14/07/2018 11:51 GMT+7

Điểm sàn đại học năm nay liệu có xuống dưới 14, 15?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Theo kết quả phân tích dữ liệu điểm xét tuyển toàn quốc vừa được Bộ GD-ĐT gửi đến các trường, mức điểm sàn đại học 15,5 điểm của năm nay có thể coi 'tương đương' 16 điểm của năm 2017.

Điểm sàn đại học năm nay liệu có xuống dưới 14, 15? - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu các trường giảm điểm sàn đại học quá sâu so với điểm sàn chung năm 2017 sẽ ảnh hưởng đến chính thương hiệu, khiến thí sinh nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường.

Ngày 14-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về dữ liệu điểm thi dùng để xét tuyển ĐH năm nay, ông Nguyễn Xuân Hoàn - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết:

Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia 2018 theo các tổ hợp truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) thì thấy điểm trung bình cũng như tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất ở các tổ hợp này đều từ khoàng 15 điểm trở lên.

Như vậy, ở các tổ hợp này mức điểm có lượng thí sinh tập trung nhiều nhất không thấp hơn so với năm 2017. Tôi cho rằng nếu có điểm sàn chung thì mức sàn cũng không thể thấp hơn 14-15 điểm.

* Năm nay là năm đầu tiên bộ bỏ điểm sàn chung. Không có cuộc họp hội đồng điểm sàn của bộ như trước, các trường lấy dữ liệu ở đâu để làm căn cứ xây dựng điểm sàn riêng?

- Thực ra mức điểm sàn xét tuyển của các trường cũng dựa phần lớn vào dữ liệu phân tích phổ điểm các môn, các tổ hợp được Bộ GD-ĐT gửi cho các trường tham khảo và được công bố trên thông tin đại chúng.

Ngoài ra còn dựa vào phân tích dữ liệu điểm các năm trước của trường, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và phân tích số liệu số lượng thí sinh tập trung ở các khối xét tuyển trên toàn quốc.

Điểm sàn đại học năm nay liệu có xuống dưới 14, 15? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Hoàn - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: C.T.

* Ông có thể thông tin thêm về dữ liệu bộ vừa gửi đến các trường?

- Từ phân tích dữ liệu điểm của thí sinh có sử dụng tổ hợp xét tuyển truyền thống và là tổ hợp có điểm cao nhất (đã cộng điểm ưu tiên), thì thấy rõ nguồn tuyển năm nay không đến mức khó khăn, nhất là các trường "top" giữa sẽ có nguồn tuyển dồi dào.

Nếu điểm sàn chung đặt ra dao động từ mức 14,5-15 điểm thì số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên sẽ cao hơn từ 1,43-1,62 lần so với chỉ tiêu.

Cụ thể, nếu mức điểm sàn chung 14,5 điểm thì tỉ lệ số thí sinh đạt/chỉ tiêu là 1,62. Nếu tăng điểm sàn xét tuyển chung lên 15,5 thì tỉ lệ này giảm xuống còn 1,43. Còn nếu lấy sàn 15 (trung bình các môn đều đạt 5) thì số dư bằng 1,53 - thấp hơn năm 2017 (1,61).

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã xác định mức "sàn" từ 15-17 điểm tùy theo ngành, và mức này cao hơn năm 2017 thậm chí đến 2 điểm ở một số ngành.

* Thí sinh rất muốn hình dung cụ thể hơn dữ liệu điểm xét tuyển năm nay so với các năm trước. Nếu lấy mốc điểm sàn năm 2017 (15,5 điểm) là căn cứ, mức điểm năm nay là bao nhiêu thì tỉ lệ thí sinh đạt/chỉ tiêu tương đương số lượng thí sinh đạt điểm sàn năm ngoái?

- Năm 2017, với mức điểm sàn chung là 15,5 điểm thì tỉ lệ số thí sinh đạt mức điểm này so với chỉ tiêu là 1,61.

Còn năm 2018, nếu lấy điểm sàn là 14,5 điểm thì số dư tuyển sinh sẽ gần nhất với số dư năm 2017, tỉ lệ số thí sinh đạt mức điểm này so với chỉ tiêu là 1,62.

Như vậy, phân tích dữ liệu của bộ cho thấy nếu năm 2018 sàn là 14,5 điểm thì có thể coi là "tương đương" 15 điểm của 2017. Bởi lẽ điểm ưu tiên đã giảm ½ (số thí sinh hưởng ưu tiên khoảng 83%). Đó là còn chưa tính yếu tố đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn.

* Với dữ liệu này, ông dự đoán thế nào về điểm sàn và điểm chuẩn các trường?

- Năm 2017, việc tuyển sinh chung của các trường chỉ đạt khoảng 81% chỉ tiêu, nhưng các trường luôn muốn tuyển đủ 100% chỉ tiêu.

Vì vậy, dù điểm thi dùng để xét tuyển năm nay không biến động lớn, nguồn tuyển không giảm, nhưng khả năng nhiều trường sẽ hạ thấp điểm "sàn" hơn mức của năm 2017 để đạt mục tiêu tuyển 100% chỉ tiêu là có thật.

Tuy nhiên, theo dự đoán thì mức điểm trúng tuyển năm 2018 của các trường ở "top" giữa sẽ ít biến động, các trường "top" trên có thể giảm vì tính phân hóa cao của đề thi song mức giảm cũng không đột biến.

Với một số trường hoặc các ngành khó tuyển thì đúng là việc tuyển đạt 100% chỉ tiêu khó xảy ra vì lý do không phải điểm "sàn" cao hay thấp, mà vì học sinh không lựa chọn để vào học.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2017 đợt tuyển sinh 1, nguyện vọng 1 nhập học hơn 73% (gần 27% thí sinh đỗ nguyện vọng 1 không đi học).

Điểm sàn đại học năm nay liệu có xuống dưới 14, 15? - Ảnh 3.
Điểm thi thấp, chất lượng tuyển sinh 2018 ra sao? Điểm thi thấp, chất lượng tuyển sinh 2018 ra sao?

TTO - Nhiều người lo điểm thi năm nay thấp, kéo theo điểm chuẩn dự kiến cũng sẽ giảm, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên