13/03/2015 09:39 GMT+7

Đột phá để thu hồi tài sản tham nhũng

GS.TS LÊ HỒNG HẠNH (viện trưởng Viện pháp luật và kinh tế ASEAN)
GS.TS LÊ HỒNG HẠNH (viện trưởng Viện pháp luật và kinh tế ASEAN)

TT - Khi nói đến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng, chắc rằng ai cũng thấy cần thiết và ủng hộ các cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Hội thảo “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” diễn ra tại Ban Nội chính Trung ương sáng 13-3 - Ảnh: V.V.Thành

Câu hỏi là làm mạnh hơn theo hướng nào? Lâu nay khi thu hồi tài sản tham nhũng thì phải qua thủ tục hành chính hoặc tư pháp.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp để chờ các quyết định hành chính hoặc bản án mất đến hàng năm, vì phải qua hết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi quay lại sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. 

Nếu vẫn giữ cách làm như vậy thì chẳng có gì phải bàn vì pháp luật hiện hành đã có. Hơn nữa, những quy định, quy trình và thủ tục hiện có chưa đáp ứng được mong muốn của chúng ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi chiếm tỉ lệ thấp.

Đã đến lúc cần một điều gì đó đột phá, và muốn đột phá thì không thể theo cách thông thường.

Vừa qua dư luận chứng kiến trường hợp một biệt thự của một vị tướng công an tại rừng cấm Hải Vân. Hành vi vi phạm đã quá rõ, cơ quan chức năng có thể yêu cầu tháo dỡ ngay mà không cần tới thủ tục hành chính hoặc tư pháp nào quá nhiêu khê.

Từ trường hợp này, liên hệ đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, có thể thấy rằng điều quan trọng là xác định được hành vi vi phạm của quan chức tham nhũng. Có những hành vi vi phạm nhìn từ góc độ kinh tế rất rõ ràng.

Đơn cử một quan chức với thu nhập khiêm tốn như thế này mà có khối tài sản lớn như thế kia, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì quan chức đó không lý giải được sự giàu có bất thường của bản thân và gia đình.

Khi xác định được hành vi vi phạm, chúng ta sẽ có những phương pháp nhất định để quy ra giá trị, lợi ích. Trong lĩnh vực kinh tế như chứng khoán, đầu tư, sở hữu trí tuệ, việc xử lý những lợi ích thu được từ vi phạm đều có thể thực hiện dựa trên những tính toán kinh tế. Thực tiễn pháp luật nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo.

Tiếp cận từ góc độ như vậy, chắc chắn sẽ có những chuyển động tích cực hơn trong việc thực hiện chủ trương thu hồi tài sản tham nhũng, nếu chúng ta bổ sung quy định về việc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp, mà đối tượng kê khai tài sản không chứng minh được một cách hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng lên.

Một vấn đề khác, tài sản ở đây được hiểu có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Tuy nhiên, dùng khái niệm tài sản có thể chưa bao gồm hết những thứ khó được coi là tài sản thật sự có thể thu hồi và chẳng có giá trị gì để thu hồi.

Ví dụ, cán bộ có chức quyền bổ nhiệm trái quy định, trái thủ tục cho con của lãnh đạo trường đại học vào làm việc tại cơ quan mình, để đổi lấy việc mình được trúng tuyển vào nghiên cứu sinh (để làm tiến sĩ) hoặc con mình được vào trường đại học. Trong trường hợp này nếu thu hồi tài sản thì thu hồi tài sản nào?

Một ví dụ khác đã được đề cập gần đây và dư luận khá quan tâm là hối lộ tình dục. Quan tham nhũng nhận “những giây phút sung sướng” để làm những việc không được phép làm. Vậy thu hồi tài sản ở đây nhằm vào cái gì?

Như vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn diện hơn. Theo đó, không chỉ thu hồi tài sản mà phải hướng đến việc hủy bỏ bất cứ lợi ích nào của tất cả những kẻ phạm tội hối lộ nói riêng, tham nhũng nói chung.

V.V.THÀNH ghi

GS.TS LÊ HỒNG HẠNH (viện trưởng Viện pháp luật và kinh tế ASEAN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên