22/10/2010 18:33 GMT+7

Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương tiếp tục lún

N.ẨN - N. HẬU
N.ẨN - N. HẬU

TTO - Sau gần 9 tháng đưa vào sử dụng đường nối Tân Tạo - Chợ Đệm (thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) có 14 đoạn với tổng chiều dài 4,9 km bị lún, trong tổng số hơn 11 km của tuyến đường này, trong đó, đoạn lún ít nhất là 2,1 cm và đoạn lún sâu nhất 32 cm.

DPXrYGKS.jpgPhóng to
Đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Ảnh tư liệu

Còn trên tuyến đường cao tốc có sáu đoạn với tổng chiều dài 1,3 km đường lún, trong tổng số 23 km đường cao tốc, trong đó có đoạn lún sâu đến 0,12 m. Đa phần các điểm bị lún nằm ở đoạn đầu cầu hoặc đầu cống tiếp giáp với nền đường.

Đó là thông tin mà ông Lã Trí Đức, đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã cho biết tại hội thảo về “lún nền đường tại các công trình giao thông ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam" do Hội cầu đường cảng TP.HCM tổ chức vào ngày 22-10.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận việc lún nền đường tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm đã được dự báo từ trước do tình trạng địa chất tại các đoạn tuyến hết sức phức tạp. Tại khu vực luôn bị ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều và nước ngầm thay đổi do đó đã làm ảnh hưởng đến kết quả quan trắc lún trong quá trình theo dõi lún khi quyết định dỡ tải. Một số vị trí tuyến đi qua dòng sông cổ mà số liệu địa chất không thể phát hiện trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật.

Theo kết quả quan trắc từ khi dở tải cho đến khi thông xe đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cho thấy tốc độ lún trên tuyến đường tăng nhanh. Trong khi đó các giải pháp xử lý lún nhất là ở đoạn hai đường đầu cầu vẫn còn thực hiện theo qui định “lối mòn” mà các cơ quan chức năng chưa đưa ra giải pháp mới để xử lý triệt để lún.

Còn theo Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa TP.HCM cho biết nguyên nhân dẫn đến sự chuyển vị mố cầu Kỳ Hà 1 và Kỳ Hà 4 xảy ra vào tháng 5-2009 trên đường dẫn vào cầu Phú Mỹ ở phía Q.2 là do lớp đất quá yếu có bề dày 14m. Hiện tượng chuyển dịch cọc đóng đã xảy ra ở nhiều công trình tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam xuất phát từ nền đất yếu quá dày. Sau đó công trình này đã được xử lý bằng giải pháp dùng khoan cọc nhồi đường kính lớn ngàm sâu vào lớp đất chịu lực ở bên dưới.

Tại cuộc hội thảo này, giáo sư Toshihiro Noda của trường đại học Nogoya (Nhật Bản) đã đưa ra một số giải pháp xử lý nền đất yếu trong xây dựng các công trình cầu đường và cho biết có những công trình chấp nhận lún trong thời gian dài. Ông Trần Quang Phượng-chủ tịch Hội cầu đường cảng TP HCM cho biết cuộc qua cuộc hội thảo này để các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất hoàn chỉnh các qui trình thi công trên nền đất yếu ở TP HCM và VN.

N.ẨN - N. HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên