24/08/2010 13:45 GMT+7

Đấu trường Colosseum sẽ thuộc về ai?

THƯỜNG NGA (Theo Guardian)
THƯỜNG NGA (Theo Guardian)

TTO - Đấu trường Colosseum ở Rome đang là trung tâm của “cuộc chiến” gay go giữa các quan chức thành phố Rome và Chính phủ Ý, về việc ai sẽ quản lý công trình kiến trúc cổ vĩ đại và ai giữ 35 triệu euro doanh thu bán vé hằng năm.

pxNuUcl6.jpgPhóng to
Đấu trường La Mã - một trong những biểu tượng của Ý

Sau cuộc đấu tranh tương tự liên quan đến bức tượng David của nghệ sĩ Michelangelo ở thành phố Florence, các quan chức thành phố Rome đang yêu cầu được nhận 30% số tiền mà 4 triệu khách ghé thăm đấu trường La Mã mang lại mỗi năm hiện do Chính phủ Ý quản lý.

“Đấu trường La Mã là một trong những biểu tượng của đất nước và góp phần giúp Rome trở thành cửa ngõ du lịch quốc gia. Rome đón hàng triệu du khách mỗi năm mà không nhận được bất kỳ lợi ích trực tiếp nào” - ông Umberto Croppi, người giám định văn hóa của thành phố, phát biểu.

Được hoàng đế Vespasian xây dựng trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Colosseum là đấu trường lớn nhất từng được xây dựng bởi người La Mã cổ đại, có sức chứa 50.000 khán giả tới xem các trận đấu của võ sĩ giác đấu, cuộc hành quyết và trận giả.

Francesco Giro, thứ trưởng văn hóa của Chính phủ Ý, phản ứng mạnh mẽ khi khẳng định: “Đấu trường La Mã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà nước và tôi ngạc nhiên trước mong muốn hưởng lợi từ công trình này. Quyền quản lý di sản của Chính phủ Ý đã được ghi trong hiến pháp”.

Mâu thuẫn hiện đại về tương lai của đấu trường cổ nổ ra khi Chính phủ Ý chuẩn bị bán các đài kỷ niệm, tòa nhà và các dải đất của nhà nước cho chính quyền địa phương.

Cả Rome và Florence đều nói rằng họ cần thêm tiền để “sống sót” trước suy thoái tài chính. “Chúng tôi phải làm sạch quảng trường Piazza Navona bảy lần một ngày do lượng khách du lịch tới đây quá đông” - ông Mauro Cutrufo, phó thị trưởng thành phố Rome, cho biết.

“Nếu việc trích cho Rome một phần doanh thu bán vé tham quan đấu trường Colosseum tới đây không được chấp thuận thì đề xuất tính thêm 1 hoặc 2 euro trên phí vào cửa giá 10 euro để tăng ngân sách cho thành phố sẽ chẳng có gì sai trái. Chuyện đó cũng không đáng ầm ĩ. Du khách phải mất 15 euro với tháp Eiffel, còn vòng đu quay London Eye thì thu đến 15 bảng Anh” - ông Mauro Cutrufo nói thêm.

Từ ngày 1-1-2011, cũng như Paris, khách du lịch đến Rome sẽ phải chịu thuế du lịch, trả thêm 2 euro/ đêm trên hóa đơn nếu lưu trú tại khách sạn 3 sao và 3 euro/ đêm đối với khách sạn 4-5 sao.

THƯỜNG NGA (Theo Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên