TĐại diện nguyên đơn và bị đơn tại tòa ngày 21-8 - Ảnh: T.L.
Trình bày trước tòa, luật sư Trần Đức Vũ (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn) cho rằng yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường 119 tỉ đồng vì bị chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng của nguyên đơn là hoàn toàn có căn cứ.
“Tập đoàn Auchan là thương hiệu bán lẻ lớn nhất của Pháp sở hữu gần 900 đại siêu thị, 370 siêu thị và hơn 860 trung tâm mua sắm trên toàn thế giới.
Nhận thấy Marone nói riêng và Tập đoàn Auchan nói chung là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới nên khi họ đề nghị hợp tác một cách nghiêm túc, An Lạc đã đồng ý hợp tác và dành những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho Marone khi thuê mặt bằng để làm siêu thị.
Hợp đồng nguyên tắc do hai bên ký kết có nội dung phía Marone sẽ thuê mặt bằng với thời hạn ít nhất 20 năm với mục đích kinh doanh siêu thị “Auchan”. Tuy nhiên sau đó, Marone đề cập đến quyết định đóng cửa hàng và đề xuất chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng chỉ sau 2 năm hoạt động.
Phía Marone cũng yêu cầu An Lạc hoàn trả tiền thuê mặt bằng mà Marone chưa sử dụng” - luật sư Đức trình bày trước tòa các căn cứ để cho rằng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Nguyên đơn cũng cho rằng việc Marone đóng cửa siêu thị Auchan, bán toàn bộ tài sản tại mặt bằng thuê cho bên thứ 3 là Saigon Co.op mà không có thông báo, không được sự chấp thuận bằng văn bản của nguyên đơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn.
Do đó, Marone có nghĩa vụ phải bàn giao, hoàn trả toàn bộ mặt bằng thuê tại số 332 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú và bồi thường số tiền 119 tỉ đồng
Trong khi đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong vụ việc này, Marone chưa đơn phương chấm dứt hợp đồng, cũng chưa vi phạm bất cứ điều khoản nào của hợp đồng.
“Việc đóng cửa siêu thị và chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng là hoàn toàn khác nhau. Phía An Lạc cho rằng việc đóng cửa siêu thị là đơn phương chấm dứt hợp đồng, đây là kiểu suy luận không đúng. Từ trước đến nay, Marona chưa hề có chữ nào thông báo chấm dứt hợp hợp đồng mà chỉ đề xuất.
Nếu đề xuất không được chấp thuận thì không có hiệu lực” - ông Nghĩa trình bày trước tòa.
Đại diện bị đơn cũng cho rằng việc An Lạc yêu cầu bồi thường là chưa có căn cứ vì chưa có hậu quả trực tiếp xảy ra, thiệt hại tương lai cũng chưa có. Trong khi nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải dựa trên thiệt hại trực tiếp.
Do có nhiều quan điểm trái chiều nên phiên tòa tạm nghỉ. Ngày 27-8, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận