02/01/2018 16:18 GMT+7

Đồng tiền ảo Bitcoin - Kỳ 2: Bitcoin là gì?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Khi đồng tiền ảo bitcoin đột ngột làm mưa làm gió trong năm 2017 thì người ta mới thực sự nghiêm túc đặt ra câu hỏi bitcoin là cái gì và tại sao bitcoin có giá trị lớn đến vậy?

Đồng tiền ảo Bitcoin - Kỳ 2: Bitcoin là gì? - Ảnh 1.

Cẩn trọng với bitcoin - Ảnh: BFM

Nguy cơ chính trong ngắn hạn là chính quyền Mỹ cấm tiệt đổi bitcoin sang USD nếu cơ quan chức năng chứng minh loại tiền này được dùng tài trợ cho hoạt động khủng bố chẳng hạn

Giáo sư tài chính Noël Amenc

Bitcoin gồm hai từ ghép là "bit" - đơn vị cơ bản của thông tin theo hệ nhị phân, và "coin" nghĩa là "tiền" theo tiếng Anh. Giới chuyên môn cho rằng tiền ảo bitcoin đầu tiên thành hình trong hệ thống vào ngày 3-1-2009. 

Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn giao dịch MtGox vào tháng 6-2010 và đến năm 2013 được sử dụng để giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư.

Bitcoin được tạo ra như thế nào?

Khi đồng tiền ảo bitcoin đột ngột làm mưa làm gió trong năm 2017 thì người ta mới thực sự nghiêm túc đặt ra câu hỏi bitcoin là cái gì và tại sao bitcoin có giá trị lớn đến vậy? 

Câu hỏi "bitcoin được tạo ra như thế nào" làm hao tốn nhiều giấy mực dù đã có rất nhiều thông tin giải thích cho việc này. Dĩ nhiên các "fan" của bitcoin luôn đưa ra những giải thích cổ xúy cho bitcoin là "không bị lệ thuộc vào chính quyền", một loại đồng tiền tự do của thời toàn cầu hóa.

Theo giải thích thông dụng nhất, bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. 

Với những đặc tính quan trọng như tài khoản ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí, bitcoin được tán tụng là có độ bảo mật cao, xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán. 

Ai cũng có thể sở hữu bitcoin thông qua giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào" bitcoin.

Khái niệm "đào" trên thực tế là việc bitcoin được cấp tới các máy tính (của người tham gia ở bất kỳ nơi nào có nối mạng) để trả công tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch, mã hóa và ghi vào chuỗi khối (blockchain). 

Mức trả công tưởng thưởng lúc đầu là 12,5 đồng bitcoin. Bitcoin có thể được chia nhỏ hơn tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn nữa gọi là satoshi, được đặt theo tên người sáng lập.

Blockchain giống như sổ cái kế toán với mỗi trang gọi là khối (block) nối thành chuỗi. Blockchain được phân tán trong mạng ngang hàng (không qua máy chủ điều phối) và sử dụng bitcoin là đơn vị kế toán. Công nghệ blockchain là dạng chuỗi dữ liệu phi tập trung được phân tán ở hàng ngàn máy tính trên khắp thế giới.

"Ta không thể xóa bỏ hoặc điều chỉnh dữ liệu đã được viết trên blockchain. Blockchain được dùng lưu trữ và bảo vệ dữ liệu" - ông Manuel Valente, chuyên gia của Nhà Bitcoin (địa điểm gặp gỡ ở Paris), giải thích. 

Hiện mỗi máy tham gia sẽ mất khoảng mươi phút để tìm ra giải pháp được phép tham gia vào chuỗi blockchain.

Đồng tiền ảo Bitcoin - Kỳ 2: Bitcoin là gì? - Ảnh 3.

Một nhà hàng ở Seoul (Hàn Quốc) dán thông báo cho sử dụng đồng bitcoin khi vào đây - Ảnh: Reuters

Bitcoin có xài được không?

"Bitcoin không phải là tiền tệ như ta thường biết mà là một phương thức thanh toán được công nhận ở một số quốc gia như Nhật và Úc" - giáo sư tài chính Noël Amenc thuộc Trường Kinh doanh Edhec (Pháp) giải thích. 

Bitcoin không thuộc quyền điều hành, chi phối của các ngân hàng trung ương và không có liên hệ gì với nền kinh tế thực thông qua tỉ giá như các đơn vị tiền tệ thông dụng hiện hành.

Thực tế mà nói, dù bị nhiều nước cấm đoán nghiêm túc hoặc lên tiếng cảnh báo cho người dân, bitcoin vẫn đang len lỏi trong cuộc sống chúng ta. 

Bitcoin đã được dùng như công cụ thanh toán ở một số công ty kinh doanh trên mạng, thậm chí ở một số cửa hàng, nhà hàng (như tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc). 

Chuyện bitcoin trở thành đồng tiền giao dịch riêng giữa những người có "ví tiền bitcoin" trên mạng là chuyện cũng không lạ.

Cũng do chưa có quy chuẩn quản lý (mà kỳ thực là giới chơi tiền bitcoin tự cho mình cái quyền không thuộc quyền quản lý của cơ quan tài chính nào) nên có thông tin cho rằng bitcoin đang được dùng thanh toán trong các hoạt động bất hợp pháp của bọn tội phạm có tổ chức (mua bán hàng cấm, rửa tiền...).

Chơi bitcoin có rủi ro không?

Trên thực tế có thể mua và bán bitcoin trên các sàn giao dịch trên mạng, tuy nhiên như Cơ quan các thị trường tài chính (AMF) và Cơ quan Giám sát an toàn Pháp (ACPR) nhận định, đây là hình thức đầu cơ với rủi ro cao.

Từ giá 1.012 USD/bitcoin ngày 2-1-2017, bitcoin tăng giá đến hơn 16.000 USD vào ngày 5-12-2017. Với giá trị quá bấp bênh như thế, người mua bán có thể mất vài ngàn USD/bitcoin chỉ trong vài ngày. 

Ngoài ra còn có nguy cơ đến từ các sàn giao dịch mua bán bitcoin trên mạng. Các sàn có thể một ngày nọ biến mất hoặc lừa đảo như vụ sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới MtGox.

Chuyên viên tin học Mark Karpelès (người Pháp, năm nay 32 tuổi) thành lập Công ty Tibanne ở Nhật năm 2009, sau đó giữ 88% vốn của sàn giao dịch MtGox và giữ chức tổng giám đốc. 

Ngày 25-2-2014, "đùng một cái" sàn MtGox tuyên bố phá sản với lý do tin tặc đã đánh cắp 850.000 bitcoin (trị giá lúc đó khoảng 350 triệu euro). 

Sau này 202.185 bitcoin đã được tìm thấy trong ví tiền không hoạt động của sàn. Sau hơn ba năm điều tra, cơ quan điều tra xác định Mark Karpelès là người chịu trách nhiệm.

Tại Việt Nam, cuối tháng 2-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhắc đến vụ sàn MtGox bất ngờ đóng cửa và nêu ý kiến như sau: Theo các quy định pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, vì vậy sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

"Tôi vô tội"

bitcoin3

Mark Karpelès bị bắt tại Tokyo ngày 1-8-2015 - Ảnh: SIPA

Mark Karpelès bị cảnh sát Nhật bắt giữ ngày 1-8-2015. Tháng 7-2016, bị can được bảo lãnh sau 10 tháng ngồi tù. Ngày 11-7-2017, tòa án ở Tokyo mở phiên tòa đầu tiên xét xử Mark Karpelès về các tội danh xâm phạm thông tin mạng và lấy cắp vốn thương mại để chi tiêu cá nhân.

Phát biểu với báo chí, Mark Karpelès vẫn khẳng định: "Tôi thề trước Chúa tôi vô tội".

Năm 2010, Mark Karpelès từng bị tòa án Pháp kết án 1 năm tù cho hưởng án treo và bồi thường 45.000 euro về tội xâm nhập hệ thống mạng trái phép.

Trong vụ sàn giao dịch MtGox, cơ quan điều tra Nhật lấy tỉ giá ngày 23-4-2014 là 483 USD/bitcoin, như vậy Mark Karpelès phải bồi thường cho gần 750.000 bitcoin là 362 triệu USD. MtGox còn tài sản 202.000 bitcoin, bằng 1,25 tỉ USD hiện nay. \

Như vậy sau khi bồi thường, MtGox vẫn còn gần 900 triệu USD chia cho các cổ đông (Mark Karpelès giữ 88%).

*************

Kỳ tới: 1.000 người nắm 40% bitcoin

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên