30/08/2009 08:36 GMT+7

Dạy ra sao nếu không đọc - chép?

TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)
TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)

TT - Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trương từ năm học 2009 - 2010 sẽ không còn việc đọc - chép. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận, trong đó có giáo viên, học sinh. Nếu chủ trương này thực hiện thành công sẽ cải tiến chất lượng giáo dục sâu rộng. Thế nhưng qua báo chí, tôi chưa thấy ngành giáo dục có kế hoạch khi từ bỏ đọc - chép thì giảng dạy ra sao.

IR91onLW.jpgPhóng to

Một tiết học môn sinh của học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1 (TP.HCM) với bảng tương tác thông minh (active board) - Ảnh: Như Hùng

Trước hết phải nói rằng mãi đến gần bắt đầu năm học mới, bộ mới triển khai chủ trương bỏ đọc - chép là khá muộn. Lẽ ra nên bắt đầu từ năm học trước hoặc triển khai từ bây giờ nhưng đến năm học sau nữa mới chính thức thực hiện, để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị, ít nhất về mặt tâm lý. Bởi vì phương pháp giảng dạy này dường như đã thâm căn cố đế, tức ăn sâu vào suy nghĩ của cả giáo viên lẫn học sinh, từ đó hình thành lối tư duy thụ động, thói quen chờ cái có sẵn. Cho nên không thể ngày một ngày hai thay đổi được.

Bây giờ nếu bỏ đọc - chép thì giáo viên sẽ dạy như thế nào? Điều này đòi hỏi mỗi trường học phải có cơ sở vật chất và hệ thống đồ dùng dạy học đáp ứng được việc trình bày bài giảng của giáo viên mà không cần đọc - chép. Trường phải có phòng thí nghiệm, có phương tiện, dụng cụ để thực nghiệm, thực hành, các điều kiện truyền đạt bổ trợ (như xem phim/kịch, tổ chức biểu diễn văn nghệ...).

Thí dụ: khi học về địa lý các châu lục, thay vì thao thao đọc rằng châu Mỹ nằm ở đâu, có bao nhiêu quốc gia, đặc điểm tự nhiên, dân số, xã hội, thể chế chính trị... thì học sinh cần được xem một số phim tư liệu, trong đó có đủ thông số theo yêu cầu nhưng buộc học sinh phải theo dõi và tự ghi chép. Học sinh cũng nên được xem các loại bản đồ để biết đặc điểm khí hậu, vị trí địa lý, tình hình kinh tế của các nước...

Nâng cao một chút thì hướng dẫn các em tìm hiểu (thông qua sách báo, truyền hình và nhất là Internet) rồi trình bày, thảo luận trước lớp, giáo viên chỉ là người chốt lại các vấn đề đúng, sửa chữa những thiếu sót, nhầm lẫn... Có như vậy các em mới thấy hứng thú trong học tập, bài học được hiểu đầy đủ và sâu sắc, đồng thời thấy được vai trò chủ động và tích cực của mình trong buổi học.

Còn như hiện nay, trong điều kiện nhận thức của giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy còn chưa đồng đều, điều kiện dạy và học còn thiếu thốn, sẽ thật khó để từ bỏ được đọc - chép. Thậm chí, nếu nơi nào chạy theo phong trào (điều này có khả năng xảy ra rất lớn) sẽ có những biến tướng. Chẳng hạn, thay vì đọc - chép như trước đây thì giáo viên có thể chỉ cho học sinh chép ngay trong sách giáo khoa những đoạn quan trọng... Như vậy có thể sẽ từ dạng đọc - chép này biến sang dạng đọc - chép khác, chứ chưa thể thực hiện được theo yêu cầu của Bộ Giáo dục - đào tạo cũng như sự trông đợi của xã hội.

Nói vậy để thông cảm rằng một chủ trương mới không thể có ngay chuyển biến và kết quả tích cực trong năm đầu thực hiện, nhưng cũng từ đó phải tiếp tục chuẩn bị, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Bởi vì đây là một chủ trương dài hơi, nằm trong loạt những cải tiến khác mang tính đồng bộ và bổ trợ nhau. Vì vậy nếu không có một khởi đầu tốt ở một khâu sẽ không có tiền đề tốt cho những năm sau, và các khâu khác cũng không thể phát huy tích cực được.

Bài giảng của giáo sư Trần Văn Khê

Tình cờ tôi có xem một buổi dạy học của giáo sư Trần Văn Khê trên truyền hình. Phương pháp của thầy là kiến thức không do người thầy truyền thụ mà người thầy dẫn dắt để học trò tự tìm tòi kiến thức.

Hôm đó thầy dạy các em nhỏ câu ca dao: “Chuồn chuồn có cánh thì bay. Có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn”. Thầy đưa ra một tấm tranh có hình con chuồn chuồn và hỏi đây là con gì? Học trò đáp con chuồn chuồn, thầy viết “chuồn chuồn” lên bảng.

Thầy hỏi tiếp thấy chuồn chuồn có gì? Có cháu nói có đầu, có đuôi, có cánh... Thầy lại viết “có cánh”. Thế có cánh để làm gì? “Để bay ạ”, thầy viết “thì bay”... Cứ thế thầy dẫn dắt các cháu đến hết hai câu ca dao. Đến từ thằng cu thì lúc này có nhiều dị bản, có cháu nói “thằng bé xíu”, có cháu biết thì nói “thằng cu Tí”, có cháu còn chọc bạn “thằng Bình móm”. Buổi học thật vui và khắc sâu vào tâm trí trẻ con.

Chúng ta thấy gì qua giờ dạy của giáo sư Trần Văn Khê? Nếu tính về hiệu quả tiếp thu của học sinh, khơi gợi hứng thú trong học tập thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu đứng trên lĩnh vực chuyên môn sư phạm thì khi dạy như thế người thầy sẽ tốn thời gian gấp nhiều lần, không đủ thời gian “chạy” giáo án. Thông thường khi dạy, đa số giáo viên chỉ cần viết hai câu ca dao lên bảng, học trò chép vào và cứ thế học thuộc lòng. Nếu tính về thi cử thì học trò của giáo sư Trần Văn Khê chắc chắn sẽ bị điểm thấp vì viết ra nhiều dị bản không có trong đáp án.

Chủ trương không đọc - chép là rất đúng nhưng theo tôi, cần phải có những cải tiến song hành về sách giáo khoa và thi cử.

TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên