Theo báo New York Times, lần cuối cùng con người được nhìn thấy “sao chổi Quỷ” là vào năm 1954. Nếu bỏ lỡ cơ hội quan sát “sao chổi Quỷ” lần này, con người phải đợi 71 năm nữa mới có thể nhìn thấy lại nó.
“Đó là một sao chổi đặc biệt”, ông Eliot Herman, một nhà nghiên cứu công nghệ sinh học đã về hưu tại Đại học Arizona và cũng là người theo dõi "sao chổi Quỷ" trong vài tháng qua, cảm thán.
“Nó không chỉ sáng hơn khi dần tiến đến gần Mặt trời, mà đang thay đổi từng ngày”, ông Herman nói thêm.
“Sao chổi Quỷ” có tên chính thức là sao chổi 12P/Pons-Brooks, thuộc loại sao chổi băng lạnh. Quả cầu băng màu xanh lá cây đã thu hút sự chú ý của công chúng từ tháng 7-2023.
Trước đó sao chổi này từng có một đợt phun trào tương tự vào năm 2023. Vụ phun trào khiến nó sáng lên gấp hàng trăm lần và được gắn biệt danh "sao chổi Quỷ", sau khi đám mây mù bao quanh nó tạo thành hình sừng.
Đến tháng 12-2023, các nhà khoa học dần quan sát được phần đuôi của “sao chổi Quỷ”. Phần đuôi này càng trở nên dài hơn và nổi bật hơn từ tháng 3 vừa qua, khi sao chổi này di chuyển đến gần Mặt trời hơn.
Một số người hy vọng “sao chổi Quỷ” bừng sáng đủ để con người có thể nhìn thấy trong sự kiện nhật thực toàn phần hôm 8-4, nhưng đáng tiếc chúng ta vẫn chưa thể quan sát thấy nó bằng mắt thường.
Tuy nhiên mọi người có thể quan sát thấy “sao chổi Quỷ” rõ nhất khi nó đạt đến điểm gần Mặt trời nhất vào ngày 21-4.
Theo nhà thiên văn học Bill Cooke thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), để có thể quan sát “sao chổi Quỷ” rõ nhất, mọi người nên hướng kính viễn vọng hoặc ống nhòm lên bầu trời phía tây lúc chạng vạng. Lúc này sao chổi sẽ nằm phía dưới bên phải sao Mộc - vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm 21-4.
Tuy nhiên, ông Cooke cũng lưu ý “sao chổi Quỷ” giờ đây đã mất đi cặp sừng quỷ đặc trưng và chỉ trông giống những ngôi sao chổi bình thường khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận