26/11/2018 16:43 GMT+7

Đau dây thần kinh chẩm

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Triệu chứng đau dây thần kinh chẩm bao gồm đau liên tục, rát bỏng, hay bưng bưng (đau thành nhịp), kèm xen kẽ những cơn đau nhói, đau như điện giật.

Đau dây thần kinh chẩm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Y học Cộng đồng

Đau dây thần kinh chẩm là một nguyên nhân gây đau đầu thường gặp. Đau liên quan đến các dây thần kinh chẩm - là hai đôi dây thần kinh xuất phát từ đốt sống cổ thứ hai và thứ ba (C2, C3). Cơn đau điển hình thường bắt đầu tại nền sọ ngay vùng gáy và có thể đau lan tới vùng sau mắt, phía sau, phía trước và phía bên đầu.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm

Đau thần kinh chẩm là một hội chứng đau đầu có thể có hoặc không có nguyên nhân (thứ phát hoặc nguyên phát). Bệnh gọi là thứ phát khi có liên quan đến một bệnh nền như: U, chấn thương, nhiễm trùng, bệnh hệ thống hoặc xuất huyết.

Mặc dù những nguyên nhân dưới đây có thể gây đau dây thần kinh chẩm, vẫn có nhiều trường hợp đau thần kinh chẩm do căng cơ cổ mãn tính hoặc không rõ nguyên nhân.

- Viêm xương khớp của cột sống cổ cao;

- Chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn và / hoặc chẩm nhỏ;

- Các dây thần kinh chẩm lớn và / hoặc chẩm nhỏ hoặc rễ cổ C2 và / hoặc C3 bị chèn ép do thay đổi thoái hoá cột sống cổ;

- Bệnh đĩa đệm cột sống cổ;

- Khối u ảnh hưởng đến rễ thần kinh C2 và C3;

- Gout;

- Bệnh đái tháo đường;

- Viêm mạch máu;

- Nhiễm trùng.

Triệu chứng đau dây thần kinh chẩm

Các triệu chứng bao gồm đau liên tục, rát bỏng, hay bưng bưng (đau thành nhịp), kèm xen kẽ những cơn đau nhói, đau như điện giật. Cơn đau thường được mô tả giống chứng đau nửa đầu Migraine và đau đầu cụm (Cluster headaches). Cơn thường bắt đầu tại nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu.

Một số bệnh nhân cảm thấy đau phía sau mắt cùng bên bị ảnh hưởng. hầu hết bệnh nhân thường đau ở một bên đầu, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu. Ở vài người, cử động cổ có thể gây đau. Da đầu có thể trở nên nhạy cảm đau, và thậm chí chải tóc cũng có thể làm tăng cơn đau.

Chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm

Khó để phân biệt đau dây thần kinh chẩm với các loại đau đầu khác - do đó, chẩn đoán có thể không dễ dàng. Để đánh giá kỹ bệnh, bác sĩ cần hỏi bệnh, khám và làm các xét nghiệm. Bác sĩ có thể ghi lại các triệu chứng và xác định mức độ ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Nếu có phát hiện bất thường khi khám thần kinh, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm sau đây:

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể cho thấy bằng chứng chèn ép tủy sống từ xương, đĩa đệm hoặc máu tụ,…

- Chụp CT scan (CT hay CAT scan): Có thể cho thấy hình dạng và kích thước của ống sống, thành phần và các cấu trúc xung quanh của ống sống.

Điều trị không phẩu thuật đau dây thần kinh chẩm

Mục tiêu của điều trị là để giảm đau. Thường thì đau sẽ giảm hoặc hết khi chườm ấm, nghỉ ngơi và/hoặc vật lý trị liệu, như xoa bóp, dùng thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ. Các thuốc chống co giật như carbamazepine và gabapentin cũng có thể giúp giảm đau.

Phong bế dây thần kinh qua da (Percutaneous nerve blocks) không chỉ giúp chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm, mà còn có thể giảm đau tốt. Phong bế dây thần kinh qua da có thể tại các dây thần kinh chẩm hoặc, ở một số bệnh nhân, tại các hạch thần kinh C2 và / hoặc C3. Điều quan trọng là cần lưu ý là steroids sử dụng trong điều trị phong bế dây thần kinh qua da có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Phẩu thuật đau dây thần kinh chẩm

Can thiệp phẫu thuật có thể được xem xét khi bệnh nhân đau nhiều, kéo dài và không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Những lợi ích và những nguy cơ của phẫu thuật luôn luôn cần được cân nhắc kỹ.

Giải ép mạch máu vi phẫu (Microvascular decompression): Là kỹ thuật bộc lộ dây thần kinh bị ảnh hưởng, xác định các mạch máu có thể chèn ép các dây thần kinh và nhẹ nhàng tách chúng ra khỏi điểm chèn ép. Việc "giải ép" giúp dây thần kinh bớt nhạy cảm, cho phép chúng hồi phục và không còn đau nữa. Các dây thần kinh điều trị có thể bao gồm các rễ thần kinh C2, hạch và thần kinh hậu hạch.

Kích thích thần kinh chẩm (Occipital nerve stimulation): Sử dụng máy kích thích thần kinh đưa xung điện qua dây dẫn cách điện luồn dưới da đến gần các dây thần kinh chẩm tại nền sọ. Các xung điện có thể giúp chặn các tín hiệu đau đến não. Lợi ích của phương pháp này là nó xâm hại cơ thể rất ít, các dây thần kinh và cấu trúc xung quanh khác không bị tổn thương vĩnh viễn./.

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên