10/09/2017 18:44 GMT+7

Cinema chủ nhật: Đời qua ô cửa rách với phim của Hirokazu Koreenda

Hiền Trang
Hiền Trang

TTO - Làm gốm từ những mảnh gốm vỡ, rồi nâng nó lên thành một nghệ thuật - nghệ thuật kintsugi. Người Nhật là vậy...

Cinema chủ nhật: Đời qua ô cửa rách với phim của Hirokazu Koreenda - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Still Walking

Với người Nhật phải chăng cuộc đời bất toàn bích, cuộc đời ghép từ những mảnh đầu thừa đuôi thẹo, nhưng vì bất toàn bích mà cuộc đời đẹp.

"Không phải cuộc đời đáng thất vọng lắm sao? - Vâng, nó đúng là như vậy"

Đoạn hội thoại kinh điển trong Câu chuyện Tokyo của Yasujiro Ozu.

Khi nhân vật Noriko đáp "Vâng, nó đúng là như vậy", nàng đã đáp với một nụ cười thật tươi trên khuôn miệng. 

Đạo diễn Ozu lúc sinh thời vẫn tự gọi mình là chuyên gia làm đậu phụ. Đến khi ông ra đi, may sao món "điện ảnh đậu phụ" không thất truyền.

Ngày nay, Hirokazu Koreeda cũng có thể coi là một nghệ nhân đậu phụ vậy. 

Thuở ấu thơ, Koreeda vẫn hay bỏ học, đi đào bới những mảnh gốm sứ cũ nát đem về bày biện cho phòng mình. Từ bé đã sống rất "kintsugi", đến khi lớn lên làm phim, ông vẫn "kintsugi" như thế. 

Thế giới của Koreeda, một thế giới hơi meo méo, trong thế giới hơi meo méo ấy có những gia đình hơi meo méo, không phải méo xẹo, nó chỉ hơi meo méo một tí, hơi xô lệch một tí, hơi chênh vênh một tí.

Cinema chủ nhật: Đời qua ô cửa rách với phim của Hirokazu Koreenda - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Our little sister

Những cái nhà meo méo

Trên bậc thềm nhà, nắng vàng giòn tan, những chậu cây xanh tươi mát, bốn chị em gái ngồi quanh những chiếc giỏ đựng đầy xí muội chín căng, một chốc nữa xí muội sẽ được họ đem ra ngâm rượu (phim Our little sister). 

Còn trong một căn bếp có đôi phần chật chội, hai mẹ con luôn tay thái hành, gọt củ cải, rán bánh xèo xèo, kho những miếng thịt vuông vức, mịn màng, vừa làm việc, vừa hàn huyên chuyện cũ (phim Still walking). 

Dưới một cái lều trong suốt phản chiếu những ánh đèn lốm đốm, một đứa con nằm giữa cha và mẹ, sao băng lướt qua, mẹ nó bảo nó hãy ước một điều gì đấy (phim Like father, like son).

Trailer phim Our little sister

Nếu cắt món đậu phụ của Koreeda ra thành từng lát mỏng, người ta sẽ chỉ thấy những cảnh gia đình sinh hoạt, một gia đình như mọi gia đình khác trong một ngày như mọi ngày khác. 

Phải chắp tất cả những lát đó lại với nhau mới thấy những lát ấy không đều. Trong bốn chị em gái, ba người cùng một mẹ sinh ra, còn cô em út là con riêng của người cha đã đi biền biệt 15 năm, lần cuối cùng ba cô con gái lớn gặp cha là lúc cha đã yên thân trong quan tài. 

Còn hai mẹ con nhà nọ, họ đang nấu nướng cho cái giỗ của đứa con trai cả, cả nhà tam đại đồng đường với chục con người ngồi sít vào nhau, thế mà vẫn cứ không khít, gió vẫn lùa vào những kẽ hở giữa cha và con, giữa mẹ và con, giữa chồng và vợ. 

Và đứa bé kia, nó là con ruột của bố mẹ nó đấy, nhưng nó bị tráo với đứa trẻ khác từ khi mới lọt lòng, nó lớn lên trong căn nhà khác, với bố mẹ khác, giờ nó phải làm quen với chính bố mẹ thật của mình, là bố mẹ thật nhưng sao khó quá.

Chuyện thế thôi, thật khó để gọi là bi kịch, chỉ là những ngày lẻ tẻ nối gót nhau và thi thoảng vấp lên nhau, khi vấp nhẹ, khi vấp đau, khi vồ sấp vồ ngửa, nhưng rồi lại vẫn đứng lên, cứ bước tới. 

Ngày qua ngày, lại những hoạt cảnh gia đình, cùng ăn, cùng uống, cùng trò chuyện, cùng cãi vã, sống ở đó, chết cũng ở đó.

Cinema chủ nhật: Đời qua ô cửa rách với phim của Hirokazu Koreenda - Ảnh 5.

Phim I wish

Hirokazu Koreeda là đạo diễn từng được nhiều đề cử và giải thưởng tại liên hoan phim Cannes, Venice. Các tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm Maborosi; Still walking; Like father, like son; Our little sister... Phong cách điện ảnh của Koreeda được so sánh nhiều với nhà làm phim lớn Yasujiro Ozu.

Sống ở đó, chết cũng ở đó

Ở đó là ở trong nhà, ở trong khu phố, ở nơi mà hoàn cảnh đặt nhân vật của Koreeda vào. Và chính "ở đó" cũng là một nhân vật của Koreeda. 

Thỉnh thoảng con người ra khỏi hết khuôn hình, chỉ còn lại những đồ đạc nằm yên, chiếc chậu trong nhà tắm, tấm rèm bay bay bên ô cửa sổ, hay cái bóng đèn lăn lóc trên bàn. 

Hoặc là con người vẫn ở bên trong khuôn hình nhưng họ chẳng làm điều gì kịch tính, một cô gái sơn móng chân, một người đàn ông đánh răng, một bà già cạy cốc sữa chua đóng đá ăn giải khát.

Trailer phim Still Walking

Giữa những vạt bình lặng ấy, đôi khi thứ duy nhất thực sự chuyển động là những đoàn tàu. Cũng như tiền bối Ozu, thế giới của Koreeda luôn sầm sập những đoàn tàu. 

Những khối kim loại khổng lồ có lúc chỉ đứng ở phông nền, xoẹt qua xoẹt lại, có lúc chở các con về gặp cha mẹ rồi lại đưa chúng đi như trong Still walking, có lúc nuốt chửng cuộc đời của một người chồng như trong Maborosi, bỏ lại người vợ đành bằng lòng với một cuộc tái hôn sắp xếp, vẫn có hạnh phúc, nhưng không thôi day dứt hoang mang. 

Cũng có khi khối kim loại đó lại là một phép mầu.

Kohichi và Ryu là hai anh em, bố mẹ ly hôn, Kohichi ở với mẹ, Ryu ở với cha, hai đứa sống cách xa nhau từ ấy. Kohichi có mong muốn ngọn núi lửa nơi cậu sống sẽ phun trào để hai mẹ con buộc phải chuyển đi, để cả gia đình được đoàn tụ. 

Kohichi nghe nói vào khoảnh khắc chuyến tàu cao tốc từ Kagoshima và chuyến tàu cao tốc Hakata chạy ngang qua nhau, người ta có thể ước một điều và điều ước sẽ thành hiện thực. Thế là cậu lên một kế hoạch công phu để được chứng kiến khoảnh khắc đó (phim I wish).

AFTER THE STORM Trailer with English subtitles

Ở trong nhà, đi ra phố, xa nhất là lên trên tàu, cuộc sống những nhân vật của Koreeda là vậy, cuộc sống như chiếc mắc treo, con người là bộ áo quần treo trên đó.

Họ không hề bị mắc kẹt, đời có ngày buồn cũng có ngày vui, họ hóa thành một phần của ngoại cảnh, chấp nhận sự bất toàn bích như nó vốn vậy. Đến lúc hai đoàn tàu cao tốc gặp nhau, Kohichi lại thôi không ước nữa. 

Còn trong After the storm, bộ phim năm ngoái của Koreeda nói về một nhà văn hết thời muốn níu kéo vợ con, cảnh gần cuối, ba người họ trong cơn bão, cùng nhau tìm từng tờ vé số, những tưởng họ sẽ lại là một gia đình, vậy mà không, cơn bão qua, ai lại đi đường người nấy, cô vợ dắt con đi một hướng, anh chồng nhìn theo mãi, rồi cũng quay đầu, không bi lụy.

Thi hào Kobayashi Issa từng có bài thơ haiku rằng: Đẹp vô cùng/Nhìn qua, cửa giấy rách/Ô kìa, sông ngân. Cái cửa giấy bất toàn vì nó rách, nhưng nếu không rách, sao có thể thấy sông ngân lấp lánh?

Cinema chủ nhật: Đời qua ô cửa rách với phim của Hirokazu Koreenda - Ảnh 9.

Phim I wish

Hiền Trang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên