21/05/2014 10:01 GMT+7

Đời tôi - giữa hồi ức và lịch sử

LÊ MINH KHA
LÊ MINH KHA

TTO - Liệu có thể chiêm ngắm vũ trụ thông qua một giọt nước, liệu có thể nắm bắt được diễn trình của lịch sử bằng câu chuyện của một cá nhân riêng lẻ trong muôn triệu người?

zxHO3VQ4.jpg
Đời tôi – tự truyện của Giáo hoàng văn học Đức – Lê Chu Cầu dịch

Tự truyện Đời tôi của Marcel Reich-Ranicki – người được xem là Giáo hoàng của văn học Đức - góp thêm câu trả lời cho những suy tư ấy.

Sức mạnh của thể loại

Tự truyện – như tên gọi của nó, là thể loại mang tính chủ quan rõ nét, khi đối tượng phản ánh chính là cuộc đời của người viết thông qua hành trình tự thuật. Để từ đó khơi mở những tâm tư, những trăn trở, làm hiện lên số phận, chân dung tinh thần của tác giả và cả bức tranh thời đại.

Ý thức vận mệnh đời mình gắn liền với vòng xoay lịch sử, Reich-Ranicki đã rất khéo léo khi dựng nên bộ khung cho những câu chuyện kể về cuộc đời mình.

Cuốn tự truyện gồm có năm phần với những cột mốc thời gian riêng – chung, cá nhân – cộng đồng, tái hiện hàng loạt vấn đề mà ông đã thật sự cảm nghiệm, trong tư cách vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân lịch sử.

Đó là những sinh hoạt học đường của Đức vào đầu thế kỷ 20 qua góc nhìn của người trẻ tuổi giàu đam mê và hoài bão văn chương (Phần một); đó là những trang viết thương tâm và đau đớn về cảnh ngộ của người Do Thái trong trại tập trung Warsaw (Phần hai)…

Và bàng bạc khắp cuốn tự truyện là hàng loạt suy ngẫm về nghề văn, về văn chương Đức với những cái tên như: Goethe, Schiller, Heine, Kafka, Brecht, Heinrich Boll, Gunter Grass…

Nhất là ở ba phần cuối của cuốn tự truyện, đi kèm những sự kiện diễn ra trong cuộc đời Reich-Ranicki là những chiêm nghiệm sâu sắc của ông khi tắm mình trong thế giới của văn học nghệ thuật.

Ông gọi văn học là “cảm giác tồn tại”, ông hăng hái trong vai trò là nhà phê bình, góp phần “mở đường cho thơ”, ông đánh giá cao vai trò của nhà văn Thụy Sĩ Max Frisch (1911 – 1991) như “hiện thân của văn học châu Âu” khi viết về nỗi thống khổ của con người…

Tính chất riêng tư trong những cảm nhận, sự độc đáo ở cái nhìn và cách đánh giá những hiện tượng lịch sử và văn học, đó là nét đặc sắc mà thể loại tự truyện đã trao quyền năng cho Giáo hoàng văn học Reich-Ranicki.

Ý thức về điều đó, tác giả cứ nhẩn nha, chậm rãi trong những hồi ức sống động, đôi khi thật bạo liệt trong bao biến cố tang thương, đôi khi lại rất đỗi trữ tình trong tình yêu tuyệt đẹp dành cho người vợ Tosia. Lịch sử cá nhân và lịch sử cộng đồng hòa quyện, bằng sự thăng hoa của thể loại và ngòi bút.

Những ưu tư về nỗi đau

Tạp chí Der Spiegel gọi cuốn tự truyện Đời tôi của Marcel Reich-Ranicki là “tấn bi kịch bằng văn xuôi”. Dẫu rất phong phú trong giọng điệu trần thuật, âm hưởng chủ đạo của cuốn tự truyện vẫn là một nỗi buồn man mác, gắn với bao ưu tư về nỗi đau của con người.

Với Reich-Ranicki, nỗi đau đã bắt nguồn từ thời học sinh, với những dị nghị, bài xích đối với nguồn gốc Do Thái của ông. Và cậu học trò ấy đã ra sức phấn đấu học thật giỏi môn Đức văn để thoát khỏi phần nào những ánh mắt dè bỉu của thầy cô và bè bạn.

Nhưng trải nghiệm đau thương nhất của Reich-Ranicki là những tháng ngày ở trại tập trung Warsaw, qua những chi tiết đầy ám ảnh về tội ác của quân lính Đức với người Do Thái; trong ranh giới giữa sống và chết; trong những trăn trở về cái mong manh, hữu hạn, thậm chí vô nghĩa của kiếp người dưới guồng quay điên cuồng của chiến tranh và lịch sử.

Điều đó ám ảnh đến mức ngay cả khi ông cùng với vợ của mình thoát khỏi trại tập trung và được tự do, nỗi sợ hãi vẫn luôn thường trực nơi họ: “Chúng tôi đã tự do”, nhưng “Giờ đây chúng tôi có phấn chấn, vui vẻ, thậm chí hạnh phúc không? Chúng tôi không có thì giờ nghĩ về điều ấy và vẫn còn sợ…”.

Những trang viết cuối cùng của cuốn tự truyện gắn với tiêu đề thật đẹp: “Là một giấc mơ”. Bên nhau, tác giả cùng người vợ Tosia đã tìm thấy cho họ những nơi nương náu, vượt thoát khỏi mọi nỗi đau và sự sợ hãi, đó là âm nhạc, văn học và tình yêu.

Tác phẩm cũng khép lại trong niềm hân hoan, ca tụng tình yêu đẹp sau những bão dông thời cuộc: “Là một giấc mơ, chứ không thể thật/Rằng hai chúng mình ở bên nhau”.

Giấc mơ ấy của Marcel Reich-Ranicki là một giấc mơ được kết dệt bằng những sợi tơ vàng óng của hồi ức và lịch sử.

Vài dòng về tác giả

Marcel Reich-Ranicki (1920 – 2013) là nhà phê bình văn học nổi tiếng. Ông là tác giả của nhiều công trình có giá trị về văn học Đức, là tiến sĩ danh dự và giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trên thế giới. Ngoài ra, ông còn là người dẫn các chương trình văn học trên sóng phát thanh và truyền hình, như chương trình “Quán cà phê văn học”, “Bộ tứ văn học”…

LÊ MINH KHA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên