03/04/2017 10:20 GMT+7

Ép doanh nghiệp vận tải đóng tiền bảo kê 1 triệu đồng/tháng

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ (hoangloc@tuoitre.com.vn)
HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ (hoangloc@tuoitre.com.vn)

TTO - Theo điều tra của Tuổi Trẻ, cầm đầu nhóm đối tượng trên là ông Bình - ngụ tỉnh Phú Yên, không bao giờ ra mặt, thường sử dụng hai số điện thoại di động để gọi hù dọa doanh nghiệp.

Chiếc xe của một doanh nghiệp vận tải thường xuyên bị nhóm của ông Bình đón lõng ép đóng bảo kê - Ảnh cắt từ clip điều tra
Chiếc xe của một doanh nghiệp vận tải thường xuyên bị nhóm của ông Bình đón lõng ép đóng bảo kê - Ảnh cắt từ clip điều tra

Ngày 1-4, lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Phú Yên đã liên hệ phóng viên báo Tuổi Trẻ để nắm thông tin về nhóm bảo kê xe tải tự xưng là cán bộ của một đơn vị thuộc Công an tỉnh này.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, cầm đầu nhóm đối tượng trên là ông Bình (khoảng 45 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên), không bao giờ ra mặt, thường sử dụng hai số điện thoại di động để gọi hù dọa doanh nghiệp. Mọi việc chặn xe nhận tiền bảo kê được ông này giao khoán cho đám đệ tử thực hiện.

Hai đối tượng thường được điều động đi thu tiền bảo kê là ông Minh (45 tuổi) và ông Tý (40 tuổi), cùng ngụ phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu.

Muốn qua: 1 triệu đồng/tháng

Đầu tháng 1-2017, ông Tuấn (người được chủ doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ủy quyền quản lý đội xe) gọi ông Bình bức xúc việc bị ông này gọi điện “khủng bố”, ép phải đóng tiền bảo kê.

Ông Bình tỏ ra thận trọng “chất vấn” đủ điều, sau đó vài ngày mới chịu gọi lại ra giá: “Bữa trước tôi nói với bà già anh (chủ doanh nghiệp - PV) là 2 chai (2 triệu đồng) nhưng thấy bà bệnh tật nên tôi giảm còn 1 chai (1 triệu đồng) để anh em có tiền xăng đi làm thôi. Anh bàn bạc gửi tôi sớm, hôm nay đầu tháng rồi đó”.

Ông Bình nhiều lần giới thiệu mình là cán bộ của một đơn vị thuộc Công an tỉnh Phú Yên và khẳng định: “Vừa rồi bắt xe ông ở đó đấy” (trước đó xe của doanh nghiệp này từng bị bắt và xử lý tại Phú Yên).

Ít ngày sau không thấy doanh nghiệp đóng tiền, ông này gọi điện hối thúc: “Khẩn trương lên chứ, đầu năm tôi đi học nghiệp vụ, nếu trễ không gặp được tôi đâu”.

Một đối tượng chờ gặp chủ doanh nghiệp tại quán cà phê dọc quốc lộ 1 (P.Xuân Yên, TX Sông Cầu, Phú Yên) để thu tiền bảo kê - Ảnh cắt từ clip điều tra
Một đối tượng chờ gặp chủ doanh nghiệp tại quán cà phê dọc quốc lộ 1 (P.Xuân Yên, TX Sông Cầu, Phú Yên) để thu tiền bảo kê - Ảnh cắt từ clip điều tra

Trưa 16-1, xe của chủ doanh nghiệp này chở hàng tạp hóa (có đầy đủ giấy tờ) vào “trình diện” nhóm đối tượng bảo kê để chung tiền dưới sự chỉ đạo từ xa của ông Bình.

Xe từ TP.HCM vừa ra đến tỉnh Bình Thuận, ông Bình đã gọi điện đề nghị ông Tuấn cho xe dừng tại khu vực ngã ba đường tránh (quốc lộ 1, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên).

Rạng sáng 17-1, xe dừng tại điểm hẹn, trong ánh đèn nhá nhem, ông Bình sai một người xưng tên Tý chạy xe máy đến đề nghị nhận tiền.

Sau lần này, ông Tuấn tiếp tục bị ông Bình gọi điện hối thúc đóng tiền bảo kê tháng kế tiếp. Trưa 15-2, ông này hứa gặp chủ xe tại thị xã Sông Cầu để thỏa thuận lại giá cả đóng bảo kê nhưng sau đổi ý không xuất hiện.

Ông này cho ông Minh chạy chiếc xe Dream màu mận chín chờ sẵn trên quốc lộ 1 (phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu).

Tuy nhiên, ông Tuấn không đồng ý đóng bảo kê thông qua đàn em. Ông Bình gọi lại đe dọa: “Trưa nay tôi bận tiếp các sếp nên cho lính ra gặp anh nói chuyện, nhận tiền. Còn muốn gặp thì gặp hoài chứ gì, bắt về là gặp chứ có gì đâu”.

Theo ông này, có ba cách đóng bảo kê là 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng với mức giá cố định 1 triệu đồng/tháng/xe, tất cả đều chuyển trực tiếp thông qua đàn em của ông Bình, không giao dịch qua tài khoản.

Khi ông Tuấn nói cao quá xin bớt, ông Bình nói: “Không bớt chác gì cả, tôi hết cách vì đã thỏa thuận với anh em”.

Ông Tuấn nói không đủ tiền đóng, ông Bình bực tức: “Làm ăn kiểu lằng nhằng tao không thích đâu. Không đủ thì đưa trước ba tháng đi, có nhiêu đó mà xử lý cũng không được”.

“Không đóng thì biết ngay”

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, băng nhóm do ông Bình cầm đầu có mạng lưới hoạt động rộng khắp từ các tỉnh phía Nam ra Bắc, trong đó tuyến mạnh nhất là từ TP.HCM ra Phú Yên. Để có được thông tin của doanh nghiệp, nhóm này huy động đội ngũ đi dò la ở nhiều bãi xe tải tại TP.HCM.

Từ đây, thông tin được “bắn” về cho ông Bình để ông này gọi điện đe dọa ép đóng bảo kê. Địa điểm giao dịch quen thuộc mà ông này hẹn doanh nghiệp là tại khu vực ngã ba đường tránh (quốc lộ 1, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên).

Mỗi tháng từ số tiền thu được, đám đàn em sẽ được ông Bình chi trả “lương” để duy trì hoạt động. “Các xe bị bắt đều do lính tôi báo từ trong TP.HCM ra. Mấy ngày tết nó vẫn phải đi săn xe bình thường” - ông Bình kể.

Theo xác minh, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phải đóng bảo kê, riêng tại Quảng Ngãi hiện có ít nhất 6 doanh nghiệp vận tải đang phải đóng tiền bảo kê hằng tháng cho nhóm này.

Sau nhiều lần bị ép đóng bảo kê, đầu tháng 3-2017, ông Tuấn quyết định “lật kèo” không đóng, lập tức bị ông Bình giở giọng hù dọa: “Không đóng thì biết ngay, chuyến sau đi ra chỉ 30 giây là tao lượm liền chứ đừng nói gì hết. Một triệu đồng của mày chả là cái gì cả, đội tao mười mấy người ra ăn sáng là hết”.

Ông Tuấn nói hàng hóa của doanh nghiệp mình luôn có hóa đơn chứng từ, đúng tải chứ không sai phạm gì tại sao lại bị ép đóng tiền?

Ông Bình nói thẳng: “Thằng nào chả phải đóng. Đã bắt vào không xử cái này thì xử cái kia thôi. Bọn tôi không moi ra thì thôi chứ moi ra là đủ thứ chuyện”.

Công an Phú Yên vào cuộc điều tra

Đại tá Lương Tấn Dĩnh - trưởng Phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên - cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông đã báo cáo vụ việc với ban giám đốc Công an tỉnh.

“Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự trực tiếp vào cuộc điều tra xác minh thông tin báo cung cấp” - đại tá Dĩnh khẳng định.

Theo đại tá Dĩnh, từ trước đến nay, Công an tỉnh chưa nhận được thông tin trình báo nào của doanh nghiệp về hiện tượng hù dọa, ép đóng bảo kê như phản ánh.

Đi đường Tây Nguyên để “né”

Đầu tháng 12-2016, chủ một doanh nghiệp vận tải đóng tại Quảng Ngãi chở 5 loại hàng hóa từ TP.HCM về Quảng Ngãi gồm: gạch men, hũ nhựa, cây lau nhà, kẹo me sấy, bóng điện.

Rạng sáng 6-12, khi đi qua địa phận tỉnh Phú Yên, xe của doanh nghiệp này bị tổ liên ngành gồm đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp với cán bộ đội 4 PC46 (Công an Phú Yên) chặn bắt, áp giải về trụ sở để làm việc.

Đến trưa cùng ngày, tổ kiểm tra kết luận có hai loại gồm kẹo me sấy, bóng đèn vi phạm không có hóa đơn chứng từ kèm theo, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng này bị tạm giữ, chủ doanh nghiệp sau đó bị xử phạt gần 12 triệu đồng.

Kể từ sau lần bị xử lý trên, chủ doanh nghiệp này bị ông Bình - xưng là cán bộ một đơn vị Công an tỉnh Phú Yên - gọi điện ép đóng tiền bảo kê hằng tháng.

“Ngày giờ xe xuất phát, đi đến đâu, chở loại hàng hóa gì trên xe ông này đều nắm. Tôi nhiều lần xin được bỏ qua vì sau mỗi chuyến hàng chỉ còn vài triệu đồng, trong khi còn trả lãi ngân hàng nhưng ông này không chịu, còn dọa không đóng sẽ bị xử lý” - chủ doanh nghiệp này cho biết.

Theo một tài xế, do không có tiền đóng bảo kê, một số doanh nghiệp buộc phải cho chạy đường Tây Nguyên để “né”.

“Nhưng chạy đường này vừa xa, đường sá khó đi, chi phí xăng dầu cao, lại mất nhiều thời gian di chuyển nên trừ mọi chi phí, các doanh nghiệp chẳng lời được bao nhiêu” - tài xế này nói.

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ (hoangloc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên