02/10/2014 00:10 GMT+7

​Du lịch cộng đồng - phát triển nhưng chưa thành công

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Cùng với du lịch có trách nhiệm, loại hình du lịch cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững.

Chi phí đầu tư 1 điểm homestay không nhiều, trung bình chỉ từ vài trăm triệu tới hơn một tỷ đồng. Chẳng hạn, kinh phí để xây dựng 1 ngôi nhà sàn Samu ở Bắc Hà (Lào Cai) cho 30 người ở là gần 1,7 tỷ đồng. Và nếu gia đình nào tận dụng luôn ngôi nhà của mình để cho khách ăn nghỉ thì chi phí đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể. Thực phẩm do các hộ gia đình xung quanh, hoặc chính nhà chủ tự cấp, tự túc.

Khách du lịch, ngoài tham quan các điểm du lịch của làng bản, còn có thể trực tiếp trải nghiệm, giao lưu tìm hiểu khám phá về đời sống sinh hoạt của người dân bản địa thông qua chủ nhà. Việc tự mình tham gia ăn, ở, sinh hoạt với người dân là một trải nghiệm thú vị khó quên với bất cứ du khách nào.

Những địa danh như bản Lác (Mai Châu), Chiềng Yên (Sơn La), Sapa, Vườn quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn Cù Lao Chàm... là những điểm du lịch cộng đồng đã đầu tư và đưa vào khai thác, có thương hiệu và được nhiều du khách biết đến. Trong những năm gần đây, số du khách đến thăm các điểm du lịch tự nhiên, tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng dân cư ở Việt Nam ngày càng tăng.

Loại hình du lịch này đặc biệt hấp dẫn và phù hợp với giới trẻ Việt Nam và du khách phương Tây do đặc tính gần gũi thiên nhiên và mức độ trải nhiệm chiều sâu của nó. Homestay thực sự mang du khách đến gần hơn, sâu hơn với các nét đẹp văn hóa, đầy bản sắc của người dân bản địa. Với loại hình du lịch này, du khách không bị lệ thuộc vào lịch trình của hãng lữ hành mà tự do thưởng thức mọi thứ ở nơi họ đến theo cách mà họ muốn. Do đó, có thể nói không ngoa, homestay thực sự là loại hình du lịch “ngon, bổ, rẻ” dành cho du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá.

UYTJ4ulO.jpg

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia về loại hình du lịch này thì thời gian qua du lịch homestay ở Việt Nam có phát triển, nhưng không thành công. Bởi homestay của chúng ta mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hoá của cộng đồng bản địa.

Chúng ta cũng chưa đầu tư thực sự cho loại hình du lịch này. Chi phí đầu tư ít không có nghĩa là chỉ tận dụng vốn tự có. Vẫn ngôi nhà sàn của đồng bào, nhưng để phục vụ khách, đặc biệt là khách nước ngoài, thì nơi ăn ở phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt là khu vệ sinh phải văn minh, chứ không thể truyền thống như cư dân bản địa.

Người dân và chính quyền địa phương chưa biết cách làm homestay theo đúng nghĩa của nó. Chưa biết các tổ chức các tour tuyến tham quan, thưởng thức, khám phá văn hóa ở địa phương mình, dù tiềm năng không nhỏ. Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải, Điện Biên lúng túng không biết làm thế nào để khôi phục lại các trò chơi, hoạt động văn hóa truyền thống để trình diễn cho du khách.

Một khó khăn nữa cản trở sự phát triển của loại hình du lịch này là do đặc thù địa lý, cơ sở hạ tầng đường giao thông chưa phát triển.

Ngành du lịch đã có nhiều chính sách để phát triển du lịch cộng đồng, song có lẽ để loại hình du lịch này thực sự thành công và bền vững, cần phải có nhiều chính sách hiệu quả, sâu sát hơn nữa, vừa góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống cộng đồng, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên