Điệp viên Hero (Người hùng) Oleg Penkovsky, “chiến sĩ điệp báo” của tình báo Anh - Mỹ, đã chết mà không có lấy một nấm mồ.
Cuối cùng thì ngày 11-12-1962, Hãng thông tấn TASS của Liên Xô ra thông báo về vụ bắt giữ O.Penkovsky, nói rằng O.Penkovsky đã chuyển giao những bí mật quân sự, chính trị và khoa học kỹ thuật cho tình báo Anh - Mỹ.
Sau sáu tháng, kịch bản mà CIA và MI6 lo ngại đã xảy ra: một phiên tòa công khai xét xử O.Penkovsky và G.Wynne được tổ chức ở Moscow ngày 7-5-1963. Cả hai người đều bị buộc tội làm gián điệp.
Tại phiên tòa, cáo trạng nói rõ O.Penkovsky đã có những cuộc gặp bí mật với các nhân viên tình báo Anh - Mỹ để cung cấp các tài liệu tối mật; phía Anh có Grille (Harold Shergold), Mail (Mike Stoke); Mỹ có Oslaf (Joe Bulik) và Alexander (George Kisevalter).
Đó đều là những tên giả mà O.Penkovsky khai với KGB. O.Penkovsky đã không khai thật danh tính các điệp viên trong nhóm hỗn hợp Anh - Mỹ, và việc sử dụng những cái tên này tại phiên tòa cho thấy một khả năng là KGB không nắm được hết các chi tiết của vụ án gián điệp nghiêm trọng này.
O.Penkovsky chấp nhận những tội trạng do cáo trạng đưa ra, trong khi chiến thuật bào chữa của G.Wynne là cho rằng mình không phải điệp viên và cũng không biết gì về nội dung của những tài liệu mà mình đã chuyển giao.
Phiên tòa kéo dài trong 4 ngày. Đến 16 giờ 5 phút chiều 11-5-1963, O.Penkovsky bị tòa kết tội "phản quốc" và nhận án tử hình, bị tước bỏ cấp bậc đại tá cùng tất cả huân huy chương, tài sản bị tịch thu sung công. G.Wynne bị kết án tước quyền tự do 8 năm, trong đó 3 năm đầu tiên tù giam, 5 năm sau lao động trong trại cải tạo.
Bản án của O.Penkovsky không được chuyển lên xét xử lại ở tòa án cấp cao hơn nhưng O.Penkovsky có quyền đưa đơn lên Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao xin ân xá. G.Wynne, chịu án nhẹ hơn, có quyền đưa đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Các điệp viên Mỹ trong nhóm tình báo hỗn hợp là J.Bulik và G.Kisevalter hết sức thất vọng khi nghe tin O.Penkovsky bị kết án tử hình. Ngay từ ngày 10-5-1963, một ngày trước khi phiên tòa ở Moscow kết thúc, J.Bulik đã đề xuất một kế hoạch "tận dụng những cơ hội nhỏ nhất để cứu mạng O.Penkovsky".
Ngay sau khi biết O.Penkovsky bị bắt, tháng 11-1962, J.Bulik đã đề xuất với Howard Osborne, sếp của Ban Xô viết và James Angleton, người đứng đầu bộ phận phản gián trong CIA, một kế hoạch để cứu mạng O.Penkovsky.
Nội dung đề xuất này là liên hệ với KGB và GRU để tiến hành một vụ trao đổi điệp viên để lấy O.Penkovsky.
H.Osborne không đưa đề xuất này đi bất cứ đâu trong CIA nhưng J.Angleton, người có mối liên hệ cấp cao với tình báo Anh, đã chuyển ý tưởng này cho MI6 để tình báo Anh cân nhắc. MI6 nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này vì không muốn chính thức hóa sự tồn tại các hoạt động gián điệp của Anh.
Nhưng nguyên nhân chính khiến Anh từ chối kế hoạch cứu mạng O.Penkovsky vì Anh muốn đơn phương tiến hành một vụ trao đổi điệp viên của mình để cứu G.Wynne ra khỏi nhà tù Liên Xô.
Trước đấy, phản gián Anh đã phát hiện ra đại tá KGB Konon Trofimovich Molody, người mang tên giả là Gordon Arnold Lonsdale, hoạt động ở Anh, bị tòa án Anh kết án 25 năm tù giam.
Các hoạt động cần thiết cho cuộc trao đổi được hai bên xúc tiến. Vào một ngày tháng 4-1964, G.Wynne ra khỏi buồng giam của KGB ở Moscow, được đưa tới sân bay và bay sang Đông Đức.
Vào lúc 5h35 sáng 22-4-1964, cuộc trao đổi G.Lonsdale và G.Wynne diễn ra suôn sẻ tại cửa khẩu Heerstrasse giữa Đông và Tây Berlin. Sau 16 tháng trong nhà tù Xô viết, G.Wynne cuối cùng đã được về nhà.
Bình minh ngày 16-5-1963, một nhóm người tới xà lim, nơi giam giữ O.Penkovsky ở nhà tù Lyubianka của KGB. O.Penkovsky biết rằng thời gian của mình đã hết.
KGB thực hiện việc bắt giữ nhưng không phải là đơn vị thi hành bản án mà công việc này thuộc về trách nhiệm của một đơn vị thuộc Bộ Nội vụ. O.Penkovsky được đưa tới nhà tù Butyrki nằm trên phố Novoslobodskaya.
Vào lúc 4h17 chiều 16-5-1963, O.Penkovsky bị hành quyết và đến 9h45 tối, xác của O.Penkovsky được hỏa thiêu.
Theo một số nguồn tin, tro của ông được rải ở nghĩa trang Donskoi tại Moscow nhưng không có nấm mồ cố định.
Hôm sau, 17-5-1963, tờ Pravda đưa một mẩu tin ngắn: Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao đã bác đơn xin ân xá của Oleg Penkovsky; bản án đã được thi hành.
Sinh nghề tử nghiệp, điệp viên nhị trùng O.Penkovsky bị hành quyết khi mới 44 tuổi, quá trẻ để chết đối với một người bình thường, nhưng là định mệnh mà một điệp viên phải gánh chịu khi chấp nhận đưa mình vào giữa những hàm răng sư tử.
Điệp viên Hero Oleg Penkovsky, "chiến sĩ điệp báo" của tình báo Anh - Mỹ, đã chết mà không có lấy một nấm mồ. Theo luật của Liên Xô thời kỳ đó, gia đình tử tội bị hành quyết sẽ không được nhận xác người thân của mình.
Cái chết của O.Penkovsky chấm dứt một trong những chiến dịch điệp báo thành công nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh của CIA và MI6. Các điệp viên Anh - Mỹ đã gặp gỡ viên đại tá GRU tổng cộng khoảng 140 tiếng đồng hồ; các cuộc nói chuyện được ghi lại trên 1.300 trang giấy.
O.Penkovsky đã chuyển giao cho tình báo phương Tây 111 cuộn phim, rửa ra khoảng 5.000 bức ảnh, trong đó có tới 99% rõ nét.
Tổng cộng những tài liệu mà O.Penkovsky chuyển giao cũng như nói miệng cho các thành viên nhóm tình báo hỗn hợp Anh - Mỹ được ghi lại xấp xỉ 10.000 trang báo cáo tình báo. Trị giá của chúng ước tính hàng tỉ đôla.
Những tài liệu O.Penkovsky cung cấp cho tình báo Anh - Mỹ cho phép CIA xác định chắc chắn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đã được triển khai tại Cuba, nó cho phép Tổng thống Mỹ John Kennedy biết rằng nhà lãnh đạo Xô viết Khrushchev không sẵn sàng cho một cuộc đối đầu hạt nhân với Mỹ nên Tổng thống J.Kennedy đã không đi tới quyết định mở cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào các đơn vị tên lửa của Liên Xô ở Cuba.
Thay vào đó, gia tăng sức ép về chính trị và ngoại giao, buộc phía Liên Xô phải tháo dỡ các bệ phóng tên lửa ở Cuba đưa về nước, tháo ngòi nổ của cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
"Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" là tên gọi cuộc đụng đầu giữa Mỹ với Liên Xô trong tháng 10-1962, xuất phát từ việc Liên Xô bí mật lắp đặt, triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba, ngay sát nước Mỹ.
Với tầm bắn khoảng 1.100 dặm, những tên lửa này có thể vươn tới mọi mục tiêu trong một bán kính hình tròn, từ thủ đô Washington tới thành phố Dallas của nước Mỹ.
Một tên lửa có thể được lắp một đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ tương đương với 1 triệu tấn thuốc nổ TNT, trong khi quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima chỉ tương đương với 14.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận