liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Hay Mexico, Canada, Mỹ ký hiệp định thương mại Bắc Mỹ tại Argentina sau quá trình đàm phán bấp bênh.
Trước cuộc họp, các nước vẫn chạy đua đạt được thỏa thuận trong nhiều vấn đề quan trọng nhất hiện nay: thương mại, chủ nghĩa đa phương, di cư và biến đổi khí hậu. Một số quan chức cho biết sau hơn 2 ngày đàm phán gần như liên tục, các bên mới chỉ thống nhất được gần 2/3 số nội dung của tuyên bố chung.
Một nguồn tin của Chính phủ Đức khi đề cập tới khả năng thông qua một tuyên bố chung của hội nghị đã thừa nhận "đây không phải là năm tốt đẹp đối với chủ nghĩa đa phương", đồng thời khẳng định các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra hết sức khó khăn.
Giới quan sát đều cho rằng những vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu và một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề "nóng" tại G20.
"Nếu hàng loạt cuộc gặp song phương cuối tuần này không dàn xếp được thỏa thuận thực sự nào trong tuyên bố chung của hội nghị hoặc một tuyên bố "yếu", nó cho thấy chủ nghĩa đa phương đang bất động ở thời điểm hiện tại nhưng không hẳn đã chết" - nhà nghiên cứu Thomas Wright của Viện Brookings tại Washington nhận định.
Tuy nhiên, những chia rẽ tại G20 cho thấy con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận