28/04/2019 09:05 GMT+7

Di sản văn hóa thật mong manh làm sao!

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Chính vào lúc chúng ta dành nhiều tiền cho di tích thì di tích lại bị hư hại nhiều hơn do cách làm thiếu trách nhiệm, thậm chí thiếu cả lương tâm.

Di sản văn hóa thật mong manh làm sao! - Ảnh 1.

Công ty du lịch Tràng An bắt đầu tháo dỡ công trình "khủng" xâm phạm di sản thế giới Tràng An - Ảnh: T.L

Tin tức di tích bị xâm hại cứ liên tục rộ lên trên các trang báo. Danh thắng Tràng An - di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam - đã "được" đúc một con đường bằng bêtông dài hơn 1km vắt qua những ngọn núi đá vốn hình thành qua hàng triệu năm. 

Di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa có tuổi đời 2.300 năm với nhiều đoạn thành bị san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. 

Mới đây nhất là hào nước dưới chân kinh thành Huế đã bị đơn vị thi công dùng xe xúc phá dỡ toàn bộ kè đá có tuổi đời gần 200 năm để xây một bờ kè mới bằng đá granite (pha lẫn đá cũ), ống nhựa polime...

Dường như cứ đụng vào di tích là thế nào cũng có chuyện bất an. Vì sao vậy?

Vì di tích là những cổ vật già nua cổ kính với tuổi đời cả hàng trăm, hàng ngàn năm. Giá trị của di tích được nhân lên theo tuổi đời, và cũng chính vì sự già nua đó mà di tích có thể mất đi bất cứ lúc nào.

Vì vậy mới ra đời các cơ quan bảo tồn di sản từ địa phương lên đến trung ương và cả cấp quốc tế với hàng ngàn con người, từ nhân viên bảo vệ đến chuyên viên kỹ thuật, nhà nghiên cứu... 

Mới ra đời ngành khoa học bảo tồn di sản với những phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học... Mới ra đời Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hội đồng khoa học, tham vấn, phản biện... Mới ra đời Luật di sản văn hóa và những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản. 

Ngay cả Bộ luật hình sự cũng có điều luật quy định rất rõ hành vi xâm hại di tích danh thắng, với những hình phạt rất nghiêm. 

Và trước đó, cộng đồng quốc tế cũng đã công phu xây dựng những hiến chương, công ước về bảo tồn di sản... Tất cả để nhằm bảo tồn những báu vật của đất trời hàng triệu năm tạo thành và công sức hàng ngàn năm của tiền nhân để lại.

Di sản đang được bảo vệ bằng một hệ thống luật pháp dày đặc như thế, mà sao tình trạng xâm hại vẫn cứ diễn ra không dứt?

Là vì luật nghiêm nhưng người thực thi pháp luật, mà cụ thể là lãnh đạo chính quyền các cấp, thực thi không nghiêm thì cũng bằng không. 

Bộ luật hình sự đã có điều 345 với quy định cụ thể về tội danh "vi phạm quy định bảo vệ và sử dụng di tích danh thắng gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng bao nhiêu vụ "hủy hoại di tích" ở các khu di tích quốc gia, di sản nhân loại có mấy ai bị truy tố?

Có không ít di tích danh thắng bị hủy hoại do bom đạn chiến tranh, bị rệu rã do thời gian và mất đi do chúng ta không đủ tiền bạc để tu bổ. 

Đó là sự mất mát của một thời đã qua. Còn bây giờ đất nước đã phát triển, du khách quốc tế đã tấp nập, tiền bạc thu lại từ di tích nhiều lên và ngân sách dành cho việc bảo tồn, tu bổ di tích cũng tăng lên một cách rất đáng mừng. 

Nhưng đau xót thay, chính vào lúc chúng ta dành nhiều tiền cho di tích thì di tích lại bị hư hại nhiều hơn do cách làm thiếu trách nhiệm, thậm chí thiếu cả lương tâm.

Di tích đã bị hủy hoại do chính cái công việc được gọi tên là "bảo tồn di sản", còn sự mất mát nào chua xót hơn?

Di sản Tràng An: doanh nghiệp tháo không xong, Hoa Lư phải vào dỡ Di sản Tràng An: doanh nghiệp tháo không xong, Hoa Lư phải vào dỡ

TTO - UBND tỉnh Ninh Bình đã thông báo kết luận thanh tra toàn diện hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên