03/09/2017 20:59 GMT+7

Đồng tiền độc lập - kỳ cuối: Trận chiến tiền tệ cuối cùng

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Ngày 21-2-1955, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi nhật ký: "Cuộc chiến tranh bằng tiền giả. Hiện nay thực dân Pháp tung giấy bạc giả ra rất nhiều, nhất là xung quanh vùng bị tạm chiếm. Chúng mua vật thực của ta, vừa mua vừa phá giá".

Đồng tiền độc lập - kỳ cuối: Trận chiến tiền tệ cuối cùng - Ảnh 1.

Tiền giấy “Cụ Hồ” thời kỳ đầu của chính phủ kháng chiến - Ảnh tư liệu

"Gạo 3.000-4.000 đồng/tạ. Cam 20-30 đồng/quả. Chúng gây giá sinh hoạt ở ta lên cao, dân chúng thờ ơ bị mắc mưu chúng..."

Chống lạm phát

Theo ông Hiến, quân sự có thắng có bại, nhưng trên mặt trận tài chính lúc nào cũng đầy lo âu vì nhu cầu tiền tệ ngày càng nhiều trong khi lạm phát lại gia tăng chóng mặt trên khắp cả nước. Thực tế, nguồn thu ngân sách ở các vùng tự do hằng năm chỉ được gần một phần ba lượng chi. Giải pháp duy nhất là phải phát hành thêm tiền trên cả ba miền đất nước.

Tài liệu của Ngân hàng Nhà nước lưu trữ cho biết: "Tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách hằng năm tới trên 70%. Chỉ số tiền lưu thông tăng lên nhanh chóng: năm 1946 tăng 100%, đến năm 1950 tăng 3.904%".

Đặc biệt, ngày 31-6-1951 tăng 5.509%. Tình trạng lạm phát ở vùng kháng chiến Nam Bộ cũng phức tạp nhưng không nghiêm trọng lắm vì nông sản, thực phẩm vùng này vẫn dồi dào. Nặng nề nhất là ở miền Bắc, miền Trung, khi các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo đều tăng giá đến mức chóng mặt.

Nhật ký ngày 2-9-1950 của Bộ trưởng Hiến ghi: "Cùng với Tạ Quang Bửu bàn riêng về ngân sách quốc phòng năm nay và năm 1951. Thật là vấn đề khó khăn phải giải quyết. Lâu nay chỉ loanh quanh giải quyết bằng phương pháp tài chính, thu thuế của dân, in giấy bạc. 

Nhưng vùng tự do ngày càng bị rút hẹp, dân bớt, địa bàn sản xuất bị địch kiểm soát, nếu quân sự không đạt nhiệm vụ giải phóng trung du thì khó lòng ra khỏi bước khó khăn hiện thời về tài chính cũng như về kinh tế. In giấy bạc để cung cấp không khó lắm, nhưng in ra mà gặp sự khó khăn trong nhân dân và sản phẩm không đủ để cung cấp thì tai hại".

Ngoài tình hình chiến sự ngày càng lan rộng ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất khu kháng chiến, các đòn đánh phá kinh tế - tài chính của Pháp là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khó khăn này.

Theo Bộ trưởng Hiến, ngay từ năm 1947 khi đồng tiền độc lập vừa ra đời một năm đã bị lạm phát nặng nề, ông họp và đưa ra một loạt chính sách đối phó: trong đó phải hết sức cảnh giác việc buôn bán với người Trung Quốc, đề phòng họ thâu gom bạc Đông Dương. 

Chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua các thứ cần cho quốc phòng nhưng phải điều tra bí mật nguồn gốc người bán hàng. Khai thác nguyên liệu và làm ra hàng hóa để đổi hàng ngoại quốc hoặc xuất khẩu lấy ngoại tệ...

Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, tình hình mỗi miền có đặc thù khác nhau, nhưng các giải pháp chung vẫn là tiết kiệm chi tiêu, tự cung tự cấp, chống đầu cơ đẩy giá lên cao, ổn định nguồn thu thuế. Đặc biệt là thực hiện chế độ "trả lương" cho cán bộ, viên chức vùng kháng chiến bằng hiện vật như lúa, khoai thay tiền mặt. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng ký sắc lệnh cho phép thực hiện các nguồn thu tài chính từ nhân dân trên khắp cả nước.

Trong đó, riêng công phiếu kháng chiến thu được 500 triệu đồng, công trái quốc gia quy ra lúa khoảng 10 vạn tấn, quỹ tham gia kháng chiến 174,6 triệu đồng, quỹ công lương 10 vạn tấn thóc...

Đồng tiền độc lập - kỳ cuối: Trận chiến tiền tệ cuối cùng - Ảnh 2.

Séc ghi tên phát hành ở Nam Bộ - Ảnh tư liệu

Hoàn thành sứ mệnh

Theo giáo sư Văn Tạo, cuộc chiến tranh trên mặt trận tiền tệ giữa Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Nam từ năm 1945-1954 tuy lợi thế thường ngả về phía Pháp, nhưng chưa bao giờ họ thu được một thắng lợi hoàn toàn nào. 

Vừa dùng biện pháp quân sự mạnh, Pháp vừa tung tiền giả để phá giá rồi phong tỏa hàng hóa, phá hoại nền kinh tế chỉ làm cho phía cách mạng khó khăn nhất thời nhưng sau đó đều vượt qua được. 

"Ngược lại, có thể khẳng định đây là chiến thắng độc đáo của kháng chiến Việt Nam. Trong lịch sử, hiếm lực lượng cách mạng quốc gia nào trên thế giới có thể tự in ấn, phát hành đồng tiền riêng của mình thành công như vậy. 

Đặc biệt là với tình cảnh lực lượng kháng chiến Việt Nam chẳng hề có hầm vàng làm bản vị hay ngoại tệ dự trữ mạnh nào để bảo đảm giá trị các tờ bạc mình in ra. Tất cả chỉ được bảo đảm bằng niềm tin của lòng dân", GS Văn Tạo nói.

Năm 1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục phát triển nền tài chính độc lập của mình trước sự triệt thoái của quân đội Pháp. Để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở các vùng tiếp quản, Chính phủ thực hiện đổi từ tiền Đông Dương sang tiền Việt Nam từ ngày 11-10-1954 với tỉ suất 1 đồng Đông Dương được 30 đồng tiền Việt. 

Đến ngày 7-11-1954, tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa đã làm chủ thị trường miền Bắc. Tờ bạc Đông Dương dần bị xóa khỏi một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Ở miền Nam, trước khi bộ đội tập kết ra Bắc, chính quyền cách mạng đã cho đổi ngược từ tiền kháng chiến sang tiền Đông Dương để bảo đảm quyền lợi người dân ở lại bên đây vĩ tuyến 17. Tỉ suất 40 đồng "Cụ Hồ" đổi được 1 đồng Đông Dương. 

Ông Trang Sĩ Liêm, một trong những người chèo xuồng chở tiền vào tận bưng biền để đổi cho dân, kể: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lượng tiền Đông Dương đủ để đổi 3 tỉ đồng tiền kháng chiến đang giữ trong dân, nhưng đến ngày cuối vẫn còn dư. Lý do là đồng bào Nam Bộ hào sảng, nghĩa tình, nhiều người muốn giữ lại những tờ bạc có in hình cờ đỏ và Cụ Hồ làm kỷ niệm..."

Đúc tiền vàng và phát hành séc ghi tên

Năm 1948, Chính phủ cho đúc các tiền vàng loại 10, 20, 50 đồng Việt. Tuy nhiên, do tình hình thực tế lúc ấy, số lượng các đồng vàng VNDCCH này không được bao nhiêu và cũng chưa đủ để quy định hàm kim lượng cho tờ giấy bạc Việt Nam.

Chúng được gửi về các địa phương để "làm tin", bảo đảm nền tài chính kháng chiến.

Theo ông Trang Sĩ Liêm, cán bộ Sở Ngân khố Nam Bộ thời kỳ này, miền Nam còn phát hành loại "séc ghi tên" khá hiện đại để hạn chế lượng tiền mặt quá nhiều ở vùng tự do.

Loại séc này có các mệnh giá 1.000, 5.000 và 10.000 đồng do Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ phát hành.

Chúng rất thuận tiện cho người dân buôn bán lớn ở vùng tự do lẫn vùng tạm chiếm khi có thể đổi ra tiền Đông Dương hoặc tiền cách mạng phát hành.

Các biện pháp này đã dần giúp tăng giá trở lại tờ bạc kháng chiến với tỉ lệ từ 40 đồng ăn 1 đồng Đông Dương xuống còn 38 đồng, rồi 35 đồng...

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên