Sinh viên ĐH RMIT tự học trong khuôn viên trường - Ảnh: N.T.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS ĐÀO TRỌNG THI - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhận định:
- Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam tiếp cận xu hướng quốc tế hóa nhanh. Học sinh có nhiều lựa chọn để học tập chương trình đào tạo nước ngoài, chương trình đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như du học nước ngoài, học chương trình của trường nước ngoài tại Việt Nam (tại trường quốc tế hoặc các chương trình liên kết quốc tế) và các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế do chính trường của Việt Nam thực hiện, do Việt Nam cấp bằng.
* Nhiều người cho rằng du học nước ngoài có ưu thế áp đảo và được lựa chọn nhiều hơn so với "du học tại chỗ". Ý kiến của ông thì sao?
- Thực ra, loại hình nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Chẳng hạn như đi du học nước ngoài - nhất là các trường ĐH lớn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến - sẽ đem lại cho người học nhiều lợi ích: được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến, được trải nghiệm môi trường sống nước ngoài...
Tuy nhiên, chi phí để học các trường này rất đắt. Ngoài học phí cao, người học còn phải chuẩn bị tài chính để sinh sống ở những nơi có mức sống cao, mọi chi phí đều đắt đỏ. Chưa kể phải sống xa nhà, có nhiều trường hợp bị tách ra khỏi sự chăm sóc của gia đình, gặp khó khăn trong cuộc sống.
* Nếu có những hạn chế để du học nước ngoài như kể trên thì du học trong nước có phải lựa chọn tối ưu?
- Rõ ràng du học tại chỗ, chọn lựa các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế - kể cả các chương trình đào tạo của nước ngoài, do nước ngoài cấp bằng - tại các trường ĐH ở Việt Nam thì kinh phí rẻ hơn rất nhiều. Nếu điều kiện gia đình, hoàn cảnh cụ thể của bản thân không đáp ứng được việc học ở nước ngoài thì các chương trình "du học tại chỗ" là lựa chọn tối ưu.
Hiện tại với các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế tại Việt Nam thì đối tượng được thụ hưởng sẽ mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học.
* Nhưng theo ông, các trường ở Việt Nam đã sẵn sàng đến đâu để đáp ứng nhu cầu này của người học?
- Các trường chất lượng đều nhận thức rất tốt việc đẩy mạnh quốc tế hóa, thu hút du học tại chỗ. Nhưng để thực hiện, nếu không kiên trì cho mục tiêu chất lượng, cho sự phát triển giáo dục của đất nước thì rất có thể nghiêng vào xu hướng chạy theo thị trường, kiếm tiền là chính.
Vấn đề là trong nhiều chương trình đào tạo nước ngoài tại Việt Nam, phần đóng góp của trong nước rất ít. Các trường chủ yếu chỉ làm các công việc phụ như chiêu sinh, tìm địa bàn mở lớp... Một số giảng viên giỏi có trình độ tiếng Anh tốt có thể tham gia giảng dạy với tư cách từ lời mời đến cá nhân. Còn thực chất các trường vẫn tham gia rất ít vào các khâu chính của giảng dạy và quản lý.
Nếu đã coi đào tạo trình độ quốc tế tại ĐH trong nước là chính sách khuyến khích thì một trong những mục tiêu quan trọng phải đặt ra là phải từng bước chuyển giao công nghệ đào tạo của nước ngoài. Từ đó, tăng dần tỉ trọng tham gia của ĐH Việt Nam vào các chương trình đào tạo này, để một lúc nào đó nó là của chính mình.
* Vậy, đâu là cánh cửa để nâng thương hiệu giáo dục Việt Nam từ quá trình hội nhập, liên kết với các trường nước ngoài, thưa ông?
- Nếu muốn thông qua hợp tác quốc tế để nâng mình lên thì phải từng bước chuyển giao được công nghệ đào tạo của nước ngoài. Chúng ta có lợi thế rất rõ về chi phí đào tạo, về mặt bằng mức sống khá dễ chịu. Từ việc thu hút "du học tại chỗ" bằng chất lượng quốc tế, các trường sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình giảng dạy và quản lý, khẳng định thương hiệu, uy tín và năng lực của chính mình.
Về lâu dài, nhờ hội nhập và học hỏi, cùng kinh nghiệm chuyển giao công nghệ đào tạo của nước ngoài, các trường phải xây soạn được chương trình chất lượng quốc tế phù hợp. Bởi lẽ, xét đến cùng, chương trình của Việt Nam có chất lượng quốc tế gắn với thương hiệu của trường phải là đích cuối cùng mà các trường cần hướng tới.
Có thu hút được "du học tại chỗ", thu hút nguồn lực đầu tư và tin tưởng với nền giáo dục trong nước thì mới có thể nâng cao mặt bằng chất lượng của giáo dục Việt Nam.
* GS GAEL MCDONALD (hiệu trưởng Trường ĐH RMIT Việt Nam):
Học trong nước nhiều thuận lợi
Tôi cho rằng học tại RMIT Việt Nam sinh viên có nhiều thuận lợi hơn trong khi vẫn đảm bảo các quyền lợi như theo học tại cơ sở Melbourne (Úc). Mức học phí tại Việt Nam đã được cân nhắc phù hợp, bằng khoảng 1/3 học phí sinh viên phải trả khi du học tại RMIT Melbourne nhưng bằng cấp là như nhau, do Đại học RMIT cấp.
Một thuận lợi khác là sinh viên có thể lựa chọn sang Melbourne học từ một đến hai học kỳ để có trải nghiệm quốc tế. Sinh viên không phải trả mức học phí mà vẫn duy trì theo chương trình tại Việt Nam. Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên sang một trong hơn 200 trường đối tác của Đại học RMIT trên khắp thế giới với mức học phí không đổi.
* Ông DAVID BURPEE (hiệu trưởng Trường quốc tế Bắc Mỹ - SNA):
Có nhiều lựa chọn tại Việt Nam
Ngay tại Việt Nam vẫn có nhiều lựa chọn chương trình học cho các bậc phụ huynh và học sinh. Bên cạnh các trường đào tạo theo chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT, có rất nhiều trường quốc tế cung cấp các chương trình giáo dục phù hợp nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Với thời đại công nghệ, khoảng cách giữa những người ở nhiều nơi trên thế giới đã giảm đáng kể. Thế giới là nhỏ hơn.
Từ năm học 2018-2019, Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA) được tổ chức IB công nhận là ứng viên giảng dạy chương trình tú tài quốc tế IB, bắt đầu từ tiểu học - PYP. Chương trình PYP đang được giảng dạy ở 109 quốc gia.
Học với chương trình tú tài quốc tế được xem như một kiểu trải nghiệm du học tại chỗ, tạo nên nền tảng vững chắc cho bậc đại học và cũng chính là cơ hội tuyệt vời để săn học bổng ở các đại học danh giá trên toàn thế giới.
Là thành viên của IB có nghĩa là SNA tham gia vào một môi trường giảng dạy toàn cầu, do đó phải cam kết phát triển chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn, thực tiễn và sứ mệnh của IB.
Bà Gael McDonald (trái) và ông David Burpee
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận