14/04/2010 06:36 GMT+7

Đua nhau nhái hình ảnh ngoại

P.T.N.
P.T.N.

TT - Xây dựng hình ảnh cá nhân của mỗi nghệ sĩ giờ trở nên quan trọng và đầy tính cạnh tranh giữa muôn ngàn sao lớn, sao bé, sao sắp hết thời, sao mới mọc... Bởi thế ý tưởng dần khan hiếm, sự sáng tạo cùn đi và làng giải trí Việt bắt đầu manh nha công nghệ nhái hình ảnh ngoại.

0JhQB2NY.jpgPhóng to
Một bạn đọc của trang Mực Tím Online bình luận trong chuyên mục Thư viện ảnh: Sao lại bắt chước kiểu ảnh của Vườn sao băng, Hàn Quốc (trái) chứ? Không có gì mới lạ!

Sự giống nhau đến mức kỳ lạ được lặp đi lặp lại ở nhiều sản phẩm là "vô tình trùng hợp" hay đánh đổi nổi tiếng trong lòng công chúng?

Từ sự bóc mẽ của cộng đồng

Việc "đạo" hình ảnh được xới lên từ bộ hình Lạc tiên của Lê Kiều Như rải tràn khắp các trang mạng, gây bức xúc trên các diễn đàn vì giống y đúc từ trang phục đến bối cảnh và bố cục của bộ ảnh chụp Trương Hình Dư - "hotgirl" Trung Quốc quảng bá cho game Xích Bích.

Phẫn nộ vì việc đánh cắp ý tưởng trắng trợn của những "con sâu" nghệ sĩ, một bộ phận công dân mạng tiếp tục "bới lông tìm vết". Hiển nhiên sức mạnh cộng đồng nhanh chóng phát hiện một lô hình ảnh sao Việt nhưng ý tưởng được nhập ngoại theo dạng hàng lậu.

Trương Quỳnh Anh - Baggio bắt chước điệu bộ tình tứ của Bi Rain và Song Hye Kyo trong phim Ngôi nhà hạnh phúc đình đám của Hàn Quốc, Minh Hằng - Ðăng Khôi tạo dáng na ná Lâm Chí Dĩnh và Lưu Ha Na của bộ phim thần tượng Ðài Loan Sợi dây chuyền định mệnh, Chí Thiện - Noo - Băng Di "nhân bản" chuyện tình tay ba giữa ma cà rồng Edward - người sói Jacob với nàng Bella xinh đẹp của phim New moon, Ðông Nhi - Khổng Tú Quỳnh "đạo" phong thái các nàng công chúa của Disney channel trong phim dành cho teen Princess protection program, Công Khanh - Nam Cường - Tim - Uyên Thảo - Wanbi thì cố gắng giống từng milimet năm nhân vật chính của phim truyền hình Boys over flower (Vườn sao băng) phiên bản Hàn...

Ðến nước này "nồi canh" của làng giải trí rầu rĩ vì toàn sâu là sâu! Người hâm mộ chỉ biết than trời trên các diễn đàn mạng vì sự thiếu văn hóa nhất lại xuất phát từ những người làm nghệ thuật". Nhưng hiệu ứng tức giận lan truyền của cộng đồng dường như đang làm các nghệ sĩ "đạo" nổi hơn, khắc dấu hình ảnh họ vào tâm trí xã hội mạnh mẽ hơn.

06TLpo4a.jpgPhóng toHollywood có Trăng non (trái), còn ta? Sự khác biệt trong hình ảnh chỉ nằm ở bầu trời đầy mây xám với rừng cây phía xa

Đến chiêu thức cố ý để được... chửi

Bộ ảnh Lạc tiên có thể nổi đình nổi đám vì Lê Kiều Như sản xuất hàng nhái mà vẫn hùng hồn tuyên bố với truyền thông: "Ý tưởng đến với tôi từ một giấc mơ lạc vào tiên cảnh", bởi thế tạo cơ hội cho cộng đồng lên án không tiếc lời. Một số nghệ sĩ đang muốn "đi lên" bằng tai tiếng vội coi đấy là bài học quý giá, là hình mẫu để tiếp thị siêu tốc hình ảnh và sản phẩm của mình đến với khán giả.

Họ cố tình biến thành "siêu đạo", rồi ngang nhiên khẳng định đã mài chất xám ra thực hiện "tác phẩm nghệ thuật" của mình, nếu có giống chỉ là sự cố đụng ý tưởng đáng tiếc đến không ngờ. Lý luận biến thành thực tế ngay bằng chiêu thức tiếp thị được coi là lố bịch của chị em Yến Trang - Yến Nhi (Song Yến) khi chuẩn bị phát hành The movie 2. Một loạt apphich phim điện ảnh nổi tiếng trên thế giới được tái hiện dưới hình hài Song Yến theo cách cố ý: Brothers, Bride wars, The boat that rocked, Perfume, New moon... đều được rập khuôn đến 99%.

Nghệ thuật là sự sáng tạo, không phải là sao y bản chính của một cái đẹp đã có. Những hình ảnh của nghệ sĩ Việt liên tiếp lặp lại từ kho dữ liệu quốc tế chỉ thể hiện sự nghèo nàn của một nền văn hóa giải trí lười sáng tạo và giỏi chôm chỉa. Có thể trong số đó một vài nghệ sĩ vô can bởi họ chỉ biết diễn theo sự sắp đặt của các nhiếp ảnh gia, stylish (chỉ đạo về tạo hình, phong cách), giám đốc sáng tạo... thích bắt chước để rồi ném ra thị trường những chiếc "vỏ chuối" khó chấp nhận.

Không ai phủ nhận được người nổi tiếng có sự tương tác mạnh mẽ đến hành vi của cộng đồng. Họ tốt - họ xấu ít nhiều đều hướng cho một nhóm xã hội noi theo. Khi nghệ sĩ ngang nhiên ăn cắp và biện minh đó là phương cách tiếp cận khán giả tốt hơn, đồng nghĩa mở màn cho hai kịch bản chẳng hay ho gì: Một phần công chúng chấp nhận được, cổ súy cho một xã hội coi việc ăn cắp chất xám là thường tình, người người cứ tha hồ chôm chỉa trong mọi lĩnh vực mà không hề biết cắn rứt lương tâm.

Bộ phận công chúng còn lại quyết tâm bài trừ hành vi nhập lậu của nghệ sĩ Việt, một cách từ tốn, họ quay lưng với các sản phẩm nghệ thuật của nước nhà, bởi vì ngày càng nhiều nghệ sĩ coi thường gu thưởng thức của khán giả.

Tất nhiên không hề có kịch bản thứ ba, trừ phi kể đến nhóm công chúng vô cảm với sự ô nhiễm môi trường văn hóa trầm trọng đang oanh tạc làng giải trí Việt.

G3JS7EY0.jpgPhóng to

Một blogger bình luận vừa hài hước vừa... ta thán: “Hãy nhìn Tobey Maguire và T.M. (một người thì da sạm đầu chú Sam rất nam tính, còn một người thì da trắng công tử đầu quả dứa rất... khó định tính). Hãy nhìn Natalie Portman và Y.T. (một người mặc áo nhưng đầy quyến rũ, một người cởi áo nhưng đầy ủ rũ). Hãy nhìn Jake Gyllenhaal và Y.N. (một sở hữu đôi mắt buồn thăm thẳm, một sở hữu mặt đơ hun hút). Và cuối cùng hãy nhìn nguyên cái poster (Brothers là mối tình tay ba giữa nam nữ, còn The Movie 2 chắc cũng là mối tình tay ba mà của nữ nữ)”.

Tùy tiện và dễ dãi

Sản phẩm được tung ra thị trường, thay vì được chào đón, chúng trở thành tâm điểm của những chỉ trích và thay vì được công nhận đẳng cấp, chúng trở thành cái lôi kéo sự chú ý nhất thời nơi công chúng - điều rất nhiều nghệ sĩ quan tâm. Thời đại thức ăn nhanh đã tạo ra một số lượng người làm văn hóa hết sức tùy tiện và dễ dãi, thậm chí không buồn quan tâm đến chuyện họ đang vi phạm pháp luật và hủy hoại niềm tin nơi những công chúng trót yêu mình.

Khi một ca khúc, một đoạn nhạc bị phát hiện giống với một tác phẩm, một đoạn khác, nhiều người sẽ đồng ý đó là hành vi đạo nhạc - ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác. Thế nhưng trong chuyện đạo phong cách, phục trang, vũ đạo, hình ảnh... thì đến nay chúng vẫn chưa bị ai chỉ mặt đặt tên.

Ngay cả khi bị công chúng lên án là “đạo” thì cả đạo nhạc lẫn “đạo hình”, “đạo dáng” cũng chưa từng bị xử lý, trở thành một mặc định “chết người” là cứ việc lấy, chẳng sao. Người ta sẽ còn tiếp tục làm văn hóa, sẽ sáng tạo bằng tài sản của người khác ở những dạng thức nào nữa khi những hành vi hôm nay không bị chế tài. Điều quan trọng hơn: Niềm tin vốn đã héo mòn của công chúng liệu sẽ còn được bao nhiêu khi liên tục phát hiện hàng nhái từ thần tượng?

P.T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên