12/06/2012 07:14 GMT+7

Để ngòi bút sáng ánh mặt trời

Lương Hồng Điệp (P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Lương Hồng Điệp (P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TT - Tôi đã suy nghĩ rất lâu cho những dòng chia sẻ này, đã nhiều lần một ngày trong khoảng thời gian dài coi đi coi lại tờ Tuổi Trẻ, tôi thấy có một điều: Tuổi Trẻ cần nhấn vào tính nhân văn nhiều hơn.

ttoS2cop.jpgPhóng to
Một em nhỏ đến dự khai giảng lớp học bệnh nhi ung thư (trong chương trình Ước mơ của Thúy) với dịch truyền trên tay - Ảnh: Thuận Thắng

Đứa bé ít tuổi học cách tồn tại khi không còn ai thân thiết trên đời, người đàn ông phạm trọng tội đã hối cải và sống có ích, những người bị bệnh hiểm nghèo sống với nhau đầy tình nghĩa, người ta sống ra sao ở nơi xa xôi nhất của đất nước... Đó là những thân phận. Ngòi bút người viết qua đó thể hiện tính nhân văn, độc giả chia sẻ và sự cộng hưởng này tạo nên giá trị nhân văn - giá trị cốt lõi của xã hội.

Những thân phận...

Mục “Dân tốt”

Tuổi Trẻ nên mở mục “Dân tốt “. Với mục này, ta sẽ ca ngợi những người bình thường có cách sống tốt, yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh. Những người lao động trong bất kỳ lĩnh vực nào, cương vị nào mà làm tốt công việc của mình bằng sự tận tụy cũng được ca ngợi ở mục này. Việc làm tốt ấy phải được lặp đi lặp lại như một bản chất sống, một tính cách của con người chứ không phải bất chợt, tình cờ.

Tôi nghĩ từ những con người thực tế này sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực trong cuộc sống đời thường của mọi người. Mọi người sẽ rất thích nhìn cái đẹp như vậy và sẽ soi rọi lại chính mình để rồi biết sống tốt hơn.

Có người lý giải rằng xã hội hiện đại con người ta không còn trăn trở nhiều về thân phận, rằng những bài viết như thế ít người đọc, rằng viết về thân phận chỉ là nhiệm vụ - phần phải có - của một tờ báo; mà đâu biết rằng bạn đọc vẫn đang từng ngày theo dõi những tin tức nhân văn để họ lấp đi những nhọc nhằn cuộc sống, để họ sống chậm lại mà san sẻ với bao phận đời, để người ta tin tưởng vào điều thiện mà đẩy cái ác lùi xa. Và nhịp sống càng hiện đại, con người ta càng có những góc khuất, những éo le, những điểm sáng cần thu hẹp hay nhân rộng. Thu hẹp cũng phải viết. Nhân rộng cũng phải viết. Đó mới là báo chí.

Trên thế giới, thể loại feature (đặc tả) được xem trọng, bởi người ta muốn và thiết tha đọc những gì liên quan tới phần người hơn là phần con. Vì phần con thì ai mà không có, phần người đôi khi nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Chẳng phải cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói về cuộc đời này, rằng chỉ có ba thứ: tình yêu, thân phận, cái chết?

Độc giả rất cần tính nhân văn

Đồng ý rằng tính nhân văn chỉ là một trong những đặc điểm và chức năng của báo chí, bên cạnh tính chiến đấu... Đồng ý rằng Tuổi Trẻ là tờ báo chính trị - xã hội, tờ báo làm thời sự, cần những thông tin nóng và sâu. Nhưng nếu chỉ chạy theo những tin nóng, Tuổi Trẻ sẽ khó tạo sự khác biệt cho mình. Lâu nay, bạn đọc nhớ đến Tuổi Trẻ như là tờ báo hàng đầu ở TP.HCM cũng chính vì Tuổi Trẻ có những bài viết, những loạt điều tra mà tính chiến đấu lên đến đỉnh điểm: vụ chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Huy không được vào đại học vì lý lịch, vụ Đường Sơn quán với những ẩn khuất, vụ Năm Cam, vụ Nông trường Sông Hậu... Cũng chính Tuổi Trẻ đã có những phong trào thiết thực: Chương trình Tiếp sức đến trường, Ước mơ của Thúy, Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1, Góp đá xây Trường Sa...

Nếu tính chiến đấu của một tờ báo suy giảm - do những nguyên nhân cả về cơ chế và bản thân tờ báo - thì độc giả vẫn cần ở tờ báo tính nhân văn. Điều này nếu trái tim của người viết không cảm được, không phải là mệnh lệnh từ chính cái tâm của mình thì những gì viết ra sẽ chỉ là lời kể, là bảng liệt kê cho những thân phận. Làm sao đọc bài báo viết về thân phận mà bạn đọc cảm thấy một phần của mình trong đó thì mới đạt độ rung, cũng như đánh đàn phải đắm say thì bản nhạc mới có hồn.

Tôi là một bạn đọc thường xuyên của Tuổi Trẻ, và mỗi ngày giở tờ báo tôi thấy đời mình vui biết mấy khi đọc những tin tức tốt lành, những con người luôn hướng đến điều thiện. Và tôi cũng biết rằng mình phải sống như hoa hướng dương chia bớt ánh mặt trời cho ai cần đến. Nhưng tôi cũng buồn lắm, nếu đọc bài mà cảm thấy sự hời hợt của người viết, bởi nhân vật trong bài lẫn bạn đọc sẽ rất thất vọng khi bài báo không đọng lại chút gì.

Tuổi Trẻ đã nhận được hiến kế cải tiến của bạn đọc:

Mai Phúc Phúc, Nguyễn Hoàng Yến Trinh, Mai Anh, Nguyễn Tuấn Bình, Hoàng Công Nhu, Nguyễn Thị Thủy, Minh Vũ, Đăng Nguyên, Nguyễn Vinh Phú, Minh Định, Nguyễn Đình Thăng, Nguyễn Đước

(TP.HCM). Phan Phúc (Hải Phòng). Cát Huy Quang, Minh Tuệ (Hà Nội). Phạm Thị Quyên, Trần Duy Hưng (Nam Định). Phạm Đình Thi (Bình Định). Bùi Văn Phát (Đồng Nai). Mạnh Tường, Nguyễn Nghĩa Vi Dân (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương). Lê Quang Huy (Tiền Giang). Xuân Quý, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Lê Minh Thiết, Trần Hữu Phi (Long An). Trần Thành Nghĩa (Trà Vinh). Võ Thành Long (Cần Thơ)...

Tất cả hiến kế cải tiến của bạn đọc xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39971010. Fax: (08) 39973939. Email: gopy@tuoitre.com.vn.

Với những hiến kế cho các sản phẩm điện tử, mời bạn gửi qua email tto@tuoitre.com.vn.

Trong thư hiến kế cải tiến rất mong bạn đọc ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng (nếu có) để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút trong trường hợp các ý kiến được chọn đăng. Kết thúc đợt cải tiến, Tuổi Trẻ sẽ gửi quà tặng đến các tác giả có hiến kế được sử dụng trong đợt cải tiến này. Rất mong đón nhận những hiến kế cải tiến của bạn đọc.

Lương Hồng Điệp (P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên