14/02/2012 05:10 GMT+7

Độ tuổi của người già

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP Huế)
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP Huế)

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 3-2 có đăng ý kiến “Có quá nhiều độ tuổi trẻ em”, nêu vấn đề có những quy định khác nhau giữa các luật về độ tuổi trẻ em. Tình trạng tương tự cũng lặp lại, ở mức độ ít hơn, với độ tuổi người già.

Tuổi thọ của người Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng. Việc chăm sóc, bảo vệ, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực người cao tuổi là trách nhiệm, nghĩa vụ không chỉ của mỗi gia đình mà còn của toàn xã hội. Luật người cao tuổi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23-11-2009 có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2010 cũng không nằm ngoài mục đích trên.

Điều 2 Luật người cao tuổi và trước đây là Pháp lệnh về người cao tuổi đều khẳng định: “Người cao tuổi được quy định trong luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”, được hưởng các chế độ ưu tiên theo Luật người cao tuổi.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ trong quá trình thực thi pháp luật từ trước đến nay, một số quy phạm pháp luật lại cho thấy người 60 tuổi chưa được xem là “người già”. Tại điểm 2.4 khoản 2 nghị quyết của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự quy định về tình tiết phạm tội đối với người già (cụ thể hóa điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự) cho thấy: người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên.

Tiết a điểm 4.1 khoản 4 nghị quyết của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự quy định về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cũng viết: “Người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc là người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”.

Khoảng cách về độ tuổi quy định tại hai nghị quyết nói trên so với độ tuổi quy định trong Luật người cao tuổi là 10 năm. Do đó, nếu người 60 tuổi là người bị hại trong một vụ án hình sự thì cũng được đối xử giống như những bị hại nhỏ tuổi hơn, khỏe mạnh hơn. Ngược lại, nếu người cao tuổi là bị cáo trong một vụ án thì cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì không đủ 70 tuổi hoặc không phải là người thường xuyên đau ốm.

Người cao tuổi thường là người dày dạn kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong lao động. Do đó, việc sử dụng lao động là người cao tuổi cũng là một vấn đề cần thiết hiện nay, đặc biệt là những người làm việc trong ngành y, ngành giáo dục hay các ngành khoa học kỹ thuật. Điều 123 Bộ luật lao động quy định: “Người lao động cao tuổi là người lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi”, điều này phù hợp với độ tuổi được quy định trong Luật người cao tuổi. Việc bảo vệ quyền lợi của những lao động là người cao tuổi được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong Bộ luật lao động và các văn bản dưới luật liên quan.

Người cao tuổi là những công dân được ưu tiên chăm sóc và có những quyền lợi được ưu tiên đặc biệt. Thiết nghĩ, để thực hiện được tốt chính sách nói trên, luật pháp về người cao tuổi và các văn bản liên quan cần mang tính nhất quán hơn để quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi được đảm bảo một cách tốt nhất.

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN PHƯỚC (TP Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên