20/07/2019 11:53 GMT+7

'Điềm gở' tại eo biển Hormuz

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Khi Iran bắn hạ chiếc máy bay không người lái (drone) của Mỹ, Nhà Trắng đã suýt phát lệnh tấn công. Nay, khi ông Trump nói hải quân Mỹ 'phá hủy' drone của Iran, dư luận phấp phỏng không biết Iran sẽ phản ứng thế nào.

Điềm gở tại eo biển Hormuz - Ảnh 1.

Một chiếc trực thăng cất cánh từ bãi phóng trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của hải quân Mỹ - Ảnh: MARINE CORPS

Ngày 18-7, ông Trump tuyên bố chiến hạm tấn công đổ bộ USS Boxer của hải quân Mỹ đã phá hủy một drone của Iran bay ở khoảng cách hơn 900m với tàu này vì đã bất chấp mọi tín hiệu cảnh báo. 

Ông Trump gọi đó là "động thái mới nhất trong nhiều hành vi khiêu khích, thù địch của Iran".

Hãy thận trọng với những gì quý vị đang bước vào, vì sẽ không có gì tốt đẹp diễn ra ở eo biển Hormuz.

Nguyên phó đô đốc hải quân Mỹ, ông Michael Franken, cảnh báo từ ngày 12-7 về tình hình ở eo biển Hormuz

Mỹ bắn drone của ai?

Cho tới giờ Iran vẫn chưa xác nhận drone của họ bị phía Mỹ bắn hạ như tuyên bố của ông Trump. Đến chiều 19-7 (theo giờ Việt Nam), theo Hãng tin Reuters, ông Abolfazl Shekarchi, người phát ngôn cấp cao nhất của quân đội Iran, vẫn khẳng định tất cả các drone của họ đã trở về căn cứ an toàn. 

"Mọi drone của Iran ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz... đã trở về căn cứ an toàn sau sứ mệnh nhận diện và kiểm soát, không có báo cáo về bất cứ phản ứng nào từ tàu USS Boxer" - ông Abolfazl Shekarchi nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Abbas Araqchi, thậm chí còn viết về sự việc trên Twitter theo cách giễu cợt Mỹ: "Chúng tôi không mất drone nào tại eo biển Hormuz hay chỗ khác. Tôi e là tàu USS Boxer đã bắn nhầm chính một drone của họ".

"Thùng thuốc súng" ở Hormuz

Biến cố mới nhất chắc chắn sẽ làm tăng thêm tình thế đối đầu nguy hiểm vốn đã "căng như dây đàn" giữa Washington và Tehran.

Kể từ tháng 5-2018, khi ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, nước này đã áp đặt trở lại và còn bổ sung trừng phạt nhằm tăng sức ép tối đa với Tehran. 

Iran trả đũa, đe dọa phá hỏng hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt là dầu, qua eo biển Hormuz. Trên thực tế Washington đã nhiều lần cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu của họ khi đi qua vùng biển này, song Tehran luôn bác bỏ.

Tháng trước, nếu không phải ông Trump "nghĩ lại" vào phút chót, dừng phát lệnh tấn công Iran sau khi một drone của Mỹ bị Iran bắn rơi, không ai biết hậu quả sẽ ra sao. 

Tuy nhiên, như các chuyên gia đã cảnh báo, việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra xung đột lớn khi hoặc Mỹ, hoặc Iran có một tính toán sai lầm. Viễn cảnh tồi tệ nhất này vẫn chưa xảy ra, nhưng nếu việc hải quân Mỹ bắn rơi drone Iran là thật, nó sẽ là "điềm gở" báo hiệu một cuộc đụng độ quân sự tiềm tàng.

Eo biển chiến lược

Eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải hẹp nằm giữa Iran và Oman, kết nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman, biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Đây là nơi trung chuyển 40% lượng dầu toàn cầu và 1/3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Xét về vai trò với chuỗi cung cấp dầu toàn cầu, không có nơi nào trên thế giới quan trọng hơn eo biển Hormuz. Theo Đài CNN, eo biển này là hải trình duy nhất để vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư tới các đại dương khác trên thế giới.

Đó là lý do Mỹ tuyên bố không bao giờ cho phép Iran ngăn chặn việc tự do di chuyển của các tàu hàng qua đây.

Iran bắt tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz Iran bắt tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz

TTO - Tình hình Trung Đông lại có diễn biến mới leo thang căng thẳng khi ngày 19-7 Iran công bố đã bắt tàu chở dầu của Anh Stena Impero khi tàu này đi qua eo biển Hormuz.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên