10/10/2014 08:13 GMT+7

Đừng để chỉ nhận trách nhiệm suông

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Theo cam kết của người đứng đầu chính quyền TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ - thì kể từ nay, TP này chính thức trả xong nợ đất tái định cư cho người dân các vùng giải tỏa.

Dự án khu dân cư ở P.Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Đây là một dự án có tình trạng “ém” đất tái định cư - Ảnh: Hữu Khá

Đó là một việc làm tưởng chừng như rất đơn giản nhưng phải mất rất nhiều năm địa phương này mới giải quyết dứt điểm.

Phải nói rằng “nợ đất tái định cư” là cụm từ có tần suất xuất hiện nhiều nhất tại tất cả sáu kỳ họp HĐND trong suốt ba năm qua ở Đà Nẵng.

Và khi bị dân hỏi “vì sao không có đất?” thì hầu như các vị đứng đầu của các địa phương đều ấp úng, không trả lời được, trong khi đất của dân lại liên tục bị thu hồi, giải tỏa.

Câu hỏi tưởng chừng bế tắc... thì đùng một cái, đích thân vị lãnh đạo cao nhất TP này xắn tay vào cuộc tổng rà soát mới lòi ra chuyện có hơn 9.000 lô tái định cư đã có sẵn (nhiều gấp năm lần với nhu cầu) nhưng không được bố trí, trong khi người dân phải mòn mỏi chờ nhận đất.

Quỹ đất tái định cư vẫn còn rất nhiều, vậy mà suốt ba năm qua nhiều gia đình ở thành phố được mệnh danh là “đáng sống” này lại phải chật vật trong cảnh “ăn nhờ ở đậu”, mọi sinh hoạt gần như bị đảo lộn, vậy nên dân bức xúc cũng là điều dể hiểu.

Đáng nói hơn là vì sao suốt ba năm trời, TP này phải tiêu tốn hơn 63 tỉ đồng để chi trả cho cái việc lẽ ra không nên tốn, đó là hỗ trợ trả tiền nhà cho dân giải tỏa. Dân sẽ “an cư lạc nghiệp”, chính quyền đỡ tốn ngân sách.

Chuyện tính ra lợi cả đôi đường như vậy nhưng rồi tất cả đã từng rơi vào im lặng, coi như đó là chuyện “bình thường”.

Phát biểu tại phiên họp giám sát giữa hai kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 8-10, với tư cách là chủ tịch HĐND, ông Trần Thọ đã thẳng thắn khi nói với cấp dưới của mình rằng: “Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm, thấy sai mà biết nhận khuyết điểm để sửa, dân mới tin”.

Và chính ông Trần Thọ cũng thừa nhận: “Trách nhiệm trước hết là lãnh đạo TP, trong đó có trách nhiệm của chủ tịch HĐND TP.

Thế nhưng trách nhiệm chính, trực tiếp nhất vẫn là các cơ quan tham mưu cho UBND TP. Vai trò tham mưu ở đâu, phải thực hiện phê bình một cách nghiêm túc, lãnh đạo phải nhận trách nhiệm!”.

Điều ông Trần Thọ nói ra là điều mà không chỉ 1 triệu dân ở Đà Nẵng mong mỏi, mà hàng triệu người dân trên cả nước cũng mong đợi từ lâu.

Tự nhận trách nhiệm để xảy ra những việc làm không hợp lòng dân là điều đáng ghi nhận, nhưng điều mà người dân cần hơn, thậm chí đòi hỏi việc quy trách nhiệm phải có địa chỉ và tên tuổi cụ thể, chứ không thể tái diễn mãi tình trạng “người người nhận trách nhiệm”... để rồi sau đó tất cả lại rơi vào quên lãng.

 

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên