Bàn thắng mở tỉ số của Toivonen trong trận Thụy Điển - Đức - Ảnh: REUTERS
Trên đất Nga năm 2018, có một đội bóng như thế. Họ là một tập thể không màu mè, không phô trương nhưng thành tích của họ chưa chắc nhà vô địch năm nay có thể sánh bằng - Thụy Điển.
Năm 2016, đội bóng Bắc Âu thất bại tủi hổ tại Euro 2016 sau khi đứng chót bảng và không ghi nổi một bàn thắng. Cuối giải, ngôi sao số 1 bóng đá nước này - Zlatan Ibrahimovic - tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia.
Tưởng chừng bóng đá Thụy Điển sẽ rơi vào cơn khủng hoảng, nhưng không, đội bóng Bắc Âu ngày càng chững chạc với nhiều cầu thủ bước vào độ chín của sự nghiệp như Emil Forsberg, Marcus Berg, Toivonen…
Dưới sự dẫn dắt của HLV Janne Adersson, Thụy Điển từ chỗ đội bóng dựa dẫm vào tiền đạo chủ lực Ibrahimovic trở thành một tập thể chắc chắn với một hàng phòng ngự thép.
Chiếc băng đội trưởng từ Ibrahimovic chuyển sang Granqvist, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao cốt cách của đội tuyển Thụy Điển, từ kiêu ngạo, trịch thượng sang giản dị, trầm lặng - giống tính cách hai người đội trưởng.
World Cup 2010, Hà Lan hạng nhì; World Cup 2014, Hà Lan hạng ba; World Cup 2018, Hà Lan không thể tham dư do Thụy Điển - Ảnh: REUTERS
Khi có được sức mạnh tập thể, họ có tất cả. Trong vòng loại World Cup 2018, Thụy Điển loại "đại gia" Hà Lan nhờ hiệu số bàn thắng bại qua đó giành ngôi nhì bảng sau tuyển Pháp. Chiến tích của gã viking Thụy Điển bắt đầu cú bắn hạ con phượng hoàng màu da cam.
Bước vào vòng play-off, trong rất nhiều đối thủ dễ chịu, lá thăm đưa Thụy Điển gặp ngay đối thủ mạnh nhất - tuyển Ý. Trước nhà cựu vô địch thế giới, Thụy Điển thi đấu kiên cường khiến đội bóng bậc thầy về phòng ngự cũng phải cúi đầu nể phục trước hàng thủ tuyệt vời của đội bóng Bắc Âu.
Sau hơn 180 phút của 2 lượt trận, Ý không một lần làm thủng tung lưới thủ môn Robin Olsen, Thụy Điển đường hoàng có mặt tại vòng chung kết World Cup 2018. Cùng với đó, nhát chém duy nhất của Jakob Johansson, Thụy Điển sưu tập thêm con phượng hoàng màu thiên thanh.
Thụy Điển loại luôn ông lớn Ý để vào vòng chung kết - Ảnh: REUTERS
Đến Nga, những lá thăm lại một lần nữa đưa Thụy Điển vào một bảng đấu khó thở với nhà đương kim vô địch thế giới - Đức, đội bóng số 1 CONCACAF - Mexico, cùng đại diện châu Á - Hàn Quốc với một Son Hyeung Min thi đấu thăng hoa trong đội hình.
Thụy Điển chẳng hề nao núng để rồi hiên ngang vào vòng 16 đội với ngôi nhất bảng F cùng 2 chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc và 3-0 trước Mexico, qua đó góp phần loại Đức về nước.
Công bằng mà nói, Thụy Điển có thể đã "trừ khử" được Đức ngay từ vòng 2 nếu không có cú đá phạt thần kỳ của Toni Kroos ở phút bù giờ cuối cùng. Nhưng dù sao, Thụy Điển cũng đã góp tay khuất phục con phượng hoàng lớn nhất, óng ánh nhất, nhà đương kim vô địch.
Chiến thắng 4-2 đánh nhớ của Thụy Điển và riêng cá nhân Ibrahimovic - Nguồn: FATV
Đối thủ tiếp theo của Thụy Điển là Anh - một con phượng hoàng trẻ trung nhất, sung sức nhất. Trong lịch sử đối đầu, Thụy Điển không hề lép vế trước Anh khi thắng 7, thua 8, hòa 9. Tại World Cup 2002 và 2006, Thụy Điển và Anh đều nằm cùng bảng và luôn bất phân thắng bại.
Nhưng người ta làm gì nhớ thành tích đối đầu trên? Khi nhắc đến Anh - Thụy Điển, người ta lại nghĩ ngay đến chiến thắng 4-2 trong trận giao hữu vào ngày 14-11-2012. Trận đấu này, Ibrahimovic thi đấu thăng hoa với một cú pocker trong đó có siêu phẩm ngã người móc bóng tuyệt đẹp vào lưới thủ thành Joe Hart đã trở thành bàn thắng đẹp nhất năm.
Thụy Điển là vậy, họ có thể không nổi tiếng, có thể theo đuổi một lối chơi ru ngủ, nhưng họ lại "săn" được những đội bóng lớn, những trận đấu nhớ đời, những siêu phẩm đẳng cấp.
Người hâm mộ thường tôn vinh bóng đá tấn công, tuy nhiên nếu Thụy Điển làm được điều thần kỳ tại giải đấu năm nay, thế giới sẽ nói về một đội bóng phòng ngự vững như bức tường thành cùng một hàng tấn công bén như gươm Nhật đã từng khuất phục rất nhiều con chim phượng hoàng quý hiếm.
Hàng nội và hàng ngoại, thứ nào tốt hơn?
Trận đấu giữa Anh và Thụy Điển còn một điều khá đặc biệt. Tất cả cầu thủ Anh tham dự World Cup lần này đều đang thi đấu cho những câu lạc bộ trong nước, nhiều nhất là Tottenham.
Trong khi đó, 22 cầu thủ Thụy Điển đều khoác áo các đội bóng nước ngoài, trong đó có Pháp, Đức, Anh, Nga, Bỉ, Mỹ và cả UAE...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận