04/12/2017 18:54 GMT+7

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTO - Đứng giữa thung lũng Korankei (vùng Gifu, Nhật Bản) tràn ngập sắc thu, bạn chợt hiểu rằng đôi khi chỉ có thể cảm nhận mùa thu bằng lòng nhẫn nại và sự tinh tế của tâm hồn, cùng sự mẫn cảm của tình yêu.

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 1.

Ảnh: Trung Nghĩa

Khám phá "trái tim Nhật Bản"

Trên bản đồ du lịch nước Nhật, du khách Việt thường quen chọn cung đường từ bờ đông xuống phía nam (Tokyo - Kyoto - Osaka…) song chưa nhiều người khám phá vùng Gifu với "đặc sản" cảnh quan thiên nhiên đồi núi hùng vĩ và gìn giữ được những ngôi làng cổ xưa trăm tuổi. 

Gifu nằm ở khu vực miền trung trung tâm nước Nhật nên dân địa phương tự hào ví rằng bạn phương xa đến đang được khám phá "trái tim Nhật Bản" (The heartland of Japan).

Cửa ngõ vào "trái tim Nhật Bản" chính là thành phố Nagoya - thủ phủ trung tâm vùng Chubu rộng lớn. Từ Việt Nam, bạn không cần bay đến Tokyo hay Osaka mà tiện nhất là chọn đường bay thẳng của Vietnam Airlines từ TP.HCM đến sân bay Chubu Centrair International Airport Nagoya nằm trên một hòn đảo nhân tạo ngoài vịnh Ise (thuộc thành phố Tokoname, tỉnh Aichi) để bắt đầu hành trình say đắm với mùa thu.

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 2.

Du khách Việt trên cung đường khám phá "trái tim Nhật Bản" (The heartland of Japan) - Ảnh: Trung Nghĩa

"Cung đường miền trung nước Nhật giúp người Việt cảm nhận và hiểu sâu hơn về văn hóa, tập quán và sự bình yên của đất nước này thông qua phong cảnh thiên nhiên hữu tình quyến rũ và những ngôi làng cổ đẹp như trong cổ tích" - anh Thụ Nhân, một hướng dẫn viên du lịch có thâm niên gần 20 năm bôn ba khắp mọi miền đất nước Nhật, chia sẻ.

Quả thật, những ngày đặt chân đến các ngôi làng cổ ở nơi "trái tim Nhật Bản", chúng tôi càng thấu hiểu lời của anh Thụ Nhân.

Ở đây, những nghề truyền thống như rèn kiếm cho các võ sĩ đạo (samurai) vẫn còn gìn giữ ở TP Seki hay nghề làm giấy thủ công gìn giữ ở TP Mino. 

Ở đây, có ngôi làng cổ giữa thung lũng Korankei vẫn còn đó 11 nghệ nhân tỉ mỉ làm giấy dó, dép cói, dù giấy.

Ở đây, những cửa hàng nấu rượu sake, trưng bày tác phẩm điêu khắc tinh xảo từ các thợ thủ công địa phương khiến du khách quyến luyến không rời ở TP Takayama. 

Khi dạo trên ba con phố cổ trầm mặc được hình thành từ thời kỳ Edo (1601-1868) ở Takayama, du khách Việt không khỏi cảm giác rất thân thuộc, gần gũi như phố cổ Hội An quê nhà.

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 3.

Làng cổ Shirakawago mùa thu - Ảnh: Trung Nghĩa

Nhưng đặc sắc nhất và thật sự khiến bạn đắm chìm vào chốn cổ tích chính là làng cổ Shirakawago (nghĩa tiếng Nhật là bạch xuyên hương, tức "làng của những con sông trắng"), nằm ở chân núi Haku-san và được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1995.

Bất chấp vật đổi sao dời, Shirakawago vẫn tồn tại như thể thời gian ngừng lại ở đây. Làng có 114 ngôi nhà cổ (19 căn được công nhận là "di sản", nhà cổ nhất có tuổi đời hơn 400 năm), cùng lối kiến trúc nhà tranh mái dốc Gassho-zukuri lợp bằng cỏ tranh hoặc rơm và dày 50cm, vừa mang yếu tố tôn giáo (kiểu chắp bàn tay cầu nguyện), vừa hữu hiệu để tồn tại trước những trận bão tuyết.

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 4.

Shirakawago đẹp như một bức tranh thủy mặc - Ảnh: Trung Nghĩa

Vào mùa thu, từ đồi cao nhìn xuống, Shirakawago đẹp như một bức tranh thủy mặc karumi (tức sự nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung tự tại giữa cuộc đời). Khi tản bộ trên con đường nhỏ giữa làng trong một chiều thu cô liêu, lại nhớ đến một bài haiku của bậc đại thụ Matsuo Basho (1644-1694):

Trên con đường này

Giữa chiều thu ấy

Đi về không ai

Ngắm cảnh sắc hữu tình khi lá phong chuyển màu ở miền quê thanh bình ở trung tâm Nhật Bản khiến bạn cảm nhận rõ hàm nghĩa của từ "sabi" của người Nhật với những gì đẹp đẽ mà tạo hóa và thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này theo thời gian.

Xem video clip Làng cổ Shirakawago - Nguồn: PHAN XUÂN TÀI

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 6.

Trên những núi đồi, trùng trùng điệp điệp lá vàng, đỏ nổi bật giữa nền xanh...- Ảnh: Trung Nghĩa

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa (*)

Mùa thu ở Gifu có tiết trời mát lạnh như kem. Trời thu dẫu không ấm áp và tươi xanh như xuân hạ, nhưng cũng chưa chìm vào lạnh lẽo, hiu quạnh của tiết đông. Thu ở Nhật có nét đẹp mơ màng như khói sương bay lãng đãng vào độ giao mùa.

Trên những núi đồi, trùng trùng điệp điệp lá vàng, đỏ nổi bật giữa nền xanh. Thiên nhiên như một người họa sĩ tài tình hòa quyện những sắc thái, độ màu khác nhau, làm nên sắc hương tô điểm cho đời mà ngôn từ miêu tả nhiều khi bất lực.

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 7.

Ảnh: Trung Nghĩa

Đứng giữa thung lũng Korankei tràn ngập sắc thu, bạn chợt hiểu rằng đôi khi chỉ có thể cảm nhận mùa thu bằng lòng nhẫn nại và sự tinh tế của tâm hồn, cùng sự mẫn cảm của tình yêu. Như người Nhật có từ "aware" (nỗi buồn bi ai) hay "mono no aware" (nhạy cảm trước vạn vật) rất hợp với bất cứ ai đang chìm đắm trong men thu đẹp như truyền thuyết.

Đôi khi trên bước đường ‘tiếu ngạo giang hồ" mùa thu, bạn đang đi tới mà như lùi về quá khứ và ý thức hơn bao giờ hết món quà của hiện tại ban tặng. Vì bởi chỉ mai đây thôi là thu qua đông tới mất rồi. Khi lá vàng rụng hết, những chốn làng quê này sẽ quạnh hiu và tĩnh mịch hơn. 

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Ảnh 8.

Ông Toshihiko Ota, thị trưởng TP Toyota, tiếp xúc với nhóm khách Việt Nam thăm làng cổ giữa thung lũng Korankei

Ông Toshihiko Ota, thị trưởng TP Toyota mà chúng tôi gặp ở thung lũng Korankei, gửi gắm rằng: "Bạn hãy đăng lên facebook những bức ảnh chụp mùa thu Nhật Bản để lưu giữ nét đẹp và hoài nhớ nơi này nhé".

Nhưng đôi khi, lòng người hoài nhớ mùa thu nước Nhật chỉ vì một bài thơ nữa của Basho:

Mùa thu năm nay

Sao tôi chóng già

Mây trời chim sa

-----

(*): Thơ Tế Hanh

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên